Tin trong nước

Công tác thi đua – khen thưởng EVN: Làm sao nhân rộng điển hình?

Thứ ba, 21/9/2010 | 10:13 GMT+7

Người Việt Nam ta vốn có truyền thống đoàn kết, yêu nước, coi trọng giá trị tinh thần, nên việc khen thưởng về tinh thần có tác dụng rất lớn và lâu dài.

Thưởng về vật chất cũng nhằm động viên khuyến khích và còn có tác dụng ngay đối với đời sống hàng ngày của người lao động, nhất là những người đang gặp khó khăn về kinh tế. Nhân dân ta cũng có câu “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, điều đó nói nên việc khen thưởng rất có ý nghĩa và luôn được người lao động coi trọng.

Quan tâm đến việc khen về tinh thần nhưng xem nhẹ việc thưởng về vật chất thì dễ mắc bệnh chủ quan duy ý chí. Còn nếu ngược lại thì sẽ mắc bệnh thực dụng, chủ nghĩa vật chất tầm thường. Với nhận thức như vậy, nhìn lại công tác thi đua - khen thưởng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam qua 5 năm (2006-2010), những người làm công tác thi đua – khen thưởng cần hiểu rõ và thực hiện tốt những quan điểm về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.

Khen thưởng để nhân rộng điển hình

Trong công tác khen thưởng, cần gắn với việc phát động và duy trì các phong trào thi đua. Đồng thời, phát huy tác dụng của công tác thi đua, của phong trào người tốt, việc tốt và tổ chức tốt việc trao tặng, tuyên truyền phổ biến rộng rãi để mọi người học tập, làm theo. Trước đây, Hồ Chủ tịch rất quan tâm việc phát động phong trào thi đua và biểu dương người tốt việc tốt. Người nói: “Thi đua là yêu nước, muốn yêu nước phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất…”. Mỗi khi tặng huy hiệu hay thư khen, Người thường dặn các địa phương, đơn vị phải tổ chức trao tặng cho tốt. Ý nghĩa lời căn dặn tổ chức việc trao tặng cho tốt không phải là tổ chức lễ thật to, thật linh đình, phô trương, nặng về hình thức, tâng công... mà Bác muốn mọi người hiểu được giá trị nhân văn của việc trao tặng, khen thưởng và từ đó nhân rộng ra. Khi đi đến cơ sở thấy có người tốt, việc tốt, Người thường yêu cầu có hình thức khen thưởng ngay để động viên kịp thời. Người còn viết bài đưa tin trên báo, trên đài nêu gương tốt cho mọi người học và làm theo.

Khen đúng mức, đúng đối tượng

Cùng với đó, phải luôn phát hiện những nhân tố mới, những điển hình hay để biểu dương, nêu gương, phát huy, phổ biến để thúc đẩy xã hội phát triển nhanh hơn. Sinh thời, Bác Hồ thường dạy: “Có công thì thưởng, có tội thì phạt, thưởng phạt phải nghiêm. Khen cái nào đích đáng cái ấy”. Do vậy, phải sâu sát phong trào để khen thưởng chính xác, không bỏ sót người có thành tích, không khen người cơ hội lợi dụng phong trào để thực hiện ý đồ cá nhân, lợi dụng khen thưởng để tiến thân, hoặc theo chủ nghĩa đam mê thành tích. Khen thưởng phải công minh, chính trực, kiên quyết không khen người không có thành tích, kẻ cơ hội... dù người đó ở cương vị nào, cấp bậc gì. Không được vì nể nang mà khen cao hơn, hay thấp đi. Đánh giá không đúng, khen thưởng sai thì ảnh hưởng xấu đến phong trào thi đua. Khen thưởng còn phải phản ánh đúng phong trào thi đua, nơi nào có phong trào thi đua mạnh mẽ, đều khắp thì khen nhiều, phong trào xuất sắc thì khen cao. Phong trào kém mà khen nhiều thì không đúng, phong trào lệch lạc thì phải uốn nắn lại.

Có quan điểm cho rằng càng khen nhiều thì càng động viên được rộng rãi, khen về tinh thần chẳng tốn kém gì, nên dẫn đến khen tràn lan, không đúng tiêu chuẩn, đôi khi còn khen sai. Khen sai thì khen càng cao tác hại càng lớn, càng rộng, nếu khen sai thì có thể Bằng khen, Huân chương trở thành tấm bình phong để che chắn cho những việc làm sai. Trái lại, có quan điểm cho rằng, khen ít mới có tác dụng chọn lọc nêu gương, thì lại dễ dẫn đến bỏ sót nhiều cá nhân, tập thể có thành tích. Do vậy, không sợ khen nhiều mà chỉ sợ khen không đúng. Nếu có nhiều gương tốt đáng khen thì cứ khen để có nhiều gương tốt cho nhiều người học tập và học tập được nhiều mặt. Chính vì vậy, Hội đồng thi đua của các đơn vị trong Tập đoàn phải xét duyệt kỹ, đánh giá đúng thành tích, thông qua việc bình chọn từ thấp đến cao. 

Điều cần lưu ý nữa là khen đúng mức quan trọng không kém khen chính xác, kịp thời. Khen dưới mức đáng khen thì làm giảm tác dụng động viên, có khi làm người được khen thắc mắc. Khen quá mức làm cho người được khen chủ quan, tự kiêu, tự mãn, giảm ý chí phấn đấu vươn lên và còn làm cho người xung quanh không đồng tình, như vậy là phản tác dụng giáo dục và mất cả tác dụng nêu gương. Khen đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh là thể hiện sự khách quan. Cùng một thành tích nhưng có lúc, có nơi thì khen, nhưng ở nơi khác, hoàn cảnh khác thì không khen là vì khen thưởng phải được đánh giá qua các phong trào thi đua, không thể cào bằng thành tích mà phải căn cứ vào hoàn cảnh, địa điểm, thời gian của từng phong trào, từng đơn vị lập ra thành tích đó.

Mang tính giáo dục cao

Nhiều người cho rằng tác dụng giáo dục của việc khen thưởng không thấy rõ nét như tác dụng động viên, nêu gương. Đúng là tác dụng giáo dục trong khen thưởng không thấy rõ ở bề nổi, nhưng nó được thể hiện trong suốt cả quá trình từ khâu đầu tiên cho đến khi kết thúc. Trước hết, việc phát động các phong trào với các tiêu chuẩn thi đua đã có tính đến tác dụng giáo dục rồi, nên người làm công tác thi đua phải xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp và thật sự tiêu biểu.
Mặt khác, khi xét khen thưởng, ngoài việc xét chọn thành tích đã đạt được, các hình thức khen thưởng đều có một tiêu chuẩn chung là phải nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, để mọi người lấy đó làm mục tiêu tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để đạt cho được tiêu chuẩn khen thưởng.
Đoàn kết trong thi đua – khen thưởng
Thi đua là đoàn kết, khen thưởng cũng phải đảm bảo đoàn kết. Đoàn kết mọi người trong từng đơn vị, giữa tập thể này với tập thể khác trong cùng đơn vị, giữa đơn vị này với đơn vị khác trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây cũng là một mục tiêu lớn của công tác thi đua của Tập đoàn. Vì vậy, những người làm công tác thi đua – khen thưởng phải hết sức quan tâm đến việc giữ gìn tình đoàn kết, tăng cường giao lưu, học tập, học hỏi kinh nghiệm tốt, kết quả tốt của các đơn vị để áp dụng sáng tạo, vận dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình, hoàn cảnh, từng nơi, từng lúc trong công tác của đơn vị mình. Muốn làm tốt công tác thi đua, cũng như công tác khen thưởng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa vai trò của các đoàn thể với chính quyền các cấp của từng đơn vị như từ tổ, đội sản xuất đến xí nghiệp, công ty... dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng. Trong đó, công đoàn, đoàn thanh niên... phải là nòng cốt của các phong trào thi đua.

Mục đích cao nhất của công tác thi đua - khen thưởng trong EVN là phải khơi dậy, động viên, biểu dương và phát huy ưu điểm, tích cực, đẩy lùi yếu kém, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, tiêu cực của từng cá nhân, từng tập thể để đẩy mạnh hơn nữa các mặt sản xuất, kinh doanh. Từ đó, xây dựng tập thể, đơn vị, ngành Điện ngày càng phát triển tốt hơn, mạnh hơn, đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo: TCĐL số 8/2010