Mùa khô năm 2020, ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu cung cấp đủ nguồn điện cho người dân, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, ngành Điện lực thành phố đã chủ động có các phương án, giải pháp để bảo đảm cấp đủ điện trong mùa khô, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp và người dân.
Đối mặt với mùa khô thiếu điện
Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm mùa khô nắng nóng. Đây cũng là thời điểm gia đình bà Phạm Thị Anh (ngụ số 403A Nguyễn Duy Trinh, quận 2) dùng điện nhiều hơn so với những tháng cuối năm 2019. “Tháng 1 năm nay gia đình tôi dùng gần 1,5 triệu đồng tiền điện, hơn hẳn những tháng cuối năm 2019. Đến tháng 2 nhu cầu sử dụng điện cao hơn, lên tới hơn 1,7 triệu đồng và chắc sắp tới còn tăng nữa”, bà Anh chia sẻ.
Theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020, dự báo sản lượng điện thương phẩm ước đạt 27,731 tỷ kWh, tăng khoảng 6,25% so với năm 2019; công suất cực đại ước đạt 4.900 MW, tăng 7,26% và sản lượng ngày cao nhất ước đạt 94,74 triệu kWh, tăng 5,22% so với cùng kỳ. Qua theo dõi, phân tích tình hình phụ tải trong các năm trước, kết hợp với dự báo tốc độ tăng trưởng phụ tải cho thấy, tình hình cung cấp điện cho khu vực miền Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng mùa khô (cuối tháng 3 đến hết tháng 6) năm nay.
Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, sản lượng huy động từ thủy điện chỉ đạt 3,37 tỷ kWh, thấp hơn kế hoạch 2,19 tỷ kWh. Tổng lượng nước đang tích trong các hồ thủy điện là 18.29 tỷ mét khối (tương ứng 7,92 tỷ kWh điện). Như vậy, lượng nước thiếu hụt so với mức nước dâng bình thường là 17,42 tỷ mét khối (tương ứng 7,12 tỷ kWh điện). Tính đến thời điểm đầu tháng 3-2020, các hồ thủy điện đang có mức nước thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 5m đến 24m. Ngay tại miền Nam, lưu lượng nước về các hồ thủy điện chỉ đạt từ 12 đến 70% trung bình nhiều năm; trong đó các hồ nước về kém nhất là Đồng Nai 3, Trị An, Đại Ninh. Vì thế, nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), năm 2020, để các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nhiệt điện khí bảo đảm cung cấp đủ điện, dự kiến sẽ phải huy động khoảng 3,4 tỷ kWh từ nguồn điện dầu giá cao. Riêng mùa khô năm 2020 sẽ phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu.
Cung ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt
Để chủ động cung ứng đủ điện, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) xác định cần tăng cường tiết kiệm điện và tăng nguồn cung điện. Theo đó, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị rà soát và thực hiện đầy đủ công tác bảo trì lưới điện để duy trì độ tin cậy linh hoạt lưới điện, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản tiết giảm sản lượng phù hợp trong các trường hợp thiếu nguồn và công suất.
EVNHCMC cũng đưa ra các kịch bản vận hành lưới điện ở mức tăng trưởng phụ tải đạt 10% và dự phòng kiểm tra ở mức tăng trưởng 15%. Trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp điều hòa lưới điện để cân đối phụ tải, đồng thời tập trung triển khai đưa vào các công trình xây dựng mới, cải tạo hoàn thiện lưới điện phân phối có tính chất cấp bách phục vụ cấp điện giai đoạn mùa khô. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu các đơn vị sử dụng máy phát, máy biến thế lưu động để khôi phục điện ngay cho khách hàng.
Để giảm thiểu sự cố lưới điện, bảo đảm cung cấp liên tục cho người dân, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, EVNHCMC yêu cầu các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra các điểm có khả năng gây ra sự cố tại các đầu cáp, hộp nối cáp ngầm; kiểm tra và thay thế vật tư thiết bị lâu năm không bảo đảm tiêu chuẩn vận hành... Đồng thời, yêu cầu các đơn vị vận hành lưới điện tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương “chuyển tải trước, xử lý sự cố sau”. Tức là khi xảy ra sự cố, ngay lập tức các đơn vị phải thực hiện chuyển tải nguồn điện qua một mạch/nhánh khác để tái lập điện ngay cho khách hàng, sau đó mới cô lập và thực hiện xử lý nơi xảy ra sự cố.
Để làm được điều này, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay, EVNHCMC đã và đang tiếp tục hoàn thiện kết cấu lưới điện, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Về phía các doanh nghiệp sản xuất cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng...
Với điện sinh hoạt, năm 2020, ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai vận động tất cả các hộ gia đình trên địa bàn thực hành tiết kiệm điện. Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, Tổng công ty luôn chú trọng việc tăng cường truyền thông tiết kiệm điện. Các công ty điện lực tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... các quận, huyện địa bàn thành phố tổ chức lớp tập huấn kiến thức về tiết kiệm điện; vận động các hộ gia đình trên địa bàn thành phố tham gia chương trình "Gia đình tiết kiệm điện".
Theo EVNHCMC, điện mặt trời trên mái nhà đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn cung. Cụ thể, tính đến hết tháng 1-2020 đã có 5.857 công trình được nối lưới với công suất đạt 75,84 MWp. Dự kiến năm 2020, EVNHCMC thực hiện ký hợp đồng mua bán điện mặt trời của khách hàng với công suất khoảng 300 MWp để thúc đẩy sự phát triển của điện mặt trời, phục vụ sinh hoạt và sản xuất.