Mực nước về hồ thủy điện Đồng Nai thấp hơn nhiều so với trung bình hàng năm gây khó khăn cho sản xuất điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương xây dựng kế hoạch cung ứng điện năm 2013 để trình Bộ phê duyệt. Theo đó, đã ban hành Quyết định số 7969/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2013 làm cơ sở pháp lý cho điều hành cung ứng điện.
Tình hình cung ứng điện vẫn duy trì tốt
Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 1, 2 đạt 18,762 tỷ kWh, cao hơn 11,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tháng 1 khoảng hơn 10 tỷ kWh, tăng hơn 27% (do cùng kỳ tháng 1 là dịp Tết Nguyên đán); tháng 2 khoảng 8,3 tỷ kWh, thấp hơn gần 3% (do tháng 2/2013 có đợt nghỉ Tết Nguyên Đán và tháng 2 có thêm 1 ngày do năm 2012 là năm nhuận). Công suất cực đại của HTĐ QG ghi nhận được là 17.992MW (bao gồm bán điện Campuchia với Pmax là 175MW), tăng 14,36%.
So với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2013 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 1 và 2 ở mức xấp xỉ dự báo (thấp hơn 376 triệu kWh, ~ 2% kế hoạch). Trong đó, tổng sản lượng điện phát của nguồn nhiệt điện than thấp hơn 43 triệu kWh; tuabin khí cao hơn 210 triệu kWh; thủy điện thấp hơn 561 triệu kWh; các nguồn điện khác sai lệch không đáng kể. Nguyên nhân chính là do tiêu thụ điện trong tháng 2 không cao như dự kiến đầu năm do ảnh hưởng đáng kể của đợt nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ dài ngày.
Tình hình cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia nhìn chung ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh, không thực hiện điều hoà, tiết giảm điện trên phạm vi cả nước. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả công tác chuẩn bị, phối hợp đồng bộ giữa Bộ Công Thương/Cục Điều tiết điện lực, các Tập đoàn EVN, PVN, Vinacomin cũng như các đơn vị phát điện trong việc cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia; nỗ lực của PVN trong việc phối hợp tốt với EVN để bố trí công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống cung cấp khí trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ (9 ngày) và đảm bảo cung ứng điện (giúp duy trì cung cấp khí tối đa, liên tục trong các tháng cao điểm mùa khô (tháng 3÷6) sắp tới, giúp các nhà máy điện tuabin khí duy trì vận hành phát điện tối đa); nỗ lực của Vinacomin trong việc sớm đưa tổ máy số 2 nhà máy điện Mạo Khê vào vận hành sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch, góp phần đảm bảo cung ứng điện (tổng sản lượng điện phát tăng thêm của nhà máy điện Mạo Khê là 190 triệu kWh).
Hiện nay, tình hình cung ứng điện toàn hệ thống nửa đầu tháng 3 tiếp tục được duy trì thực hiện tốt. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống nửa đầu tháng 3 đạt 4,975 tỷ kWh tăng 10,74% so với cùng kỳ năm, chênh lệch không nhiều so với dự báo (trung bình đạt 355,3 triệu kWh/ngày, tăng 9,84%).
Lưới điện truyền tải 500-220kV vận hành ổn định, không xảy ra các sự cố lớn gây gián đoạn cung ứng điện. Trong đó, lưới điện truyền tải 500kV xu hướng truyền tải chủ yếu theo chiều từ miền Bắc vào miền Trung, miền Trung vào miền Nam. Lưới điện 220kV đã đóng điện đưa vào vận hành đường dây 220kV Sóc Sơn - Tân Trì và TBA 220kV Vân Trì tăng cường cung ứng điện cho thành phố Hà Nội.
Tiềm ẩn yếu tố bất lợi
Vận hành sản xuất điện tại Nhà máy thủy điện Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2013, dự kiến, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2013 khoảng 133 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2012. Công suất cực đại (Pmax) toàn quốc khoảng 20.585 MW.
Tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện mới được đưa vào vận hành trong năm nay là 2.683MW, bao gồm 18 nhà máy điện và các nguồn điện nhỏ khác. Các loại nguồn thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhập khẩu điện đã được huy động phát điện tối đa có thể, các nguồn điện có giá thành cao (chạy dầu FO, DO) cũng được huy động để đáp ứng nhu cầu điện của hệ thống.
Để chuẩn bị cho điều tiết nước các hồ thủy điện phục vụ cấp nước hạ du, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 3526/VPCP-KTN ngày 21-5-2012, trong bối cảnh hệ thống các quy trình, quy định vận hành liên hồ chứa các tháng mùa kiệt còn chưa đầy đủ, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Phú Yên, EVN, các nhà máy thủy điện thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba trong tháng 6 và 8-2012 để xem xét, thống nhất kế hoạch điều tiết nước đảm bảo yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt khu vực hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba hài hòa với nhu cầu vận hành phát điện năm nay. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các nhà máy thủy điện trên các lưu vực sông lập kế hoạch và thực hiện phát điện đảm bảo hài hòa lợi ích trong việc tưới tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt và cung ứng điện.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, từ tháng 1 đến nay đã đảm bảo ổn định nguồn nước tưới cho khoảng 11.000 ha diện tích lúa Đông Xuân ở khu vực hạ du.
Trong 2 tháng đầu năm, trước tình hình khô hạn diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là khu vực hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, trong tháng 3, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra tình hình vận hành phát điện và điều tiết nước cho hạ du của nhà máy thủy điện A Vương tại tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Bộ Công Thương chỉ đạo nhà máy thủy điện A Vương phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Nam để rà soát, thống nhất lại kế hoạch điều tiết nước đảm bảo ở mức cao nhất yêu cầu cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt khu vực hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng như các địa phương khác.
Tình hình thuỷ văn các hồ thuỷ điện 2 tháng đầu năm, nhìn chung xấu hơn so với dự kiến đầu năm. Tính đến cuối tháng 2, mực nước thượng lưu các hồ thủy điện toàn quốc đều thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó hồ A Vương ở mức rất thấp (thấp hơn 25m so với cùng kỳ năm 2012); nguồn khí Cửu Long thường xuyên vận hành không ổn định với lượng khí cấp ở mức thấp, từ 0,3-0,5 triệu m3/ngày, không đủ đáp ứng công suất phát điện của nhà máy điện Bà Rịa. Một số nhà máy nhiệt điện than cũng vận hành không ổn định, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 và 2, Hải Phòng, Quảng Ninh. Chỉ có nguồn khí Nam Côn Sơn vận hành ổn định với lượng khí cấp khoảng 19÷20 triệu m3/ngày, đáp ứng 90% nhu cầu khí cho phát điện tối đa của cụm NM Phú Mỹ, Nhơn Trạch và khí Tây Nam (PM3-CAA) cung cấp khí ổn định với lượng khí cấp khoảng 4,4 triệu m3/ngày, đáp ứng 75% nhu cầu khí cho phát điện tối đa của cụm NM Cà Mau.
Trên cơ sở tiêu thụ điện 2 tháng đầu năm, theo dõi chuỗi thống kê nhiều năm qua về diễn biến nhu cầu điện các tháng cuối mùa khô và rà soát kỹ các tính toán bao gồm các giả thiết đầu vào về hệ thống điện, khai thác các nhà máy điện, nhập khẩu điện từ Trung Quốc v.v… Theo dự báo nhu cầu tiêu thụ điện từ tháng 3 đến tháng 6, tổng nhu cầu điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt khoảng 45 tỷ kWh, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, về cơ bản đảm bảo cung ứng điện các tháng 3 ÷ 6 và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra như sự cố lớn các nhà máy điện, lưới điện 500-220kV, nhu cầu điện tăng cao đột biến… Tuy nhiên, kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia các tháng 3 ÷ 6 có thể gặp phải các yếu tố bất lợi do nhu cầu tiêu thụ điện trong các tháng 3 ÷ 6 có thể tăng cao đột biến vào cao điểm mùa khô có thể có nắng nóng gay gắt; tình hình thủy văn các hồ thủy điện trên phạm vi cả nước hiện đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu và dự kiến chưa có dấu hiệu cải thiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguồn khí Nam Côn Sơn không đủ đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện tối đa của cụm tuabin khí Bà Rịa-Phú Mỹ - Nhơn Trạch 1, 2 (khả năng cấp khí tối đa là 20 triệu m3/ngày so với nhu cầu tối đa là 23,5 triệu m3/ngày); Nguồn khí Tây Nam (PM3-CAA) chỉ đủ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu khí cho phát điện tối đa của cụm nhà máy điện Cà Mau (khả năng cấp khí tối đa là 5,85 triệu m3/ngày, trong đó cấp cho Đạm Cà Mau là 1,46 triệu m3/ngày, cho nhà máy điện Cà Mau 1, 2 là 4,39 triệu m3/ngày).
Việc vận hành tối đa các nhà máy nhiệt điện than lại có nhiều rủi ro do giới hạn truyền tải lưới điện 500-220kV khu vực Đông Bắc Bắc Bộ và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than khu vực Đông Bắc Bắc Bộ (Hải Phòng, Quảng Ninh, Uông Bí, Cẩm Phả) thường xuyên vận hành không ổn định, công suất khả dụng không đạt tối đa theo thiết kế. Trong khi đó, tiến độ vào vận hành một số nguồn điện mới như tổ máy 1 nhà máy thủy điện Xekaman 3, tổ máy 1 nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh 2 và tiến độ cải tạo lưới điện truyền tải 220kV Đông Bắc Bắc Bộ để giải phóng công suất các nhà máy nhiệt điện than Đông Bắc Bắc Bộ trong các tháng 3 ÷ 6 còn nhiều yếu tố bất định.
Cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ
Để chuẩn bị và thực hiện cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng 3 ÷ 6, được biết, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các Tập đoàn EVN, PVN, Vinacomin và các đơn vị ngành điện thực hiện các giải pháp cụ thể về cung ứng điện, theo đó, tập trung thực hiện một số biện pháp, theo đó, giao EVN xây dựng phương án và thực hiện điều tiết các hồ thủy điện hợp lý, nhằm mục tiêu vừa góp phần đảm bảo cung ứng điện vừa cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân tại các địa phương; phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh có nhà máy thủy điện để điều tiết nước các hồ thủy điện đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát điện, đặc biệt là khu vực sông Vu Gia-Thu Bồn theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam về kế hoạch sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tháng 3 và 4 vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn tỉnh Quảng Nam; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa một cách hợp lý các tổ máy phát điện để giảm thiểu ảnh hưởng đến khả năng cung ứng điện cho hệ thống; huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí. EVN cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình phụ tải, độ ổn định trong vận hành các nguồn nhiệt điện than/khí, diễn biến thủy văn để xác định thời điểm thích hợp huy động các nguồn FO, DO nhằm đảm bảo có sản lượng dự phòng cần thiết cho hệ thống điện Quốc gia vào cuối mùa khô năm 2013, tránh đưa các hồ thủy điện đặc biệt là các hồ thủy điện phía Bắc về mực nước chết trước khi lũ về các hồ.
Đồng thời, chỉ đạo Tổng công ty điện lực miền Nam, Tổng công ty điện lực thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện (sắt thép, xi măng v.v…) để đối phó với khả năng mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Nam; các tổng công ty điện lực, công ty điện lực tỉnh phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh trên phạm vi cả nước để đẩy mạnh tuyên truyền về kế hoạch cung ứng điện năm 2013, những khó khăn trong việc cung ứng điện cho HTĐQG, đặc biệt cho miền Nam năm 2013 để toàn xã hội hiểu, chia sẻ khó khăn với ngành điện, thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả.
Giao PVN đảm bảo duy trì sản lượng khí cấp ở mức cao để cung cấp khí cho các nhà máy điện tuabin khí phát điện năm 2013 theo kế hoạch huy động của EVN, trong đó, xem xét tăng thêm khí Cửu Long cho nhà máy điện Bà Rịa để nâng cao khả năng cung ứng điện toàn hệ thống. Trong trường hợp thiếu khí, ưu tiên sử dụng khí cho phát điện, cần thiết có thể giảm sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ khác (khí cấp cho nhà máy đạm, hộ thấp áp…) để đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện. Đồng thời, phối hợp với EVN để chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động tối đa công suất các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý theo kế hoạch huy động của EVN; chỉ đạo, đôn đốc để đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung ứng điện toàn hệ thống.
Vinacomin cung cấp than đầy đủ và liên tục cho các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo phát điện tối đa trong các tháng 3÷6; phối hợp với EVN để chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động tối đa công suất các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý theo kế hoạch huy động của EVN; chỉ đạo, đôn đốc để đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung ứng điện toàn hệ thống.