Công ty Điện lực Lạng Sơn khuyến khích sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Thứ năm, 3/11/2022 | 09:06 GMT+7
Những năm qua, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã khuyến khích công nhân viên và người lao động phát huy tài năng, sáng tạo thông qua các phong trào thi đua, trong đó có phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. 

Một trong các sáng kiến của PC Lạng Sơn trong buổi bảo vệ tại EVNNPC.
 
Theo đó, bình quân mỗi năm, Công ty Điện lực Lạng Sơn đều có từ 5-10 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp Công ty và cấp Tổng công ty. Ngay như trong năm 2022, Hưởng ứng phong trào Thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu “2.700 sáng kiến” trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Lạng Sơn cũng đã tích cực triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. 
 
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: “Năm 2022, Công ty có 8/11 sáng kiến được công nhận. Trong 8 sáng kiến chúng tôi cũng sẽ chọn ra 04 sáng kiến để đề nghị cấp Tổng Công ty xét duyệt”. 
 
Được biết, các sáng kiến đã được công nhận từ đầu năm đến nay của Công ty Điện lực Lạng Sơn bao gồm sáng kiến về mọi mặt hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị, như: Áp dụng thành công các qui định của pháp luật trong công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp; Ứng dụng công nghệ thông tin khai báo nhanh đoàn viên trên hệ thống quản lý đoàn viên Công đoàn sử dụng dữ liệu từ phần mềm quản lý nguồn nhân lực; Ứng dụng bật, tắt chức năng tự đóng lại tại các ngăn lộ đường dây 35kV, 22 kV trạm 110kV Lạng Sơn từ phần mềm DIGSI 4; Ứng dụng thiết bị bay không người lái - Flycam để xây dựng lưới điện trung thế mới trên bản đồ GIS. 
 
Đặc biệt, với chức năng quản lý kỹ thuật hệ thống lưới điện, phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Lạng Sơn đã xây dựng 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, gồm sáng kiến "Tiêu chí và phương pháp điều hành tối ưu hiệu quả tụ bù trung, hạ áp để giảm tổn thất điện năng" và sáng kiến "Ứng dụng phương pháp hòa đồng bộ để xác định kết dây kinh tế lưới trung áp". 
 
Ông Phạm Ngọc Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: “Với ý tưởng nguyên lý chế độ hòa đồng bộ khép vòng là chế độ có điểm cân bằng tốt nhất, chúng tôi đã cho triển khai hoà đồng bộ các thời điểm khác nhau, giám sát thay đổi trào lưu công suất, xác định điểm cân bằng, từ đó điều chỉnh được các điểm thường mở về vị trí ổn định nhất. Qua thời gian triển khai từ tháng 5 cho đến nay các cặp lộ đường dây đều giảm tổn thất từ 10 nghìn đến 19.000kWh/tháng. Tính hiệu quả riêng các tháng triển khai trong năm 2022 thì đã giảm được tổn thất điện năng trên lưới là 640.000 kWh, thu lợi khoảng 1,1 tỷ đồng”.
 
Bắt nguồn từ nhu cầu thực tế lao động sản xuất, luôn đòi hỏi phải tìm tòi những phương pháp, cách làm mới, để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, thời gian qua, các đơn vị Điện lực huyện, thành phố cũng đã có nhiều biện pháp khuyến khích các cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên có thêm ngày càng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất như: Khen thưởng, khuyến khích kịp thời với các cá nhân, tổ đội có cách làm sáng tạo đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Tại cấp Công ty, đối với các cá nhân, tập thể có sáng kiến được công nhận, sẽ được đưa vào xét công nhận chiến sĩ thi đua, được ưu tiên trong chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ của tập thể…
 
Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Điện lực Bình Gia cho biết: “Hưởng ứng phong trào 2.700 sáng kiến, trong thời gian qua Điện lực Bình Gia đã đăng ký 3 sáng kiến, trong đó có 1 sáng kiến được Công ty công nhận, đó là sáng kiến dùng cưa sào cắt tỉa cành cây trên cao. Những cây này vẫn có giá trị kinh tế trong độ cao từ 4 đến 6m, chúng tôi dùng cưa sào ở trên cao tầm 4 đến 6m nên nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Anh em thì không phải trèo lên những cây để chặt tỉa, vì những cây này có thân nhỏ và rất mềm dẻo nên như thế cũng đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên trong thực hiện phát quang hành lang”. 
 
Thời gian tới, Công ty Điện lực Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đặc biệt là ở khối các đơn vị trực tiếp sản xuất, khuyến khích các đơn vị tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác chuyển đổi số.
Thu Hường