Tin trong nước

Công ty Điện lực Vĩnh Long hành trình “Tìm về những địa chỉ đỏ”

Thứ hai, 25/4/2022 | 10:47 GMT+7
Hướng dẫn các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5 năm 2022, Công ty Điện lực Vĩnh Long (PC Vĩnh Long) đã tổ chức cuộc hành trình “Tìm về những địa chỉ đỏ”. 

Tại Hội trường lớn của khu di tích TWCMN, đoàn công tác của PC Vĩnh Long được Ban Quan lý khu di tích sinh hoạt truyền thống cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Tham gia chuyến về nguồn lần này gồm có trên 100 thành viên, bao gồm cán bộ công nhân viên chức, người lao động; đoàn viên thanh niên và Hội cựu chiến binh PC Vĩnh Long.
 
Đoàn đã đến khu di tích Trung ương Cục Miền Nam (TWCMN) đóng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Địa đạo Củ Chi tại huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh. Tại mỗi nơi đến đoàn đều thực hiện nghi lễ dâng hương báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ có công với cách mạng.  
 
Tại địa đạo Củ Chi, đoàn đã tìm hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc qua những trải nghiệm hết sức nghiêm túc, thành kính. Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948), hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. Từ năm 1961 khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm địa bàn hoạt động, thì hệ thống địa đạo ở đây phát huy tối đa tác dụng, đặc biệt từ năm 1966.  Với sức mạnh và ý chí quật cường, quân và dân Củ Chi đã kiến tạo được một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, dài hơn 200 km xuyên trong lòng đất, kết hợp với khoảng 500km chiến hào, công sự trên mặt đất, giống như “thiên la địa võng”, khiến kẻ thù phải khiếp sợ… Bằng nhiều hình thức, quân địch đã càn quét phá hoại vùng căn cứ và hệ thống địa đạo hết sức khốc liệt, tuy nhiên bọn chúng đều thất bại. 
Hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên PC Vĩnh Long là những nhân tố góp phần thành công cho hành trình lần này.
 
Tại TWCMN, đoàn đã đi thăm một số địa điểm tái hiện lại nơi nghỉ ngơi và làm việc của các vị lãnh đạo cách mạng thời ký chống Mỹ cứu nước, được nghe cán bộ Ban quản lý khu di tích khái quát lại quá trình hoạt động cách mạng tại khu rừng này, thắp hương tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Cố thủ tướng Phạm Hùng…. đây là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những bậc tiền bối của cách mạnh Việt Nam, hạt nhân tiêu biểu đã đi vào huyền thoại, bởi công sức của họ đã làm nên thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc. 
 
Theo như lời của hướng dẫn viên quản lý khu di tích thì TWCMN cách địa giới của nước bạn Campuchia chừng 01 km theo đường chim bay, cách cửa khẩu Xa - Mát khoảng 4 km, đây là nơi từng được gọi là “Thủ đô kháng chiến” của miền Nam, vẫn còn đọng lại những kỳ tích vang bóng một thời trong những năm tháng kháng chiến chống  Mỹ. Tiền thân của TWCMN là Xứ ủy Nam bộ, sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II - 1951, Xứ ủy Nam bộ chuyển từ Tây Nam bộ về Đông Nam bộ và chọn Đồng Rùm làm căn cứ. Sau đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III – 1960 TWCMN được thành lập trực thuộc Trung ương Đảng, phạm vi lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp từ cực Nam Trung bộ và Nam bộ (gọi là B2). Trung ương Cục miền Nam đầu tiên đóng tại Mã Đà – chiến khu Đ tỉnh Đồng Nai, đến tháng 2/1961 chuyển về Bắc Tây Ninh với phiên hiệu là Cục R. Qua nhiều lần di chuyển và xây dựng căn cứ trên đất Tây Ninh, tháng 8/1972 TWCMN chuyển về địa điểm hiện nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cho đến ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng.
 
Qua chuyến về nguồn hết sức ý nghĩa này, CBCNV PC Vĩnh Long đã có một đợt sinh hoạt học tập thực tế bổ ích, được nghe những giai thoại hết sức hào hùng của quân và dân ta, được nhìn thấy các hiện vật, hầm tránh bom, giao thông hào, di ảnh của các vị lãnh đạo tiêu biểu trong kháng chiến…. Từ thực tiễn chuyến đi các thế hệ hôm nay càng tự hào về truyền thống vẻ vang của đảng, về những bậc tiền nhân đã hy sinh cho tổ quốc đòi lại độc lập cho dân tộc. Nhận thức được những giá trị sâu sắc, mỗi người lao động trong PC Vĩnh Long càng phải tự rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với những hi sinh to lớn đó.
 
Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022). Kỷ niệm 122 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022) và 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (6/5/1911 – 05/6/2022) của PC Vĩnh Long.
Thái Khanh