Tin thế giới

Cách mạng năng lượng sạch: Sự lựa chọn toàn cầu

Thứ năm, 14/6/2012 | 09:00 GMT+7
Báo cáo về tình trạng năng lượng tái sinh toàn cầu năm 2012 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 11/6 khẳng định xu hướng đầu tư khai thác các nguồn năng lượng tái sinh đang tăng mạnh trên thế giới.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, các nỗ lực tận dụng nguồn năng lượng sạch vẫn chủ yếu tập trung ở các nền kinh tế lớn. Trong điều kiện đó, những lời kêu gọi tiến hành “cách mạng năng lượng” ngày ngày càng gia tăng trên khắp thế giới.

Đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch

Theo UNEP, tổng số vốn đầu tư toàn cầu cho các nguồn năng lượng tái sinh trong năm 2011 đạt mức kỷ lục 257 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và gấp 6 lần so với năm 2004, trong khi tổng số vốn đầu tư để phát triển các nguồn nhiên liệu hoá thạch đã giảm xuống còn 302 tỷ USD.

Lý giải sự gia tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Mỹ, đang phải cắt giảm ngân sách để đối phó với “căn bệnh nợ công”, ông Achim Steiner, Giám đốc Điều hành UNEP, nói: “Có thể có rất nhiều lý do khiến đầu tư vào các nguồn năng lượng tái sinh tăng mạnh trong thời gian gần đây, từ vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng cho tới nhu cầu cấp bách trong việc điện khí hóa các khu vực nông thôn và đô thị tại các nước đang phát triển”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011 là “động lực” khiến nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, tăng cường đầu tư khai thác nguồn năng lượng tái sinh.

Cuộc khủng hoảng này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và tạo ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng ở “đất nước Mặt trời mọc”.

Bên cạnh đó, cuộc tranh giành nguồn năng lượng hóa thạch giữa các nước ngày càng khốc liệt hơn là một nguyên nhân nữa khiến nhiều nước chuyển sang hướng sử dụng năng lượng tái sinh.

Trong số các nước chú trọng sử dụng năng lượng tái sinh, Trung Quốc là nước đầu tư mạnh nhất. Năm 2011, Trung Quốc đã dành 51 tỷ USD cho việc khai thác các nguồn năng lượng sạch, chiếm 19,8% trong tổng số vốn đầu tư của toàn thế giới.

Nhật Bản, quốc gia đã bị thảm họa động đất-sóng thần năm 2011 và đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, cũng đầu tư tới 9 tỷ USD, xếp ở vị trí thứ sáu cùng với Anh và Tây Ban Nha.

Cũng theo UNEP, do chi phí sản xuất năng lượng mặt trời giảm mạnh nên tổng công suất phát điện mặt trời trên thế giới tăng tới 74% lên mức 69,7 triệu KW, gần bằng 30 nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn.

Đáng chú ý, cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima đã giúp cho công suất phát điện mặt trời ở Nhật Bản trong năm 2011 tăng gần 1,3 triệu KW lên mức 4,9 triệu KW.

Nhờ vậy, Nhật Bản đã vươn lên hàng thứ ba trong số các nước sản xuất điện mặt trời. Tuy nhiên, công suất phát điện mặt trời của “xứ sở hoa anh đào” hiện chỉ bằng 20% so với Đức và 38% so với Italy là hai nước đi đầu trong lĩnh vực này.

Năng lượng sạch cần cho cả loài người

Theo UNEP, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái sinh (không kể thuỷ điện) đã chiếm tới 44% tổng sản lượng điện tăng thêm trên toàn cầu trong năm 2011.

Đến đầu năm 2012, có ít nhất 118 nước, trong đó hơn 50% là các nước đang phát triển, đã đặt mục tiêu đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh so với con số 96 nước năm 2010.

Mặc dù vậy, hiện nay các nguồn năng lượng tái sinh mới chỉ chiếm 16,7% tổng năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng sạch vẫn chủ yếu tập trung ở một số nước.

Các nước dẫn đầu thế giới về sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái sinh là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Ấn Độ và Nhật Bản.

Tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái sinh của những nước này hiện chiếm tới 70% tổng sản lượng của cả thế giới.

Nguyên nhân chủ yếu khiến việc sử dụng năng lượng tái sinh vẫn chưa phổ biến trên thế giới là do công nghệ khai thác năng lượng sạch vẫn còn nhiều hạn chế, khiến cho giá thành sản xuất vẫn cao.

Mặt khác, theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2011, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới đã tăng 3,2% so với năm 2010 bất chấp các nỗ lực không ngừng của nhiều nước trên thế giới.

Điều này khiến hiện tượng biến đổi khí hậu trầm trọng thêm và gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Riêng tại khu vực Mỹ Latinh, theo nghiên cứu do Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (BID) công bố trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển sắp tới ở Brazil, nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, khu vực này sẽ phải gánh chịu thiệt hại vật chất tới 100 tỷ USD/năm cho đến năm 2050.

Cuối tháng 8/2011, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi thế giới tiến hành một cuộc “cách mạng năng lượng sạch” để giúp chuyển đổi nền kinh tế thế giới và đưa thế giới trở lại con đường phát triển sạch, an toàn và hợp lý hơn.

Ông nhấn mạnh: “Các nước đi theo hướng nhanh chóng phát triển năng lượng sạch sẽ trở thành cường quốc kinh tế trong thế kỷ 21… Người dân các nước này cũng sẽ được tận hưởng không khí sạch hơn, có sức khỏe tốt hơn, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới cao hơn và an ninh tốt hơn”./.
 
(TTXVN)