11/11vị trí móng phải dịch chuyển đang được thi công để nhường vị trí cho hầm xuyên núi dài 3,2km của tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (Bình Định). Ảnh: Ngọc Hà.
Ấy là khi ngàn vạn nụ hoa cà phê cựa mình, bung những cánh trắng nền nã như những chiếc áo lấp lánh giữa ban mai phố núi còn vương sương đêm. Và đến khi niềm vui kết hạt, ấy là mùa hạ bắt đầu, PTC3 bắt tay vào thực hiện kế hoạch đảm bảo cung cấp điện cho mùa hè. Kế hoạch đảm bảo cung cấp điện ấy được thực hiện lặp đi lặp lại hàng năm một cách hợp lý nhất, kể cả khi thời tiết bị xáo trộn bất thường, không tuân theo một quy luật nào cả thì công tác đảm bảo điện vẫn được thực hiện tuần tự, không có gì đổi khác. Đối với người làm công tác truyền tải, sự thay đổi chỉ có chăng là việc chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác vận hành đường dây và trạm biến áp, còn kế hoạch sửa chữa vẫn giữ nguyên. Sự khắc nghiệt của mùa hè miền Trung nóng nực vẫn không làm cho người ta ngơi nghỉ, vẫn phải thực hiện kế hoạch sửa chữa trong thời tiết giòn như nắng.
Góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc
Công nhân Truyền tải điện Phú Yên lắp đặt camera giám sát trên các vị trí cột giao chéo với đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Ngọc Hà.
Lưới điện truyền tải do PTC3 quản lý vận hành đi qua địa phận 5 tỉnh duyên hải Nam miền Trung và 4 tỉnh Tây nguyên như một phần quan trọng của chiếc đòn gánh mang nặng hai khu vực phụ tải lớn là miền Nam và miền Bắc, vì vậy, trong câu chuyện về công tác vận hành của PTC3 từ 2017 đến 2025, công tác đảm bảo cung cấp điện mùa khô sẽ khó khăn gấp bội lần khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục vừa phải phối hợp với các đơn vị liên quan đi khảo sát để xác định mức độ ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải khi triển khai dự án, thực hiện kiểm đếm từng vị trí cột điện, đường dây cần phải di dời; tham gia góp ý các hồ sơ thiết kế di dời lưới, góp ý phương án thi công, đăng ký cắt điện, hỗ trợ giám sát thi công, tham gia tổ chức nghiệm thu đóng điện vận hành, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc.
Phó Giám đốc PTC3 Đinh Văn Cường cho biết, giai đoạn 2017-2020, đã hoàn thành 31 điểm giao chéo đường điện và cao tốc Bắc Nam trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hoà, trong đó, trong đó 17 điểm giao chéo đường dây 500kV và 14 điểm giao chéo đường dây 220kV. Cụ thể: Cung đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm do ban Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư (06 điểm giao chéo với đường dây truyền tải); Cung đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do ban Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư (03 điểm giao chéo với đường dây truyền tải); Cung đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết do ban Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư (17 giao chéo với đường dây truyền tải) và Cung đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư (05 điểm giao chéo với đường dây truyền tải).
Công nhân Truyền tải điện Ninh Thuận sử dụng thiết bị bay kiểm tra các vị trí vượt đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Ngọc Hà.
Giai đoạn 2021-2025, tổng số điểm giao chéo với các dự án đường cao tốc là 29 điểm giao chéo đường dây 220kV trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đang triển khai 5 cung đoạn cao tốc là: Cung đoạn cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn do ban Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư (01 điểm giao chéo với đường dây truyền tải); Cung đoạn cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn do ban Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư (05 điểm giao chéo với đường dây truyền tải); Cung đoạn cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh do ban Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư (09 giao chéo với đường dây truyền tải); Cung đoạn cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư (05 điểm giao chéo với đường dây truyền tải) và Cung đoạn cao tốc Vân Phong - Nha Trang do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư (09 điểm giao chéo với đường dây truyền tải). Hiện nay, 11/11 điểm thuộc tỉnh Bình Định đang thi công phần xây dựng móng; 9/9 điểm thuộc tỉnh Phú Yên đang lựa chọn nhà thầu thi công và 9/9 điểm thuộc tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện thoả thuận.
Dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phục vụ đời sống của nhân dân. Hình dáng tuyến cao tốc - trục xương sống của dải đất hình chữ S đang dần được định hình có sự đóng góp của PTC3.
Những người công nhân truyền tải thực thụ
Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận. Ảnh: Ngọc Hà.
Nhận định được khó khăn trong việc cung cấp điện mùa khô 2023, nên ngay từ đầu năm 2023, PTC đã yêu cầu các đơn vị Truyền tải trực thuộc triển khai các phương án để chủ động cung cấp điện trong mọi tình huống, trong đó lưu ý: Luôn chủ động kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, xử lý kịp thời những tồn tại trên lưới điện nhằm ngăn ngừa tối đa các nguy cơ dẫn đến sự cố, chủ động trong công tác tuyên truyền về bảo vệ an toàn công trình và hành lang lưới điện; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất theo đúng lộ trình, kế hoạch. Đặc biệt, đảm bảo đáp ứng giải tỏa tối đa công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo theo phương thức của các cấp điều độ. Kết quả, sản lượng điện truyền tải thực hiện 8 tháng đầu năm 2023 đạt 4,68 tỷ kWh, tăng 20,29% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, năm 2023, PTC3 sẽ đạt 6,2 tỷ kWh bằng 109,9% kế hoạch giao.
Tổn thất điện năng thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2023 là 1,95% giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân tổn thất điện năng tăng so với kế hoạch là do các tháng đầu năm huy động cao các nguồn năng lượng tái tạo trên lưới. Đặc biệt, trong tháng 1, các điều độ huy động cao các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, đồng thời với huy động tối đa nguồn điện gió; trong tháng 4 phải cắt điện đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây - nhánh rẽ Tân Uyên liên tục 20 ngày để thi công giao chéo tuyến cao tốc Bắc Nam nên phần lớn năng lượng tái tạo khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận phải chạy vòng trên lưới 220kV.
Lắp đặt camera giám sát tại trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm. Ảnh: Ngọc Hà.
Các chỉ số khác như, điện áp trên hệ thống truyền tải nằm trong giới hạn cho phép, chỉ số độ tin cậy cung cấp điện đều đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và vận hành lưới điện truyền tải thực chất mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Điều quan trọng là chương trình chuyển đổi số phải giúp những người làm công tác truyền tải có chủ kiến trong nâng cao độ tin cậy vận hành lưới điện, giảm chi phí nhân công, tăng khả năng truyền tải an toàn. PTC3 đã triển khai “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý trạm biến áp bằng thiết bị thông minh”. Đề tài đã được nghiệm thu và triển khai ứng dụng rộng rãi trong toàn EVNNPT. Việc ứng dụng phần mềm giúp số hoá toàn bộ quy trình, công tác kiểm tra và quản lý thiết bị trạm biến áp đã góp phần rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng năng suất lao động.
Tại Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) -Trạm biến áp có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn Ninh Thuận và kết nối lưới điện truyền tải khu vực duyên hải Nam miền Trung. Đây là điểm nút quan trọng trong hệ thống lưới điện của PTC3, các thiết bị thường xuyên vận hành ở chế độ đầy tải. Do đó, nhân viên Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm phải theo dõi liên tục trình trạng thiết bị, nhiệt độ của máy biến áp, các điểm tiếp xúc của máy cắt, dao cách ly, máy biến dòng... Việc kiểm tra, ghi chép dữ liệu vận hành hàng giờ, hàng ngày về dòng điện, điện áp, công suất, nhiệt độ máy biến áp… thực hiện chủ yếu thủ công sau đó nhập vào trong máy tính, tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Công nhân Truyền tải điện Bình Thuận sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Hà.
Từ giữa năm 2019, PTC3 triển khai chuyển đổi số trong quản lý vận hành và tại trạm biến áp 220kV Tháp Chàm đã áp dụng các ứng dụng phần mềm quản lý kỹ thuật, phục vụ sản xuất.
Hiện nay, Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm đang hoạt động theo mô hình trạm biến áp không người trực (nhân viên Tổ thao tác lưu động Tháp Chàm làm việc theo giờ hành chính từ 7h – 11h30 và 13h30 – 17h). Đây là mô hình được PTC3 đang áp dụng thử nghiệm tại 3/18 trạm 220kV thuộc PTC3 quản lý. Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực như tạo thuận lợi trong thực hiện mọi công việc tại trạm (kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; xử lý bất thường, sự cố thiết bị...); thuận lợi trong việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Việc áp dụng chuyển đổi số đối với vận hành trạm biến áp không người trực góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện năng, góp phần tạo ra bước đột phá trong điều khiển theo dõi, cập nhật tình trạng hoạt động của thiết bị.
Công nhân Truyền tải điện Phú Yên sử dụng Flycam kiểm tra đường dây tải điện tại các đoạn giao chéo với quốc lộ Bắc - Nam. Ảnh: Ngọc Hà.
Công nhân Truyền tải điện Khánh Hòa dùng công nghệ quét mã QR ghi thông số, kiểm tra thiết bị tại trạm biến áp 220 kV Vân Phong. Ảnh: Ngọc Hà.
Trong công việc, dù ở lĩnh vực nào bắt đầu đều có những vết rạn tự nhiên, như con chim nẻ cái vỏ trứng chui ra để khôn lớn trưởng thành. Tôi cảm nhận được ở những người làm công tác truyền tải tại PTC3, họ cố gắng và cần mẫn làm tốt từng công việc để phải trở thành những người công nhân truyền tải điện thực thụ.