Tin thế giới

Tầm nhìn năng lượng

Thứ tư, 13/6/2012 | 16:21 GMT+7
Nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung và phát huy tối đa lợi thế tự nhiên của mỗi quốc gia là bức tranh chiến lược tổng thể được hoạch định, ở đó năng lượng tái tạo dường như là chìa khóa chung cho bài toán tương lai này.
 


 
Phong điện là chìa khóa giải bài toán an ninh năng lượng của nhiều quốc gia

6 chiến lược an ninh năng lượng của Singapore

Người Singapore dùng hình ảnh một đóa hoa đang từ từ nở ra để biểu tượng cho vai trò của năng lượng trong nền kinh tế đang tăng trưởng năng động và mạnh mẽ của mình. Họ đang nỗ lực xây dựng một chính sách năng lượng quốc gia toàn diện và linh hoạt.

Ngày nay, Singapore trở thành một mô hình tăng trưởng bền vững cho nhiều thành phố trên khắp thế giới, họ đã đi một chăng đường dài thực sự từ khi còn là một tiền đồn thương mại nhỏ của Anh.

Hạn chế về tài nguyên, cũng không có một giọt dầu nào, nền tảng năng lượng của Singapore được coi là cực kỳ phụ thuộc và “dễ bị tổn thương”, nhưng bằng những chính sách đột phá, có tầm nhìn, ngày nay đất nước nhỏ bé này đã trở thành trung tâm lọc hóa dầu hàng đầu của châu Á, một quốc gia có thị trường điện lực cạnh tranh nhất, các nguồn năng lượng đa dạng nhất, hình mẫu về sự bền vững và an ninh năng lượng.

Thông qua việc nhận thức đầy đủ về năng lực của mình cũng như phân tích thấu đáo các điều kiện khách quan, xu thế của bức tranh năng lượng toàn cầu trong tương lai, các chiến lược gia Singapore đã đề ra 6 chiến lược năng lượng của mình gồm: Một là, thúc đẩy cạnh tranh bằng chính sách tự do hóa thị trường năng lượng; hai là, đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng với các chính sách khuyến khích đầu tư linh hoạt; ba là, cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; bốn là, xây dựng nền công nghiệp năng lượng và đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu phát triển; năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng lượng và cuối cùng là chiến lược về việc đổi mới phương pháp tiếp cận toàn bộ các vấn đề năng lượng của cơ quan hoạch định chính sách – Chính phủ Singapore.

Sự phức tạp và tầm quan trọng của chiến lược phát triển năng lượng đòi hỏi một phương pháp tiếp cận mới và toàn diện cả về định hướng, chính sách, quy hoạch, điều phối năng lượng. Singapore coi việc cạnh tranh về giá và nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy là 2 điểm quan trọng nhất với nền kinh tế của mình. Ngoại trừ điện hạt nhân, Singapore không đặt ra ưu tiên phát triển với khuôn dạng nào về nguồn cung. Thủy điện, địa nhiệt, phong điện, nhiệt điện, điện khí hay điện mặt trời, khi công nghệ được cải thiện, nguồn năng lượng là không khả thi cho Singapore ngày hôm nay có thể trở thành lựa chọn khả thi trong tương lai.

Thế mạnh của Việt Nam

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt ngày 27/12/2007 với những mục tiêu chủ yếu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá trữ lượng các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, thủy điện và uranium); mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng khác ở nước ngoài bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước.

Với thế mạnh tài nguyên dầu khí, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các nhà máy lọc dầu, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25-30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020. Bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010, đạt 60 ngày vào năm 2020 và đạt 90 ngày vào năm 2025.

Việt Nam sẽ chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đồng bộ để đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành vào năm 2020, sau đó tăng nhanh tỉ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng quốc gia; hoàn thành chương trình năng lượng nông thôn, miền núi và cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.

Chính sách năng lượng của Việt Nam cũng hướng đến mục tiêu tăng tỉ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.

Chiến lược năng lượng tái tạo của Ấn Độ

Giống như một số nước có nền nông nghiệp phát triển do điều kiện tự nhiên thuận lợi, Ấn Độ ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo. Dù hiện nay năng lượng gió, mặt trời và sinh khối được sản xuất ra chỉ chiếm khoảng 5% mức tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ, tuy vậy mục tiêu chiến lược là đến 2050, việc sản suất năng lượng tái tạo sẽ tăng chiếm 50% nhu cầu năng lượng của nước này.

Ấn Độ hiện là một trong những nước tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất thế giới, mỗi năm Ấn Độ phải nhập khẩu gấp 3 lần lượng dầu thô họ sản xuất được. Nhằm giảm  sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ ngày càng cạn kiệt, Ấn Độ đang đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn năng lượng. Sản xuất diesel sinh học từ cây dầu mè (Jatropha) là ưu thế đặc biệt, với diện tích gieo trồng rộng lớn hơn 12 triệu ha, mỗi năm Ấn Độ có thể thu được 3 triệu tấn nhiên liệu “xanh”. Năng lượng gió là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của Ấn Độ, đứng thứ 4 thế giới, sau Đức, Tây Ban Nha và Mỹ.

Là nước trồng mía lớn thứ hai thế giới hiện nay, Ấn Độ ưu tiên dùng mía làm nguồn nguyên liệu để sản xuất khí ethanol, nước này sử dụng công nghệ mới trong việc điều chế ethanol trực tiếp từ nước mía ép, mà không qua giai đoạn cô nước mía thành mật đường (molasse), một kỹ thuật giúp giảm rất nhiều chi phí sản xuất.

8 mục tiêu đồng bộ của Trung Quốc

Chiến lược năng lượng quốc gia của đất nước đông dân nhất hành tinh này được hoạch định với 8 mục tiêu bằng việc đặt tiết kiệm toàn diện và sử dụng năng lượng hiệu quả lên vị trí hàng đầu; thứ hai là điều chỉnh và hợp lý hóa cơ cấu năng lượng, kiên trì chiến lược lấy than làm chính, lấy điện lực làm trung tâm, phát triển toàn diện dầu khí và nguồn năng lượng mới.

Mục tiêu thứ ba là bố cục phát triển hợp lý năng lượng giữa các miền, thúc đẩy phát triển hài hoà giữa năng lượng và giao thông. Hợp tác quốc tế khai thác nguồn năng lượng mới là mục tiêu thứ tư. Thứ năm là dựa vào tiến bộ và sáng tạo mới của khoa học kỹ thuật. Những chiến lược còn lại là tăng cường bảo vệ môi trường, xem xét đầy đủ các yếu tố ràng buộc và khả năng chịu đựng của môi trường; đa nguyên hóa về cung cấp năng lượng, tăng cường xây dựng dự trữ chiến lược xăng dầu, kiện toàn hệ thống dự báo khẩn cấp về an toàn năng lượng và cuối cùng là hoàn thiện chính sách tài nguyên và phát triển năng lượng, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế thị trường và tăng cường đầu tư cho lĩnh vực năng lượng.

Chiến lược 5+3 của Nhật Bản

Quốc đảo nghèo tài nguyên Nhật Bản đặt ra 5 mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030 cho chiến lược năng lượng của mình là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng lên 30%; giảm tỉ lệ phụ thuộc vào dầu mỏ từ mức 50% hiện nay xuống còn 40% hoặc thấp hơn; giảm tỉ lệ phụ thuộc vào dầu mỏ của ngành giao thông vận tải từ mức gần 100% xuống còn 80%; tăng khả năng sản xuất điện hạt nhân từ 30% lên hơn 40% và nâng tỉ lệ nhập khẩu dầu thô Nhật Bản có quyền khai thác ở bên ngoài từ 15% lên 40%.

Nhật Bản còn định ra 3 mục tiêu cơ bản, đó là đảm bảo an ninh năng lượng, giải quyết đồng bộ vấn đề năng lượng – môi trường và đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề liên quan tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới.

Nhật Bản đặc biệt coi trọng nội dung bảo đảm an ninh năng lượng. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của ngành giao thông vận tải, Nhật Bản sẽ tăng cường sử dụng nhiên liệu tổng hợp hoặc dầu sinh học được sản xuất từ các loài thực vật. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản ưu tiên chính sách hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển kỹ thuật của các nghiệp đoàn ôtô và đặt mục tiêu nâng tỉ trọng điện hạt nhân trong tổng lượng điện tiêu thụ của nước này vượt mức 1/3 như hiện nay.

Nga với ưu tiên gia tăng khai thác dầu khí

Là quốc gia giàu trữ lượng tài nguyên hàng đầu thế giới, từ nay đến 2030 Nga đặc biệt tập trung vào thế mạnh tài nguyên dầu khí, hàng năm sẽ nâng sản lượng lên từ 530 – 535 triệu tấn, sản lượng khí đốt tự nhiên từ 885-940 tỉ m3 và sản lượng điện từ 1.800-2.200 tỉ kW/h vào năm 2030.

Chiến lược năng lượng của Nga được đưa ra gồm ba giai đoạn phát triển năng lượng. Theo đó, mục tiêu chính của giai đoạn thứ nhất sẽ nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến lĩnh vực năng lượng. Giai đoạn thứ hai sẽ tập trung vào vấn đề nâng cao hiệu quả năng lượng. Đến cuối giai đoạn thứ ba, Nga kỳ vọng sẽ tận dụng được tối đa hiệu quả của các nguồn năng lượng truyền thống và sẵn sàng cho công đoạn chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế.

Nga sẽ đầu tư khoảng 609-625 tỉ USD cho lĩnh vực dầu mỏ. Một trong những nhiệm vụ chiến lược trong ngành công nghiệp năng lượng dầu mỏ là tối đa hóa việc thu hồi và sử dụng nguồn dầu khí. Chiến lược năng lượng quy định, vào thời điểm trước năm 2015 sẽ sử dụng có hiệu quả 95% nguồn dầu khí đã khai thác.

Nhìn vào bức tranh chiến lược năng lượng tổng thể trên đây, dễ dàng nhận thấy tập hợp các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển các nguồn năng lượng mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và mở rộng hợp tác quốc tế có ý nghĩa sống còn với hầu hết các quốc gia trong kỷ nguyên này.
 
ST