Việt Nam thiếu nhân lực ngành hạt nhân

Thứ tư, 10/6/2009 | 08:27 GMT+7

Để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân an toàn cần 1.200 người có trình độ đại học. Như vậy, nhân lực cho 2 nhà máy điện là chừng 2.400 người.

Cán bộ làm việc ở lò phản ứng Đà Lạt. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo "Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Khoa học và Công nghệ hạt nhân" nhằm thực hiện chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, năm 2008 cả nước có 505 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân, làm chủ yếu trong 10 cơ quan như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội và TP HCM)...

Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân của nước ta đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là thiếu các nhà khoa học đầu đàn. Trong số 505 cán bộ này, chỉ có 62 tiến sĩ, độ tuổi trung bình là 50. Trong số 12 GS, PGS ngành này thì có tới 4 người tuổi 60-62, số còn lại cũng ở độ tuổi 50-55.

Hiện Việt Nam có 5 đại học tham gia đào tạo ngành và chuyên ngành về hạt nhân: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực. Nhưng số lượng giảng viên chỉ có 3 PGS. TS, 9 tiến sĩ, 21 thạc sĩ, 15 kỹ sư, cử nhân.

Ngoài ra còn có Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đào tạo trình độ tiến sĩ Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý và Điện tử, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Vật lý hạt nhân.

Tuy nhiên, chương trình đào tạo chuyên ngành Vật lý hạt nhân, Vật lý kỹ thuật... còn nặng tính lý thuyết, ít thực hành, chưa cập nhật thường xuyên các kiến thức về khoa học và công nghệ hạt nhân trên thế giới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị để đào tạo chuyên ngành hạt nhân rất thiếu và lạc hậu. Điển hình, cả nước chỉ có một lò phản ứng hạt nhân công suất 500kW thuộc sự quản lý của Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đưa vào từ năm 1963.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF)... nhân lực cần cho nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW là khoảng 1.000 người có trình độ ĐH, CĐ. Ở nước ta, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu bảo dưỡng nhà máy an toàn cần 1.200 người có trình độ đại học. Như vậy, nhân lực cho 2 nhà máy điện là chừng 2.400 người.

Ngoài số nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhà máy, cần có thêm 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật và pháp quy hạt nhân, chuyên gia nghiên cứu và phát triển... phục vụ nghiên cứu, quản lý và vận hành, khai thác đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.

Đề án chỉ rõ, năm 2020 về nhân lực phục vụ nhà máy điện hạt nhân, dự kiến đào tạo được 2.400 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân, trong đó 200 người tốt nghiệp tại nước ngoài; 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành này, trong đó 150 người đào tạo ở các nước có ngành điện hạt nhân phát triển.

Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân dự kiến đào tạo 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ; 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong cơ sở đào tạo ngành hạt nhân...; cử 500 lượt các nhà quản lý, nhà khoa học ngành kỹ thuật hạt nhân đi khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.

Với tốc độ đào tạo hiện nay (mỗi năm được 70 kỹ sư, cử nhân và 20 thạc sĩ, tiến sĩ), đến năm 2020 cả nước mới cho ra lò 700 kỹ sư, cử nhân và 200 thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy, cần đào tạo thêm 2.000 kỹ sư, cử nhân và 100 thạc sĩ, tiến sĩ.

Đến tháng 8/2008, trên thế giới có 439 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp khoảng 15% sản lượng điện. Còn tại Việt Nam, hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên công suất 2.000 MW sẽ được xây dựng tại xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) của tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy này có diện tích trong hàng rào là 400 ha. 

Theo VnExpress