Đào tạo nhân lực điện hạt nhân: Phải mang tầm quốc gia

Thứ hai, 27/4/2009 | 09:34 GMT+7
Tổ máy đầu tiên của nhà máy diện hạt nhân của nước ta dự kiến sẽ vận hành và phát điện thương mại vào năm 2020. Trong số các công việc cần chuẩn bị cho nhà máy, khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đào tạo nhân lực cần đi trước từ 10-15 năm và phải thực hiện ở cấp chính phủ, cấp quốc gia.

Hợp tác với nước ngoài là hướng đi được lựa chọn.

Nhìn lại vấn đề đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân của nước ra, nhiều chuyên gia đã cho rằng, còn nhiều bất cập và chưa theo kịp tiến trình của chương trình điện hạt nhân.

Khung nhân lực thiếu

Nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình điện hạt nhân (ĐHN) bao gồm: Nhân lực để thực hiện dự án xây dựng nhà máy; nhân lực cho nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật; nhân lực cho các cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân; nhân lực cho hoạt động giáo dục và đào tạo.

Giáo sư Cao Chi (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) - giáo sư đầu ngành về điện hạt nhân ở nước ta đã cho rằng, trong đội ngũ quản lý, kỹ sư và vận hành nhà máy, đội ngũ kỹ sư được coi là quan trọng và đào tạo nhiều thời gian nhất. Nhưng ở nước ta hiện nay, cả ba đội ngũ này đang rất thiếu.

Giáo sư Cao Chi cho biết, có những vị trí có thể đào tạo tương đối nhanh, nhưng với thành phần quan trọng là chuyên gia thì đòi hỏi phải đào tạo từ 5 năm trở lên và phải có thời gian dài thích hợp làm việc trong nhà máy ĐHN.

"Chưa nói tới những cán bộ đầu đàn trong ngành. Đây là những người cầm trịch vấn đề thì yêu cầu đào tạo còn lâu hơn, có khi tới 10 năm. Ở các nước khác, nếu ở mốc xuất phát như nước ta, cán bộ khung của họ nhiều hơn, thuận lợi hơn cho tiến trình hạt nhân".

Nguồn nhân lực hạt nhân của VN hiện nay chủ yếu đang làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử (khoảng 750 người), tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (trên 40 người). Đây sẽ nguồn nhân lực chính cho các cơ quan quản lý an toàn, cơ quan nghiên cứu triển khai. Đây cũng sẽ chính thức chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của nước ta.

 

 

Mô hình vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Nhưng theo Giáo sư Cao Chi, hầu hết cán bộ của chúng ta mặc dù giỏi nhưng đều chưa được kinh qua thực tế trong các nhà máy ĐHN. Kiến thức về công nghệ hạt nhân còn hạn chế. Trong khi đó, số cán bộ đầu đàn từng được đào tạo bài bản tại các nước có công nghệ hạt nhân phát triển hiện đang quá tuổi lao động. Nguồn nhân lực cận kề gần như hẫng hụt do trong một thời gian dài chính sách về ĐHN bị gián đoạn.

Giáo sư Cao Chi nhấn mạnh: "Đáng lẽ ở giai đoạn hiện nay, chúng ta đã phải có hàng trăm cán bộ am hiểu một cách tường tận vấn đề, có trình độ về công nghệ hạt nhân, cũng như điện hạt nhân để thực hiện báo cáo đầu tư hay thẩm định dự án".

Do đó, theo Giáo sư, trong tình thế hiện nay, có lẽ chúng ta cũng nên áp dụng trở lại phương pháp và các chế độ huy động nhân lực như thời bao cấp để kịp thời đáp ứng không chỉ cho việc vận hành nhà máy ĐHN vào năm 2020 mà cho cả chương trình hạt nhân của đất nước xa hơn sau này.

Cần có ban chỉ  đạo mang tầm quốc gia

Giáo sư Cao Chi cho biết, đáng ra chúng ta phải có ban chỉ đạo cho toàn chương trình điện hạt nhân, sau đó sẽ có cá ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng nhà máy ĐHN, ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo... Như hiện nay, chúng ta vẫn có chưa có được ban chỉ đạo tầm quốc gia chung cho toàn chương trình, trong khi vấn đề đào tạo nhân lực đang được đặt ra cấp thiết.

"Do đó, một trong những việc cần làm ngay là có một ban chỉ đạo về đào tạo nhân lực cho ĐHN mang tầm quốc gia để có thể điều phối, huy động nguồn lực của đất nước cho chương trình này. Nếu các cơ quan riêng lẻ thực hiện thì hiệu quả sẽ không cao", Giáo sư Cao Chi nhấn mạnh.

Trong buổi lấy ý kiến các bên cho đề án đào tạo của Bộ Giáo dục Đào tạo, bộ này cho biết đã đề xuất, kiến nghị xin được thành lập ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nhân lực cho chương trình hạt nhân nhưng vẫn chưa nhận được sự  đồng ý. Do đó, hiện nay, các bên tham gia vào chương trình đào tạo đều xây dựng những chương trình đào tạo riêng.

 

 

Nhân lực công nghệ hạt nhân của VN còn hạn chế.

Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện dự án (quản lý, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng...) từ cuối năm không 2006.

Phía EVN cũng cho biết, hiện đang tiến hành  soạn thảo dự thảo  thang bảng lương dành riêng cho khối ĐHN và sẽ sớm trình bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng đã hoàn thành xây dựng đề án chương trình đào tạo nhân lực nòng cốt cho hoạt động nghiên cứu  phát triển, hỗ trợ kỹ thuật và cho cơ quan quản lý.

Phía Bộ Giáo dục Đào tạo mới đây cũng đã lấy ý kiến đóng góp lần 3 cho dự thảo chương trình đào tạo này. Tuy nhiên, để có tính hệ thống cần thống nhất một cách khoa học (ngay trong cả việc phân chia chương trình đào tạo cho các viện, các trường đại học, các trung tâm đào tạo) mới có thể đạt hiệu quả cao nhất, tránh đào tạo một cách chồng chéo gây lãng phí thời gian và tiền của.

Theo Lao Động số 17