Nước Đức tập trung phát triển năng lượng tái tạo sau khi từ bỏ điện hạt nhân.
Những nhà máy điện hạt nhân của Đức cung cấp 20% tổng số điện tiêu dùng trong nước, tính đến thời điểm năm 2011. Nhưng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời chủ yếu ở miền Bắc của đất nước này phát điện không ổn định, cần phải vận chuyển, quản lý bằng hệ thống đường tải điện mới và nhanh. Do đó, Chính phủ Đức có kế hoạch lắp đặt 1.800km đường dẫn điện cao thế mới đi xuyên đất nước cho đến năm 2012 để cải thiện tình trạng thiếu đường dây tải điện hiện nay.
Thêm vào đó, ít nhất cần nâng cấp 4.400km hệ thống đường dây tải điện hiện có trong cùng thời kỳ này. Tổng cộng phải chi khoảng 32 tỉ euro (tính tròn là 40 tỉ USD) để xây dựng những đường tải điện mới. Do sự bùng nổ các nguồn năng lượng tái tạo trên một thập kỷ qua ở trong nước, việc thiếu hệ thống chuyển tải điện hiện nay đã làm giảm tốc độ cuộc cách mạng năng lượng của Đức.
Vào ngày đầy nắng như trong tháng 5, những tấm pin mặt trời đã được lắp đặt ở Đức chỉ phát được 75% nhu cầu điện dùng trong một ngày. Vào ngày 28/5 và những ngày cuối tuần trước đó, những tấm pin mặt trời được lắp đặt ở khắp nước Đức cung cấp được 22.000MW/giờ, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng lên đến 28.000MW.
Các công ty cung cấp điện của Đức đã sẵn sàng phát triển những kế hoạch theo quy mô nhỏ để giải quyết việc phát điện thừa vào những ngày nhiều nắng, nhiều gió và để khắc phục sự thiếu điện trong thời kỳ tiêu dùng điện vào mùa đông.
Ông Thomas Wolski, người quản lý mô hình hệ thống tải điện nhanh ở thành phố Mannheim, cách Berlin khoảng 500km về phía đông nam cho rằng: “Cách có hiệu quả nhất để sử dụng năng lượng tái tạo là tiêu dùng ngay tại địa phương và tiêu thụ ngay lập tức”. Trong mô hình của thành phố Mannheim, các hộ gia đình sử dụng năng lượng mặt trời có thể kết hợp với sử dụng các nguồn năng lượng khác trong cụm những đơn vị cung cấp năng lượng có hiệu quả của thành phố. Ông Wolski cho biết, người quản lý năng lượng cũng có thể sẽ cân nhắc liệu có cho máy giặt hoạt động hoặc tạm thời đình chỉ sử dụng tủ lạnh, các hệ thống sưởi ấm để tối ưu hóa việc sử dụng.
Trong các kế hoạch khác, ở các kho đông lạnh công nghiệp cần sử dụng những thiết bị tích trữ điện trong thời kỳ cung cấp được nhiều năng lượng tái tạo và khi giá điện thấp. Nhất là đối với ngành đánh bắt cá và chế biển hải sản ở trong đất liền cách bờ Bắc Đại Tây Dương 20km tại thành phố Cuxhaven.
Với hệ thống đường dây tải điện nhỏ và nhanh, sẽ đảm bảo cung cấp điện cho 650 hộ gia đình, một bể bơi của cộng đồng, một số kho lạnh và nhiệt kết hợp với các trạm phát điện, các nhà cung cấp năng lượng địa phương phải phát triển các cụm phát điện và tích trữ điện. Tanja Schmedes, Giám đốc điều hành dự án của EWE cho biết: “Khi những khu điện gió đặt ở ngoài biển phát được nhiều điện, chúng ta cho các buồng lạnh giảm nhiệt độ xuống cực thấp và sử dụng các buồng lạnh này như những bộ phận tích điện”.
Stefan Kohler, Giám đốc của Cơ quan Năng lượng Đức (DENA) – một cơ quan bán nhà nước điều phối việc khai thác những nguồn năng lượng tái tạo và những hệ thống tải điện nhanh – cho rằng: “Những mô hình như thế là không đủ đáp ứng hệ thống đường dây tải điện khổng lồ để phân phối cho khu vực công nghiệp nặng của Đức. Hơn thế nữa những đường tải điện hiện nay không đủ để tải điện dài trên hàng trăm kilômét. Chúng tôi cần hệ thống đường dây tải điện 380kW kết hợp để tải điện thay thế trong khoảng cách tương đối ngắn và cái gọi là những đường dây tải điện cao thế trực tiếp có khả năng tải được khối lượng điện lớn trong khoảng cách xa”.
Ông nghĩ rằng, chậm nhất đến năm 2020, Đức phải sử dụng ít nhất ba hệ thống đường dây tải điện cao thế trực tiếp từ Schleswig Holstein ở Bantich và Bắc Đại Tây Dương đến Bavaria, mỗi đường dài 900km.
ST