Những bản làng heo hút đang từng giờ mong ánh điện
Dân bản háo hức, người làm điện vui mừng
Cách đây hơn 2 năm, được tin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng mức đầu tư 1.094 tỷ đồng, trong đó 85% vốn ngân sách và 15% vốn của chủ đầu tư là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), không chỉ người dân 5 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Kon Tum, Ðăk Lăk, Ðăk Nông, Lâm Ðồng háo hức vui mừng mà cả những người làm điện đều thoả lòng mong muốn. Bởi dự án không những mang lại niềm hy vọng đổi đời cho hơn 1.200 thôn buôn với khoảng 116.000 hộ dân trên tổng số khoảng 173.000 hộ dân Tây Nguyên chưa có điện mà đối với ngành Ðiện, dự án mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội sâu sắc này khi hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ số hộ dân được cấp điện khu vực Tây Nguyên lên trên 90% - mục tiêu mà những người làm điện luôn hướng tới nhằm góp phần cải thiện đời sống văn hoá, xã hội, xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.
Với mục tiêu, ý nghĩa quan trọng của dự án, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện dự án theo cơ chế riêng. Theo đó, dự án xây dựng đồng bộ lưới điện trung áp, hạ áp, lắp đặt công tơ và kéo điện vào trong nhà từng hộ gia đình. Ðối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo đặc biệt khó khăn sẽ được lắp đặt cả mạng điện trong nhà. Ðồng thời để đảm bảo tiến độ triển khai, EVN đã đề xuất phân chia dự án thành 5 phần độc lập theo địa bàn 5 tỉnh để khi có vốn ngân sách cấp là có thể triển khai công tác đấu thầu vật tư thiết bị và thi công xây lắp; uỷ quyền cho các công ty điện lực 2 và 3 trực tiếp thực hiện dự án để đảm bảo tính chủ động. Sau 2 năm thực hiện theo cơ chế đặc biệt trên, các đơn vị tham gia từ chủ đầu tư EVN, các đơn vị được uỷ quyền, UBND các tỉnh cùng các cấp chính quyền địa phương… đều đánh giá cao hiệu quả của cơ chế đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy dự án triển khai đúng tiến độ, kịp thời giải quyết khó khăn và xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc.
Tính đến tháng 12/2008, Chủ đầu tư đã hoàn thành 100% công tác thiết kế và đấu thầu xây lắp, bám sát mục tiêu tiến độ đề ra, hoàn thành 50% tổng khối lượng công việc. Toàn bộ 62 gói thầu xây lắp đã ký hợp đồng, trong đó có 30 gói đang thi công, 32 gói đang giải phóng mặt bằng. Ðược biết, hiện gói thi công nhiều nhất thuộc huyện Buôn Ðôn - tỉnh Ðăk lăk đã đóng điện từng phần, nhiều gói thầu ở tỉnh Lâm Ðồng đã dựng cột được trên 70% khối lượng và tiến hành kéo dây.
Dự án chờ kinh phí, thôn buôn chờ điện…
Ðược biết đến thời điểm hiện nay, công tác thi công phần lưới điện trung và hạ thế tại 61 thôn, buôn đã hoàn thành và đang khẩn trương kéo điện đến từng hộ gia đình. Ðặc biệt, từ ngày 14 - 15 tháng 1 năm 2009, đồng bào một số thôn bản như: Bản Brum - thôn Văn Minh (Lâm Ðồng), làng Grôn - xã Ia’Kriêng (Gia Lai)… trong dự án đã được đóng điện. Thật không thể tả hết nỗi vui mừng của các hộ đồng bào dân tộc nơi đây khi lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đóng điện toàn bộ vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Ngọc Khánh - Trưởng Ban Kinh doanh EVN thì dự án có khả năng bị chậm tiến độ hoặc ngừng trệ nếu vốn ngân sách không được giải ngân sớm. Ðến nay, dự án mới thanh toán cho các nhà thầu được hơn 188 tỷ đồng, trong đó 100 tỷ đồng là vốn ngân sách đã cấp và 88 tỷ đồng là vốn của EVN, trong khi tổng số vốn phải giải ngân cho năm 2008 của dự án là 339,354 tỷ đồng. Như vậy, hiện chủ đầu tư đang phải nợ đơn vị thi công khoảng 151,354 tỷ đồng và trì hoãn nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Mặt khác, cuối năm 2008 và đầu năm 2009, việc có khởi công tiếp 31 gói thầu còn lại phụ thuộc vào khả năng bố trí vốn của Nhà nước, đó là chưa kể trượt giá nên tổng mức đầu tư của toàn dự án cũng vượt gần 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2006 là 1.094 tỷ đồng. Với công tác triển khai dự án tích cực như thời gian vừa qua, đặc biệt mặc dù chủ đầu tư EVN chỉ phải chi khoảng 15% kinh phí đầu tư dự án, nhưng đến nay đã giải ngân được 1/2, (trong khi vốn ngân sách mới chi được khoảng 1/6 kinh phí cho dự án), thì chủ đầu tư EVN khẳng định, nếu được bố trí đủ vốn ngân sách đúng thời hạn, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trước mùa mưa 2009.
EVN cho biết, với ý nghĩa tổng thể về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… của dự án, EVN và đại diện UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đã thống nhất quyết tâm phải hoàn thành dự án trong năm 2009, nhất trí không giãn tiến độ vì lý do thiếu vốn. Trước mắt, để giải quyết khó khăn về vốn, EVN và UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đề nghị Chính phủ đưa dự án điện Tây Nguyên vào danh mục các dự án cơ sở hạ tầng nông thôn diện ưu tiên đặc biệt để bố trí vốn trong Chương trình kích cầu kinh tế. Có vốn giải ngân, dự án mới khắc phục được khó khăn và sớm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Tết Kỷ sửu đã cận kề. Lại một cái Tết với cả trăm ngàn ngôi nhà sàn thiếu ánh đèn. Những bản làng heo hút từng giờ mong ánh điện của Ðảng, của Chính phủ thắp sáng tri thức, cải thiện văn hoá và kinh tế vùng cao nguyên. Hy vọng với quyết tâm của chủ đầu tư EVN và UBND 5 tỉnh Tây Nguyên, năm sau, hơn 1.000 thôn buôn còn lại của 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ toại nguyện với một cái Tết ngập tràn ánh điện.