Tin trong nước

Công tác thi đua, khen thưởng: Để không mang tính hình thức

Thứ tư, 4/8/2010 | 14:39 GMT+7

Cần đổi mới cách thức tổ chức, triển khai và đánh giá trong công tác thi đua khen thưởng để xóa bỏ hoàn toàn “bệnh thành tích” thì mới có thể tạo nên những động lực đủ lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi đơn vị. Nhưng đổi mới như thế nào?

Ngay cả trong giờ nghỉ giải lao, các đại biểu vẫn tiếp tục thảo luận sôi nổi nội dung của Hội nghị

Thi đua đã tạo cơ sở cho công tác khen thưởng đạt được yêu cầu khách quan, đúng đối tượng và có tác dụng động viên cao, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Vì thế, thi đua khen thưởng đã trở thành một biện pháp hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của mỗi đơn vị và của toàn EVN. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Công đoàn Điện lực VN (CĐ ĐLVN): Hiện nay, không ít các đơn vị không tổ chức các phong trào thi đua, hoặc có phát động thi đua thì cũng mang nặng tính hình thức… Đó là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Phong trào thi đua góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất – truyền tải và kinh doanh điện năng” do EVN và CĐ ĐLVN tổ chức mới đây, dưới sự chủ trì của Phó TGĐ EVN Đặng Hoàng An.

Không áp đặt nội dung, tiêu chí chung

Đại điện của Công ty Thuỷ điện Ialy cho biết: Hiện nay, các đơn vị trong EVN đa dạng loại hình hoạt động, cho nên nội dung, tiêu chí thi đua phải thay đổi cho phù hợp. Nên sử dụng phương pháp chấm điểm: Các đơn vị có tổ chức phong trào thì đều đạt 50% tổng số điểm. Những đơn vị có sáng kiến hoặc cách làm mới có thể áp dụng cho đa số các đơn vị trong ngành thì có điểm thưởng cao.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại: Muốn phong trào thi đua có hiệu quả thì phải xây dựng các tiêu chí thi đua phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng để tất cả mọi người cùng được tham gia. Các phong trào phải được nuôi dần từng bước, thi đua từ mỗi cá nhân, mỗi tiểu ban nhỏ cho tới toàn nhà máy. Khi thực hiện thi đua “ca vận hành an toàn kinh tế”, Nhiệt điện Phả Lại đã phát động phong trào thi đua “kíp vận hành giỏi” để làm cơ sở xây dựng các ca vận hành giỏi với hệ thống các tiêu chuẩn thi đua liên quan trực tiếp đến dây chuyền vận hành, quy định rõ trách nhiệm của từng tiểu ban với chế độ khen thưởng rõ ràng. Thường xuyên sửa đổi, bổ sung các tiêu chí thi đua cho phù hợp. Những tiêu chí đạt được từ phong trào thi đua trước phải trở thành “điểm sàn” của phong trào thi đua sau thì mới được coi là phong trào có hiệu quả. Đặc biệt, các chỉ tiêu phải rõ ràng, minh bạch gắn với việc đánh giá khen thưởng hợp lý, công minh.

Một vấn đề khác được các đại biểu dự hội thảo quan tâm là việc bất cập trong các công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới. Đối với các đơn vị 100% vốn nhà nước, phong trào thi đua mang lại hiệu quả cho nhà nước, trong đó có lợi ích của người lao động trực tiếp, còn đối với các đơn vị cổ phần, Công ty TNHH MTV thì phong trào thi đua mang lại lợi nhuận cho cổ đông, nhưng lợi ích của người lao động trực tiếp tham gia phong trào thi đua thì lại không được thể hiện rõ. Đây là vấn đề bất cập cần được xem xét, nhiều đại biếu có đề xuất: Các đơn vị có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua thường xuyên hàng năm, ngoài việc được các cấp các ngành tặng cờ, bằng khen, giấy khen và tiền thưởng, thì người lao động phải được thêm ít nhất một tháng lương cơ bản hoặc hiện vật giá trị bằng một tháng lương cơ bản.

Về việc tiếp tục duy trì và không duy trì phong trào nào? Các đại biểu cho rằng nên duy trì tất cả các phong trào thi đua hiện có, tuy nhiên cần xem xét đến việc cần hay không cần “Phong trào thi đua ca vận hành an toàn, kinh tế”. Việc thực hiện vận hành an toàn kinh tế nó không chỉ phụ thuộc vào ý thức, tính chủ quan của nhân viên vận hành mà nó còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố khác. Ngoài ra, đối với người vận hành bắt buộc phải thực hiện đúng quy trình quy phạm kỹ thuật, không cần thi đua thì cũng phải thực hiện, thực hiện sai có chế tài bằng kỷ luật vận hành.

Phong trào phải có tính bền vững

Ông Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam đã khẳng định: Cần xây dựng quy chế thi đua khen thưởng phù hợp hơn với thực tế. Tổ chức công đoàn các đơn vị cần phối hợp với ban nữ công, đoàn thanh niên thực hiện vai trò tập hợp quần chúng, tạo mối quan hệ gần gũi giữa các cấp lãnh đạo và người lao động, duy trì hơn nữa các phong trào thi đua nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Phong trào thi đua phải đến từng người, tổ đội sản xuất, phòng ban, phân xưởng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và công đoàn trong việc xây dựng tiêu chí, thang bảng điểm để đánh giá cho sát thực tế… Công đoàn EVN sẽ nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy chế thi đua khen thưởng, đề ra các giải pháp hữu hiệu để phong trào thi đua thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Lâm – Chủ tịch Công Đoàn Công ty Truyền tải điện 4: “Việc triển khai tốt hoạt động thi đua lao động sản xuất đã giúp tổ chức công đoàn thực sự là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, việc khen thưởng cần lưu ý đến quy mô, địa bàn quản lý, loại hình doanh nghiệp để động viên kịp thời người lao động”.
 
Ông Nguyễn Văn Bích – Phó Chủ tịch CĐ EVN HANOI: Để phong trào thi đua ngày càng hiệu quả, đề nghị công đoàn cấp trên tổ chức các cuộc hội thảo – tập huấn để cán bộ công đoàn có điều kiện trao đổi kinh nghiệm. Các danh hiệu thi đua cần có chỉ tiêu đánh giá và quy định tỷ lệ riêng cho hai khối cán bộ quản lý – đoàn thể và công nhân trực tiếp sản xuất để cấp dưới dễ đề xuất lựa chọn.
 
Một trong những hoạt động phối hợp có hiệu quả của CĐ ĐLVN với EVN thời gian qua là phát động và chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua ngành nghề, thi đua mũi nhọn, thi đua nước rút, thi đua liên kết nhằm hoàn thành các công trình trọng điểm, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm của từng đơn vị và toàn ngành.

Theo ông Đặng Hoàng An - Phó tổng giám đốc EVN: Trong điều kiện hiện nay, công đoàn các đơn vị cũng cần đề xuất phong trào thi đua mang tính sát thực và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi doanh nghiệp, sao cho các chỉ tiêu thi đua không còn phụ thuộc vào chỉ tiêu của Tập đoàn mà phải phấn đấu ở mức cao hơn, biến thành phong trào, chỉ tiêu riêng của mỗi doanh nghiệp. Phải phấn đấu để khi kết thúc mỗi phong trào thi đua, chúng ta lại có thêm một chuẩn chất lượng mới để xây dựng phong trào mới với tiêu chí cao hơn, hiệu quả sát thực hơn. Chỉ khi đó các phong trào thi đua mới không còn là hình thức, mà thực sự mang tính bền vững, trở thành tiêu chí xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Theo: TCĐL số 6/2010