Công nghệ GPS hỗ trợ thu thập thông tin hiện trường

Thứ sáu, 20/9/2019 | 16:23 GMT+7
EVNCPC đã triển khai chương trình Thông tin hiện trường (TTHT) để thu thập thông tin hạ thế từ năm 2018 và đạt được một số kết quả đáng kể. Trong đó, nhờ sự hỗ trợ của TTHT, EVNCPC đã cơ bản hoàn thành được sơ đồ lưới điện hạ thế thực tế dựa trên bản đồ nền của Google.
Công nghệ GPS hỗ trợ thu thập thông tin hiện trường
Ứng dụng GPS trong thu thập thông tin hiện trường.

Việc thu thập thông tin vị trí và xây dựng được mạng lưới điện này, bên cạnh sự hỗ trợ của đội ngũ lập trình, các công cụ lập trình thì việc thu thập dữ liệu thực tế từ hiện trường có sự đóng góp không nhỏ của công nghệ GPS (hệ thống định vị toàn cầu).
 
Nhờ nền tảng GPS, công nhân ngành điện có thể thu thập được vị trí các cột điện, các công tơ... từ ứng dụng TTHT chạy trên điện thoại di động Android.
 
Tìm hiểu về công nghệ GPS
 
GPS là viết tắt của “Global Positioning System” (hệ thống định vị toàn cầu). Đây là một mạng lưới bao gồm 27 vệ tinh quay xung quanh trái đất, trong đó 24 vệ tinh đang hoạt động, 03 vệ tinh còn lại đóng vai trò dự phòng. Hệ thống này được Bộ Quốc phòng của các nước tiên tiến như Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước Liên minh Châu Âu: Pháp, Anh, Ý, Đức, Hà Lan, Ba Lan… thiết kế, xây dựng để vận hành và quản lý.
 
Những vệ tinh này cách mặt đất 20.200 km, bán kính quỹ đạo 26.600 km, bay 02 vòng trong một ngày theo một quỹ đạo đã được tính toán chính xác với vận tốc 7 nghìn dặm một giờ và liên tục phát các tín hiệu có thông tin xuống Trái đất. Các máy thu GPS nhận các tín hiệu này và giải mã bằng các phép tính lượng giác. GPS có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, không gian, nhiệt độ khác nhau.
 
Các thành phần của GPS
Các thành phần của GPS.
 
Lưu ý khi sử dụng GPS để thu thập thông tin vị trí hiện trường
 
Trên các điện thoại thông minh hiện nay, đa số sử dụng chuẩn A-GPS, là viết tắt của Assisted (hệ thống hỗ trợ GPS), thường được tích hợp phổ biến trên các thiết bị di động hoặc một số thiết bị định vị GPS. Sau khi khởi động, chỉ sau một thời gian ngắn có thể xác định được vị trí của thiết bị dựa vào các thông tin hỗ trợ GPS từ máy chủ trợ giúp (Assistance Server) thường có sẵn ở các trạm phát sóng di động.
 
Việc xác định thông tin trực tiếp qua sóng GPS rất mất thời gian và có thể bị gián đoạn khi sóng GPS bị che khuất bởi các vật cản cứng như dưới tầng hầm, các tòa nhà cao tầng, vách núi đá... thì A-GPS sẽ xác định được vị trí nhanh chóng dựa theo các thông tin hỗ trợ từ các máy chủ có sẵn ở các trạm phát sóng di dộng hay Internet. Do đó để tăng tính định vị nhanh hơn, chính xác hơn, chúng ta nên sử dụng mạng Internet phụ trợ dựa trên mạng 3G, Wifi... thay vì phải ra nơi thông thoáng để dò tín hiệu của vệ tinh GPS.
Theo: CPC