Công tơ điện tử nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Thứ năm, 13/8/2015 | 10:25 GMT+7
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang triển khai việc ứng dụng công nghệ mới trong đo ghi chỉ số công tơ từ xa tại tất cả địa bàn quản lý.


Ảnh minh họa.
 
Khách hàng sử dụng điện thuận tiện hơn rất nhiều khi tiếp cận các dịch vụ áp dụng nhiều công nghệ hiện đại. Không cần ghi chỉ số điện mà nhận hóa đơn tiền điện bằng tin nhắn, đóng tiền bằng nhiều kênh khác nhau, khi có sự cố điện trong nhà được cảnh báo ngay… Tính đến nay các Công ty Điện lực EVN SPC đã hoàn thành việc lắp đặt hơn 636.000 công tơ điện tử.
 
Chị Lê Thu Phương (đường Thiện Ý, phường 4, Đà Lạt) cho biết, từ khi nhà chị lắp đặt điện kế điện tử, nhân viên Điện lực không tới nhà ghi số như trước đó. Chị đăng ký số điện thoại di động và hàng tháng, chị nhận được tin nhắn để thanh toán “hóa đơn” tiền điện tại bất cứ ở đâu từ ngân hàng, qua thẻ ATM hay các bưu cục… rất thuận lợi. Chị lựa chọn dùng phương thức trả tiền qua Internet banking ngay trên điện thoại cá nhân. Điều này giúp chị thuận lợi hơn rất nhiều do chị hay đi công tác, thường để lỡ mất các kỳ ghi điện cũng như thanh toán tiền điện tại nhà. 
 
Chị Phương là một trong gần 30 ngàn khách hàng của ngành Điện trên toàn tỉnh Lâm Đồng sử dụng điện kế điện tử. Hiện công tác lắp đặt điện kế điện tử đang được thực hiện tại 3 địa phương là thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Lạc Dương.
 
Ông Nguyễn Cường, Giám đốc Điện lực Đà Lạt cho biết, Đà Lạt là đơn vị thử nghiệm việc lắp đặt điện kế điện tử từ năm 2012. Sau những bước đi dè dặt, nhận được phản hồi rất tích cực từ khách hàng, việc lắp đặt điện kế điện tử đã được mở rộng. Hiện Đà Lạt đã có 21 ngàn khách hàng sử dụng điện kế điện tử trên tổng số 57 ngàn khách hàng. “Sử dụng điện kế điện tử là mấu chốt trong việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của chúng tôi. Bên cạnh đó, áp dụng các công nghệ thông tin liên lạc hiện đại khác cũng giúp ngành điện nâng cao năng lực phục vụ”- ông Cường chia sẻ. 
 
Theo ông Cường, hàng ngày, điện kế tự động báo chỉ số điện về trung tâm thông tin. Điện kế điện tử có thể coi như một bộ vi xử lý, ngoài việc đo chỉ số điện chính xác, điện kế điện tử có thể ngay lập tức phát hiện những sự cố điện trong nhà. Cụ thể như các trường hợp rò điện, chập điện hay đấu nối sai, ngay tức khắc điện kế điện tử tự động đỏ đèn báo hiệu cho người sử dụng. Đặc biệt, điện kế điện tử là hệ thống thông tin một chiều, tức là thông tin từ điện kế chuyển về trung tâm xử lý và không có chiều ngược lại, không ai, không công cụ nào có thể tác động tới việc hoạt động độc lập của điện kế. Bởi vậy, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về độ chính xác cũng như an toàn của công cụ này. 
 
Từ năm 2012 tới nay TP Đà Lạt chưa có khách hàng nào khiếu nại vì sai sót của điện kế điện tử. Sử dụng điện kế điện tử giúp ngành Điện giảm nhiều chi phí về nhân công đi ghi chỉ số, đi thu tiền, riêng Điện lực Đà Lạt đã giảm 5 công nhân ghi tiền điện. Với huyện có dân cư thưa thớt như Lạc Dương, việc sử dụng điện kế điện tử còn giúp ngành Điện giảm rất nhiều nhân lực, đồng thời người dân cũng thuận lợi hơn vì tiết kiệm thời gian trả tiền điện. Ngay với những khách hàng chưa sử dụng điện kế điện tử, ngành Điện vẫn áp dụng việc thông tin qua tin nhắn cũng như trả tiền tại điểm do khách hàng lựa chọn. Riêng việc triển khai điện kế điện tử trên toàn tỉnh là đòi hỏi cần thiết để ngành Điện cải tiến toàn bộ hệ thống.
 
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng việc lắp đặt điện kế điện tử trong toàn tỉnh theo lộ trình là từ nay tới năm 2020. Việc thay đổi này sẽ giúp chúng tôi nâng cao năng lực phục vụ khách hàng và tự hoàn thiện hệ thống điện. Chi phí lắp đặt hoàn toàn do ngành Điện bỏ ra, khách hàng không tốn kém bất cứ khoản tiền nào”. 
 
Diệp Quỳnh