Tin trong nước

Chương trình 30a, EVN hỗ trợ tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009 – 2021: Tạo sự phát triển nhanh, bền vững cho bà con dân tộc vùng cao

Thứ sáu, 22/4/2022 | 14:06 GMT+7
Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, ngày 27-12-2008, về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. 

Nguồn đầu tư, hỗ trợ của EVN đã giúp đời sống người dân 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ nói riêng và người dân tỉnh Lai Châu nói chung ngày một cải thiện và phát triển bền vững.
 
Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Với ý thức trách nhiệm, tình cảm và triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao hỗ trợ 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), trong giai đoạn 2009-2021, những đóng góp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không chỉ hoàn thành mục tiêu đặt ra, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 huyện (mỗi năm hơn 6%), đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo trong cả nước mà còn giúp bà con người dân vùng cao khu vực này từng bước phát triển bền vững.
 
Nhiều khó khăn, thách thức
 
Lai Châu là một tỉnh miền núi cao phía Tây Bắc của Tổ quốc có đường biên giới Việt - Trung dài 265,095 km và có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Lai Châu có tổng diện tích tự nhiên 9.068,787 km2, trong đó: trên 60% diện tích ở độ cao trên 1.000 m, trên 90% diện tích có độ dốc trên 250; xen kẽ một số thung lũng tương đối bằng phẳng, rộng như: Mường So, Bình Lư, Mường Than… đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 7,1% diện tích tự nhiên. Với đặc điểm địa bàn rộng, mật độ dân cư nông thôn thưa và thường sống không tập trung, địa hình dốc, phân cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, Lai Châu là một trong những tỉnh gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2008, tỉnh có 7 huyện, thị xã gồm 98 xã, phường, thị trấn (đến nay là 8 huyện và thành phố gồm 108 xã, phường, thị trấn) với tỷ lệ hộ nghèo là 33,7%.
 
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cuối năm 2008, tại 3 huyện vùng cao này còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ chỉ có 29/40 xã có điện, đạt tỷ lệ 72,5% (còn 11 xã chưa có điện); có 12.596/30.731 hộ dân có điện đạt tỷ lệ 41% (còn 18.135 hộ dân chưa có điện); có hơn 3.000 nhà tạm. Cùng với đó, địa hình chia cắt phức tạp, mật độ dân cư sống không tập trung. Hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực này yếu kém, nhất là đường giao thông liên xã và giao thông nông thôn đến các thôn bản (nhiều thôn bản không có đường giao thông). Mặt khác, do đặc thù của thời tiết mùa mưa liên tục kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm gây sạt lở đường… Tất cả đã tạo ra nhiều thách thức cho EVN khi thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao.
 

Nguồn đầu tư, hỗ trợ của EVN đã giúp đời sống người dân 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ nói riêng và người dân tỉnh Lai Châu nói chung ngày một cải thiện và phát triển bền vững.
 
Những con số biết nói
 
Để triển khai Chương trình, ông Võ Quang Lâm cho biết, EVN đã phối hợp với tỉnh Lai Châu, các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ tổ chức khảo sát thực trạng, nhu cầu cần hỗ trợ, nghiên cứu đề xuất các nội dung hỗ trợ trên cơ sở các thế mạnh của EVN và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu từng huyện và người dân từng giai đoạn. Tập đoàn đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ với tỉnh Lai Châu và các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ về kế hoạch thực hiện trong các giai đoạn 2009-2011, giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020. Các hoạt động hỗ trợ trong mỗi giai đoạn đều được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kết quả thực hiện giai đoạn trước đó. 
 
Tập đoàn kết hợp các nguồn vốn vay, vốn của EVN, vốn của các đơn vị và đặc biệt là nguồn vốn do toàn thể cán bộ công nhân viên trong toàn Tập đoàn đóng góp để thực hiện các nội dung hỗ trợ. Cụ thể như EVN sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), vốn đối ứng của EVN, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) thực hiện các dự án cung cấp điện cho các xã, thôn bản hộ dân chưa có điện và vốn đầu tư, cải tạo lưới điện của Công ty Điện lực Lai Châu; sử dụng nguồn phúc lợi và chi phí sản xuất kinh doanh của Tập đoàn để thực hiện xây dựng cơ sở vật chất cho trung tâm đào tạo nghề… với tổng nguồn vốn cho Chương trình giai đoạn 2009-2021 là 980,2 tỷ đồng.
 

Nguồn đầu tư, hỗ trợ của EVN đã giúp đời sống người dân 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ nói riêng và người dân tỉnh Lai Châu nói chung ngày một cải thiện và phát triển bền vững.
 
Thực hiện Chương trình, EVN tập trung vào những thế mạnh của mình để hỗ trợ 3 huyện vùng cao này như phát triển lưới điện nông thôn, nhất là các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện; xóa nhà tạm; xây dựng trung tâm đào tạo nghề, trường học nội trú, bán trú; xây dựng “Nhà bán trú dân nuôi”; xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo; đào tạo cho các sinh viên được cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường; đào tạo khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình sản xuất; hỗ trợ xi măng làm đường giao thông thôn bản tại các xã xây dựng nông thôn mới... Các hoạt động hỗ trợ của EVN trong từng giai đoạn đều bám sát nhu cầu thực tế của địa phương, bảo đảm việc hỗ trợ đúng mục tiêu, đúng đối tượng.
 
Khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả mà EVN phối hợp cùng với chính quyền địa phương triển khai Chương trình 30a nhằm hỗ trợ người dân 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ, nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn, đồng thuận của người dân địa phương, trong giai đoạn 2008-2021, Chương trình đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Trong giai đoạn 2009-2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình hàng năm là 5,14%, trong đó 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ giảm gần 6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 30a đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020 còn 16,33%, giảm 24,07% so với cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo đa chiều), riêng huyện Than Uyên năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo là 10,8% giảm 8,2% so với năm 2015 (là 19%), huyện Tân Uyên là 6,72% giảm 13,49% so với năm 2015 (là 20,21%), Phong Thổ là 20,49%, giảm 8,81% so với năm 2015 (là 29,3%). Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng mạnh theo từng giai đoạn từ 8 triệu đồng/người năm 2008 lên 18,2 triệu đồng/người năm 2015 và lên 41,7 triệu đồng/người năm 2020 (tăng 5,2 lần so với năm 2008). 
 
Đối với các huyện được EVN hỗ trợ, giai đoạn 2009-2021 mức tăng thu nhập bình quân đầu người đều cao hơn so với toàn tỉnh. Cụ thể thu nhập bình quân đầu người huyện Than Uyên tăng 6,6 lần lên 41 triệu đồng năm 2021; huyện Tân Uyên tăng 6,05 lần lên 36,32 triệu đồng năm 2021; huyện Phong Thổ tăng 7,17 lần lên 34 triệu đồng năm 2021. Trong công tác phát triển lưới điện nông thôn, đến cuối năm 2021, EVN đã cung cấp điện cho 100% xã và hơn 102.568/104.959 hộ dân có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 97,7%. Số hộ dân có điện lưới quốc gia tại 3 huyện đạt 45.988/46.065 hộ dân, chiếm tỷ lệ 99,8% cao hơn mức bình quân chung của tỉnh và cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Như vậy, EVN đã hoàn thành vượt mục tiêu so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lai Châu là 100% xã có điện năm 2015 và trên 95% hộ dân có điện năm 2020. Giai đoạn 2018-2020, huyện Tân Uyên, Than Uyên đã ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
 
Tạo ra sự phát triển bền vững

Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội nghị Tổng kết Chương trình 30a do EVN và UBND tỉnh Lai Châu tổ chức sáng 22-4 tại tỉnh Lai Châu.
 
Đánh giá về hiệu quả Chương trình 30a mang lại, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung nhấn mạnh, sự đóng góp của EVN với địa bàn huyện miền núi này đã mang lại sự đổi thay rõ rệt. Hệ thống lưới điện được đầu tư trên địa bàn huyện đã giúp 99,6% hộ gia đình được sử dụng lưới điện quốc gia. Từ việc đầu tư này đã giúp thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt, đời sống của người dân; việc cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp đời sống người dân ngày một cải thiện.
 
Thông tin thêm về điều này, ông Nguyễn Xuân Khá, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Hạnh (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên) chia sẻ, có mặt trên đồng đất Tân Uyên từ rất sớm, nhưng cây chè chỉ thực sự phát triển và được ví như “vàng xanh” ở vùng đất này khoảng 10 năm trở lại đây. Theo anh Khá, ngày trước, nguồn điện khu vực này chỉ đủ để thắp sáng nên công việc thu hái chè và sản xuất thủ công, manh mún, chất lượng không cao. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, ngành Điện đã đầu tư, cải tạo hệ thống điện, nâng cấp các trạm biến áp, đủ nguồn điện cho sản xuất nên nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Bản thân gia đình ông Khá đã đầu tư dây chuyền sản xuất gần 2 tỷ đồng, giúp mỗi ngày sản xuất từ 20-25 tấn chè tươi, nâng cao chất lượng sản phẩm mang lại nguồn lợi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
 
Theo tỉnh Lai Châu, đến hết năm 2014, các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ đã triển khai hoàn thành 10/10 mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó huyện Phong Thổ hoàn thành 4/4 mô hình sản xuất nông nghiệp (mô hình nuôi cá, nuôi gà, nuôi thủy cầm, trồng rau vụ đông). Tại huyện Than Uyên hoàn thành 4/4 mô hình sản xuất rau an toàn; sản xuất ngô vụ đông; mô hình chăn nuôi vịt, gà. Ở huyện Tân Uyên hoàn thành 2/2 mô hình sản xuất nông nghiệp (hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: 40 máy làm đất, mô hình thân canh sản xuất lúa chất lượng)...
 
Có thể nhấn mạnh, những đóng góp mà EVN, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ tỉnh Lai Châu mang lại sự đổi thay rõ rệt cho tỉnh miền núi cao phía Tây Bắc của Tổ quốc góp phần xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng. Từ đầu tư, hỗ trợ của EVN, đã tạo ra một bệ đỡ vững chắc giúp người dân nơi đây phát triển bền vững.
Thanh Hải