Khi giao dịch bằng phương thức điện tử, khách hàng không cần phải đến các điểm giao dịch của ngành điện
Việc ký kết các HĐMBĐ được thực hiện bằng hình thức văn bản giấy, đòi hỏi rất nhiều thời gian và chi phí để thực hiện.
“Do vậy, sau khi có chủ trương của EVN về việc cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, PC Thừa Thiên Huế đã tập trung nguồn lực để sớm đưa dịch vụ mới này đến với khách hàng. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngành điện trong việc cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Với phương thức giao dịch điện tử, khách hàng sử dụng điện sẽ không cần phải trực tiếp ký vào hợp đồng hay các loại giấy tờ giao dịch khác theo phương thức truyền thống. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần xem thông tin các loại biểu mẫu tại website Chăm sóc khách hàng của ngành điện, điền thông tin cần giao dịch và nhận mã bảo mật OTP được gửi đến email hoặc số điện thoại đã đăng ký để xác nhận hoàn tất các giao dịch trên môi trường điện tử.
Theo đó, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ điện được giao dịch theo phương thức điện tử tại PC Thừa Thiên Huế bao gồm: dịch vụ cấp điện mới, cấp điện mới từ lưới điện hạ áp, cấp điện mới từ lưới điện trung áp; dịch vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) - thay đổi công suất sử dụng điện/thay đổi loại công tơ 1 pha, 3 pha, thay đổi vị trí thiết bị đo đếm, thay đổi mục đích sử dụng điện, thay đổi định mức sử dụng điện, thay đổi chủ thể HĐMBĐ, thay đổi thông tin đã đăng ký, thay đổi hình thức thanh toán tiền điện, gia hạn HĐMBĐ, chấm dứt HĐMBĐ; các dịch vụ hỗ trợ, lắp đặt dây dẫn từ sau công tơ đến nhà khách hàng.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng và hướng đến chính quyền điện tử, do vậy, việc PC Thừa Thiên Huế sớm triển khai thực hiện các giao dịch theo phương thức điện tử được đánh giá cao. Trong công văn phúc đáp về việc hỗ trợ thông tin, phổ biến việc cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Ngọc Thọ - hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử của PC Thừa Thiên Huế. Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông trong tỉnh phối hợp hỗ trợ, tuyên truyền các dịch vụ điện mới để khách hàng sử dụng điện được biết.
Ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc PC Thừa Thiên Huế cho biết, tháng 6/2019, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành Quy trình thí điểm về cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, chuyển đổi việc ký kết HĐMBĐ bằng hình thức văn bản giấy sang hình thức điện tử thì đến tháng 8/2019, PC Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức điện tử. Đến nay, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, PC Thừa Thiên Huế là 1 trong 3 đơn vị được lựa chọn để thí điểm cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử.
Theo ông Nguyễn Đại Phúc, khi sử dụng dịch vụ điện theo phương thức điện tử, khách hàng không cần đến giao dịch tại trụ sở của ngành điện. “Ở bất cứ đâu, khách hàng chỉ cần mở máy tính hoặc smartphone có kết nối Internet, truy cập vào hệ thống để thực hiện giao dịch. Việc này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đi lại, thời gian giao dịch. Toàn bộ hồ sơ đều được lập dưới dạng điện tử giúp dễ dàng tra cứu thông tin, giám sát các thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa khách hàng và điện lực. Đối với ngành điện, việc áp dụng phương thức điện tử trong cung cấp các dịch vụ là phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh để minh bạch, đa dạng hoá trong giao tiếp với khách hàng. Đồng thời rút ngắn quá trình cung cấp dịch vụ điện, nâng cao năng suất lao động, giúp tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp", ông Phúc cho biết thêm.
Hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ điện qua phương thức giao dịch điện tử tại Điện lực Nam Sông Hương (PC Thừa Thiên Huế)