PC Bình Dương nỗ lực cung cấp đủ nguồn điện cho người dân, doanh nghiệp trong mùa khô năm 2020.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết tình hình cung cấp điện và tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh trong năm qua và dự kiến năm 2020?
Ông Lê Minh Quốc Việt: Trong năm 2019, PCBD đã bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của nhân dân, các sự kiện chính trị xã hội quan trọng của địa phương và không thực hiện tiết giảm phụ tải điện.
Bên cạnh đó, PCBD đã xây dựng phương thức vận hành lưới điện tối ưu, nhằm hạn chế tối đa thời gian mất điện, bảo đảm việc cung cấp điện ổn định, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đã bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định trong thời gian tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) năm 2019. Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 trên địa bàn tỉnh là 13,627 tỷ kWh, đạt 96,85% kế hoạch, tăng 9,35% so với năm 2018 (tương ứng tăng 1,165 tỷ kWh); sản lượng điện cung ứng công nghiệp tăng 8,6% so với năm 2018, chiếm tỷ trọng 77,67%. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm không tính ở cấp điện áp 110kV là 12,267 tỷ kWh, tăng 7,57% so với năm 2018 (tương ứng tăng 863 triệu kWh).
Kết quả trên cho thấy nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh mặc dù tăng trưởng so với các năm trước có thấp hơn nhưng vẫn ở mức rất cao. Trong khi đó các trạm 110kV đang triển khai đầu tư bị chậm đóng điện vận hành do vướng nhiều trở ngại như công tác giải phóng mặt bằng, công tác thỏa thuận vị trí trạm, hướng tuyến, nên các trạm 110kV hiện hữu thường xuyên vận hành trong tình trạng đầy và quá tải. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong công tác điều hành cung cấp điện của PCBD nhằm bảo đảm việc cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
Mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm nên mực nước tại các nhà máy thủy điện xuống thấp so với mọi năm nên có nguy cơ thiếu điện trong năm 2020. Một số công trình 110kV cấp nguồn trên địa bàn tỉnh đang gặp trở ngại trong công tác thỏa thuận vị trí đặt trạm biến áp, thỏa thuận hướng tuyến, bồi thường giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ đóng điện vận hành nên sẽ không bảo đảm cấp điện một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Do đó, để bảo đảm việc cung ứng điện đủ điện, ngoài nỗ lực của ngành điện thì rất cần sự phối hợp hỗ trợ rất lớn của địa phương trong việc thúc đẩy nhanh tiến độ đóng điện các công trình điện cấp nguồn trên địa bàn tỉnh, cũng như sự chung tay góp sức của tất cả khách hàng dùng điện trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Kế hoạch năm 2020, PCBD phấn đấu thực hiện MAIFI đạt 2 lần, SAIDI đạt 231 phút, SAIFI đạt 5,9 lần và điện thương phẩm đạt 14,792 tỷ kWh.
PV: Đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngành điện sẽ thực hiện các giải pháp gì để vừa bảo đảm cho hoạt động sản xuất, vừa chống quá tải đường dây, giảm tổn thất điện năng, thưa ông?
Ông Lê Minh Quốc Việt: Để bảo đảm cho hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn tỉnh, PCBD đã chủ động phối hợp Sở Công thương lập kế hoạch cung cấp điện năm và hàng tháng của đơn vị trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở cho việc điều hành cung cấp điện. Tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu sản lượng các tháng trong năm 2020 của khách hàng trọng điểm, khách hàng lớn để thỏa thuận, thống nhất phương án điều hòa sản lượng, công suất khi xảy ra sự cố nguồn lớn, thiếu nguồn trên hệ thống hoặc quá tải lưới điện do các trạm 110kV vào chậm, vận động khách hàng tham gia và thực hiện các sự kiện, chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Thực hiện tốt việc thông báo ngừng, giảm cung cấp điện và đóng điện trở lại trong các trường hợp cắt điện kế hoạch, đột xuất và khẩn cấp theo đúng quy định, vận hành hiệu quả tổng đài 19001006/19009000 và website chăm sóc khách hàng để kịp thời cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, PCBD cũng đang tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương của tỉnh để đẩy nhanh công tác thỏa thuận tuyến, bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đóng điện các công trình lưới điện 110kV nhằm chống quá tải để bảo đảm cấp điện.
Ngoài ra, để chống quá tải và giảm tổn thất điện năng, PCBD tiếp tục thực hiện khai thác hiệu suất trạm công cộng, tăng cường kiểm tra và xử lý các đường dây trung hạ áp bị quá tải, cấy mới trạm biến áp để giảm bán kính cấp điện, điều chuyển các máy biến áp vận hành non tải, lắp đặt tụ bù, tăng cường đầu tư và sửa chữa lớn lưới điện tiếp nhận hạ áp nông thôn...
PV: Công tác tiết kiệm điện được ngành điện và xã hội tổ chức thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Minh Quốc Việt: Việc sử dụng điện tiết kiệm và hợp lý không những góp phần giúp ngành điện và đất nước trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, hạn chế tình hình thiếu điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh giá điện đã được điều chỉnh tăng thì việc tiết kiệm điện sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như giúp tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình sử dụng điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung, PCBD nói riêng bằng nhiều hoạt động thiết thực, bền bỉ trong nhiều năm qua đã dần hướng người dân, cộng đồng vào việc xây dựng ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Hàng năm, Ban chỉ đạo Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và Tiết kiệm điện của tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh nhằm tổ chức, triển khai, đôn đốc và kiểm tra các ngành, địa phương, các tổ chức liên quan đến công tác tiết kiệm điện.
Trong thời gian tới, PCBD vẫn tiếp tục triển khai những giải pháp truyền thông đến khách hàng và người dân; liên kết chặt chẽ và phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả xã hội hóa công tác truyền thông tiết kiệm điện; chú trọng công tác xây dựng kế hoạch, chương trình tiết kiệm điện một cách cóchọn lọc những giải pháp đạt hiệu quảcao, phạm vi ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng sử dụng điện; triển khai đồng nhất xuống các đơn vị trực thuộc và có theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Một số giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả đối với hộ gia đình như: Không nên để thiết bị điện ở trạng thái chờ, sử dụng các thiết bị có nhãn xác nhận là sản phẩm tiết kiệm điện, lắp các thiết bị cảm biến chuyển động để tránh lãng phí điện, thay các bóng đèn chiếu sáng thường bằng bóng đèn led, sử dụng các sản phẩm công nghệ Inverter (tiết kiệm điện); sử dụng các thiết bị hẹn giờ để bật/tắt thiết bị điện gia dụng…
Đối với doanh nghiệp sản xuất, nên bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải; rà soát đánh giá và đầu tư thêm các thiết bị tiết kiệm điện; lắp thêm các thiết bị đo đếm điện năng tại các bộ phận (tổ/đội/dây chuyền) sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng, đồng thời giao trách nhiệm tiết kiệm điện cho các bộ phận trong doanh nghiệp thực hiện; tuyên truyền sâu rộng đến người lao động về thực hành tiết kiệm điện; xem chi phí tiền điện là một trong những chỉ số trong chi phí đầu vào của doanh nghiệp, cần phải theo dõi thường xuyên và tiết kiệm tại tất cả các khâu trong sản xuất, kinh doanh.
|