Đoàn công tác của EVN làm việc với các tỉnh có đường dây 500kV mạch 3 đi qua. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mười năm sau, đường dây 500kV mạch 2 được đưa vào vận hành đúng dịp kỷ niệm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-2005) giải quyết tình trạng thiếu điện ở Miền Bắc trong thời gian từ năm 2005-2008 và cũng sau 10 năm, vào dịp kỷ niệm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-2014), đường dây 500kV mạch 3 (giai đoạn 1: Pleiku- Mỹ Phước-Cầu Bông) đóng điện thành công đưa vào vận hành giải quyết tình trạng thiếu điện ở Miền Nam. Giai đoạn tiếp theo, từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) và Pleiku 2 (Gia Lai ) đang được EVN triển khai thực hiện tiếp trong năm 2017.
Nếu như mục tiêu của đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng trước đó 10 năm là truyền tải điện từ Miền Bắc vào giải quyết tình trạng thiếu điện cho Miền Trung và Miền Nam, đường dây 500kV mạch 2 xây dựng truyền tải năng lượng điện ngược lại từ Miền Nam và Miền Trung ra Miền Bắc, thì đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng để đảm bảo tiêu chí n-1 trên giao diện Bắc-Trung từ Vũng Áng đến Pleiku, nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc-Trung, khắc phục nguy cơ sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện trên các đường dây truyền tải Bắc-Trung, tạo mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và góp phần giảm chi phí vận hành chung của hệ thống khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện ở miền Bắc vào miền Nam, khi giảm sản lượng từ các nhà máy nhiệt điện dầu như: Thủ Đức, Hiệp Phước, Ô Môn 1, Cần Thơ và các nhà máy nhiệt điện tua bin khí hỗn hợp giai đoạn sau năm 2020; tối ưu hóa trong vận hành các nhà máy điện trên toàn quốc.
Truyền tải công suất của các nhà máy điện (chủ yếu nhà máy nhiệt điện than) để bù đắp cho trường hợp thiếu hụt điện năng cục bộ của từng miền, đặc biệt đảm bảo cấp điện và an ninh năng lượng cho miền Nam trong trường hợp phụ tải tăng trưởng cao hơn dự kiến cho những năm sau 2018, có xét đến tình huống tiến độ một số dự án nguồn điện ở miền Nam không đưa vào vận hành đúng tiến độ theo Qui hoạch điện VII hiệu chỉnh; thiếu khí cung cấp cho cụm NĐ Cà Mau, Kiên Giang, Ô Môn và phải nhập LNG để bổ sung cho cụm NĐ này.
Thực tế cho thấy chuỗi khí - điện Sơn Mỹ khởi động từ năm 2010 nhưng tới nay sau gần 5 năm vẫn không có tiến triển gì đáng kể. Mặt khác từ 2019 - 2022, tại khu vực Tây Nam Bộ, dự kiến đưa vào nhiều nhà máy NĐ than nhập như: Long Phú 1, Sông Hậu 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, ... tuy nhiên hiện nay Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng trung chuyển than đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thực hiện xong, nhiều khả năng khó hoàn thành trước năm 2022.
Với chiều dài dự kiến khoảng 822km, mạch kép. Đường dây 500kV mạch 3 kéo dài từ Trạm 500kV Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi Trung tâm điện lực Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), Trạm 500kV Dốc Sỏi (tỉnh Quảng Ngãi) và điểm cuối là Trạm 500kV Pleiku 2 (Gia Lai) đi qua 8 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và TP Đà Nẵng.
Lãnh đạo EVN ký kết với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thống nhất các điều kiện để triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Mặc dù đã có kinh nghiệm từ xây dựng đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, nhưng ở vào mỗi giai đoạn đều có những khó khăn riêng. Ở vào thời điểm xây dựng đường dây mạch 1, chỉ có 4 Công ty xây lắp làm trụ cột, nhưng lúc bấy giờ không có nhiều đường dây cấp điện áp 110kV, 220kV phải xây dựng, đến khi xây dựng mạch 2 cũng vẫn chỉ có 4 đơn vị xây lắp, nhưng cùng thời gian đó, các đơn vị xây lắp phải dàn quân thi công hàng trăm công trình lưới điện 110kV và 220kV khắp cả nước. Hầu hết các đơn vị bị “sa lầy” ở đường dây 220kV Phả Lại-Quảng Ninh, Ninh Bình-Thanh Hóa… mà nguyên nhân đều là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Tiến độ thi công đường dây 500kV Phú Mỹ-Nhà Bè-Phú Lâm thì không tiến triển do không giải phóng mặt bằng được ở TP Hồ Chí Minh. Cũng vào thời điểm đó, hàng loạt công trình lưới điện ở Miền Nam đòi hỏi phải cải tạo lưới điện để đáp ứng những đoạn “thắt cổ chai” do có khu vực tăng trưởng phụ tải lên tới 40%, như đường dây 220kV Thủ Đức-Hóc Môn, Tân Định-Trảng Bàng, Cai Lậy-Vĩnh Long, Cà Mau-Ô môn…
Đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng khi chưa có Luật Đất đai, lại được Chính phủ chỉ đạo trực tiếp nên các Tỉnh, các Bộ đồng bộ vào cuộc. “Mạch 2” triển khai trong điều kiện Luật Đất đai bắt đầu có hiệu lực, do đó, không thể dùng biện pháp hành chính để giải phóng mặt bằng như “mạch 1”. Lãnh đạo EVN nhận thức hết các khó khăn và lần lượt tháo gỡ. Việc đầu tiên là tranh thủ sự đồng lòng ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân các tỉnh có đường dây đi qua, bằng các làm việc trực tiếp với lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố và đi đến thống nhất: Cho phép kiểm đếm tài sản hoa màu của dân và tạm ứng cho dân 70% giá trị khi chưa có quyết định thu hồi đất; cho phép sử dụng đường liên thôn, liên xã, hư hỏng đến đâu đền bù đến đó.
Có thể nói, công trình đường dây 500kV mạch 2 về đích sớm với chất lượng cao là kết quả từ sự nỗ lực vượt bậc của các đơn vị tham gia dự án, trong đó phải kể đến công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của EVN và cơ chế mềm dẻo của Chính phủ. Đường dây 500kV mạch 2 thực sự là một cơ hội thử thách tài năng, trí tuệ của những người thợ điện Việt Nam. “Trục xương sống” thứ 2 trong hệ thống điện Việt Nam ra đời không chỉ có ý nghĩa kinh tế xã hội to lớn, khẳng định “thương hiệu Việt” trong xây dựng công trình điện, tuy nhiên, phần hiệu quả to lớn hơn nhiều, khó qui đổi ra tiền bạc đó là những kinh nghiệm, những bài học đã được áp dụng cho các công trình phát triển của Điện lực Việt Nam.
Do một số công trình nguồn điện phía Nam vào chậm tiến độ nên năm 2014, khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện ở Miền Nam. Để đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế-xã hội và không ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế Miền Nam, đường dây 500kV mạch 3 (Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông) được gấp rút triển khai và hoàn thành trong vòng hai năm rưỡi trong điều kiện muôn vàn khó khăn về giải phóng mặt bằng và thời tiết khắc nghiệt của Tây Nguyên đã khẳng định tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của những người thợ điện Việt Nam và quyết định sáng suốt, nhạy bén của Chính phủ.
Rút kinh nghiệm từ triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3 (Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông), Lãnh đạo EVN nhận thức hết các khó khăn và việc đầu tiên là tranh thủ sự đồng lòng ủng hộ của lãnh đạo và nhân dân các tỉnh có đường dây đi qua, bằng các làm việc trực tiếp với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố ký kết hợp tác trong việc đảm bảo cung cấp điện đáp ứng phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh có đường dây đi qua và thống nhất với các tỉnh các điều kiện để triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng- Dốc Sỏi-Pleiku 2). Theo đó, sớm hoàn thành các thủ tục về bàn giao chi tiết tuyến, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận; phê duyệt đơn giá bồi thường GPMB; tạo điều kiện tối đa cho Chủ đầu tư trong công tác bồi thường GPMB, đáp ứng mục tiêu tiến độ đưa dự án vào vận hành; đảm bảo đủ quỹ đất cho thực hiện dự án; cho phép thực hiện một số cơ chế để đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB; bố trí quỹ đất để sử dụng cho dự án và chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp dân lấn chiếm gây khó khăn cho việc GPMB sau này; cho phép các đơn vị thi công sử dụng đường liên thôn, liên xã, liên huyện/thị xã/thành phố... vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công. Nếu có hư hỏng đơn vị thi công có trách nhiệm sửa chữa để đảm bảo lưu thông và hoàn trả theo hiện trạng ban đầu sau khi hoàn thành công trình….
Vì chạy song song với “mạch 1 và mạch 2” nên những vị trí có địa hình đẹp, “mạch 1” với lợi thế đi trước đã “chiếm” từ 10 năm nay rồi và “Mạch 2” đã phải vào sâu hơn, nên đường dây 500kV mạch 3 sẽ phải thi công ở các vị trí hiểm trở hơn rất nhiều và để đảm bảo tiến độ, cần thiết phải đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến rừng.
Mạch 3 đường dây 500kV sẽ tiếp tục là cuộc “thử lửa” đối với những người thợ điện Việt Nam.