Đài Loan (Trung Quốc) đang cân nhắc xây dựng các nhà máy điện tái tạo tại Philippines, Nhật Bản hoặc lân cận, sau đó nhập khẩu điện trở lại để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất tại Đài Loan.
Trang trại năng lượng mặt trời Nojima-Okawa của Công ty Cổ phần Điện lực Banpu tại Awajishima, Hyogo, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Kinh tế JW Kuo chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng nhập khẩu năng lượng tái tạo từ nước ngoài sẽ có chi phí thấp hơn so với việc tự phát triển năng lượng tái tạo tại Đài Loan.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng điện nhập khẩu sẽ được truyền tải qua hệ thống cáp ngầm nhằm đảm bảo hiệu quả và ổn định cho lưới điện trong nước.
Là một trung tâm sản xuất công nghệ lớn tại khu vực, Đài Loan đang gấp rút tìm kiếm các điểm đến lý tưởng để nhập khẩu năng lượng sạch, nhằm duy trì hoạt động công nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Bên cạnh đó, Đài Loan vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, cũng đang trong quá trình đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.
Ông Kuo cho biết, Đài Loan đã lấy cảm hứng từ Singapore khi thấy nước này xem xét nhập khẩu năng lượng mặt trời từ Úc với một kế hoạch trị giá 20 tỷ đô la, đã được Chính phủ Úc phê duyệt sơ bộ vào đầu năm nay.
Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm quốc gia cho phép phát triển năng lượng tái tạo và mời các công ty Đài Loan tham gia. Các doanh nghiệp này không nhất thiết phải là Taipower – công ty nhà nước, mà có thể là bất kỳ doanh nghiệp nào đủ năng lực để xây dựng và triển khai các dự án năng lượng tái tạo”.
Ông Kuo cũng đặc biệt đề cập đến Philippines và Nhật Bản - những địa điểm tiềm năng cho các dự án này.
Theo: EVN