Đường dây kéo điện từ đất liền ra đảo.
Vùng biển Tây Nam với những trầm tích lịch sử đáng nói và đáng nhớ sẽ luôn mời gọi người khác đến đây để được một lần cảm nhận và khám phá về một nơi chốn thấy như quen mà vẫn lạ. Tôi về Kiên Giang vào trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu -2017, vào dịp khánh thành Dự án cung cấp điện lưới Quốc gia cho các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ và Sơn Hải cung cấp điện cho 3040 hộ dân.
Nói đến Kiên Giang, trước hết là nói đến huyện Hòn Đất là căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ. Những năm ác liệt của chiến tranh, căn cứ Hòn Đất được xem là pháo đài của lòng kiên trung, ý chí bất khuất của những chiến sĩ cách mạng trước mưa bom, bão đạn. Sự oanh liệt của con người xứ ba Hòn, ngày nay được ghi dấu bởi hai tấm đá hoa cương lớn khắc tên liệt sĩ dựng ở lưng chừng núi Hòn Đất. Dưới chân hòn là mộ chị Phan Thị Ràng (chị Sứ), người con gái kiên trung được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20-12-1994; cùng quần thể phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày hiện vật lịch sử và cũng là nơi phơi bày tội ác chiến tranh của giặc; nhà tưởng niệm tưởng nhớ hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho mảnh đất này mãi mãi xanh tươi.
Đảo Lại Sơn về đêm sáng bừng ánh điện.
Trong chuyến trở về với Kiên Giang lần này, chúng tôi được anh Đặng Văn Phụng, cán bộ văn phòng của Công ty Điện lực Kiên Giang làm người hướng đạo. Anh là một người cởi mở và nặng lòng với những hòn đảo ở Kiên Giang. Anh nói, có đi ra đảo mới thấy cuộc sống cách biệt với đất liền của những người dân ở các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nhệ, Hòn tre, Hòn Sơn và Nam Du thì điện trở nên quan trọng đến dường nào. Có điện, đời sống người dân được nâng cao. Có điện, kinh tế biển đảo sẽ phát triển. Có được điều này thôi, các xã đảo đã trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên vùng biển của Tổ quốc.
Xã đảo Lại Sơn huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang hay còn gọi là Hòn Rái, Hòn Sơn nằm trong vịnh Hà Tiên thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, cách Tp. Rạch Giá khoảng 60 km về hướng Tây Nam, có diện tích tự nhiên trên 1.095 ha với khoảng 2.000 hộ dân sinh sống (dân số 8.120 người). Nhân dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, đánh bắt hải sản, trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ. Trước khi có điện lưới quốc gia, 90% số hộ dân trên đảo sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ với thời gian phát điện 12 giờ vào các ngày bình thường và 24/24 giờ vào các ngày Lễ, Tết; do đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên đảo cũng có những khó khăn, hạn chế.
Công nhân Công ty Điện lực Kiên Giang bảo dưỡng lưới điện trên đảo.
Mùa xuân này có điện, xã đảo Lại Sơn đã khoác trên mình dáng vóc và sắc màu no ấm, thanh bình ở mọi nẻo đường, từng căn nhà dẫu còn đơn sơ. Mừng cho những sự đổi thay trên quê hương của những trầm tích lịch sử sâu dày. Có điện, xã đảo Lại Sơn sẽ bươn chải đi lên bằng chính tâm và lực những người con của biển trong hiện tại, bằng cả gia tài tinh thần được thừa hưởng từ quá khứ. Tất cả đang mở ra một trang mới ở xã đảo này.
Con đường chạy quanh đảo đã được bê tông hóa 9 năm rồi, cuối năm 2016, một số tuyến đường mới tiếp tục được mở rộng trải bê tông đáp ứng nhu cầu phát triển của Lại Sơn. Hồ chứa nước ngọt cũng đang được xây dựng phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân. Các con đường kết nối bến tàu phía thị trấn Rạch Giá đã hoàn thành, số lượng tàu khách đi các tuyến: Rạch Giá- Phú Quốc, Hà Tiên-Phú Quốc và Rạch Giá đi các xã đảo huyện Kiên Hải đã lên tới 10 chiếc loại hiện đại, nhà nghỉ xây dựng nhiều thêm thu hút khách du lịch. Cơ sở vật chất hạ tầng và phương tiện giao thông đáp ứng được nhu cầu đi lại không chỉ cho người dân các xã đảo mà cho cả khách du lịch. Việc đi lại dễ dàng đã kéo gần khoảng cách giữa các xã đảo với đất liền.
Có điện, nghề cơ khí đóng tàu phát triển.
Người dân Lại Sơn sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt hải sản. Nước mắm Lại Sơn khá nổi tiếng không kém nước mắm Phú Quốc, như: Phương Thanh, Hồng Phúc…Có điện, khách du lịch sẽ chọn điểm đến là những hòn đảo mới lạ như Lại Sơn, Nam Du…và sản phẩm nước mắm của Lại Sơn sẽ không còn quanh quẩn nơi đảo nhỏ, những chuyến tàu vào đất liền sẽ có các sản phẩm của biển trong hành trang của du khách.
Có điện, các cô giáo trường mầm non Sao Mai có cơ hội thực hành công nghệ thông tin. Nhà trường sẽ trang bị thêm ti vi, máy chiếu giúp cho việc học tập của các cháu thêm sinh động.
Ý nghĩa của việc đưa điện lưới quốc gia ra các xã đảo Kiên Giang có thể nhìn thấy qua cuộc sống thay đổi từ những điều nhỏ nhoi và rất mực đơn giản, nhưng với những người dân xã đảo lại rất thiêng liêng, cảm động và đầy sức thuyết phục.
Vâng, mùa xuân đang mở ra cho các xã đảo Kiên Giang với tin vui, lưới điện Quốc gia đã đến từng hộ dân xã đảo. Sẽ có nhiều kỳ vọng vào những bước tiến ngoạn mục trên con đường đi đến tương lai, chắc chắn trong hành trang quý giá của vùng biển đảo Tây Nam này, phải có tình yêu quê hương đất nước là bảo vật được trân trọng nâng niu từ quá khứ. Bởi vì tương lai chỉ thực sự ý nghĩa khi sống động trong trí nhớ con người và ngập tràn trong ký ức quê hương.
Trong ánh đèn đường sáng trưng những con đường láng mịn nối tiếp nhau chạy vòng quanh đảo, nụ cười của người các xã đảo lấp lánh ánh sáng của ấm no, hạnh phúc. Đó là những ánh đèn biển đảo níu chân mỗi người từng đến nơi đây. Đêm hôm đó chúng tôi ở lại Lại Sơn. “Giờ thì Lại Sơn có đèn đường, cầu cảng đèn sáng trưng từ chương trình cấp điện Nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020” - ông chủ cơ khí Lý Hồng Lạc nói với chúng tôi trong điệu cười ăm ắp niềm hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc của người lao động, niềm hạnh phúc của người dân trên xã đảo Lại Sơn.