Quản lý năng lượng

Đảm bảo cung ứng điện mùa khô cho khu vực phía Nam: Bài 2 - Chung tay sử dụng điện tiết kiệm

Thứ sáu, 19/4/2024 | 08:42 GMT+7
Tình hình nắng nóng ngày càng phức tạp, nhất là ở miền Nam, cùng với các giải pháp đảm bảo cấp điện, công tác tiết kiệm điện đang được quyết liệt triển khai.

Ngành điện miền Nam đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện trong cộng đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20/CT-TTg về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; và gần nhất là Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 28/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, các địa phương, doanh nghiệp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người các tỉnh thành phía Nam tích cực hưởng ứng và thực hiện nhiều giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo (Quyết định số 6012/QĐ-UBND ngày 29/12/2023), với các chỉ tiêu cụ thể như: Phấn đấu tiết kiệm điện đạt 2%/năm; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống dưới 3,5%. Trong đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tiết kiệm điện, triển khai các chương trình điều hòa phụ tải tại các doanh nghiệp, cơ quan trọng điểm tiêu thụ điện tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

“Việc tiết kiệm điện trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tiết kiệm điện phải gắn liền với sử dụng điện hiệu quả để vừa chống lãng phí trong sử dụng điện, vừa đảm bảo đủ điện để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của các doanh nghiệp”- ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Còn ở Đồng Nai, đầu năm 2024 tỉnh đã ban hành kế hoạch đảm bảo cung ứng điện, đồng thời ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng điện; triển khai các văn bản của Bộ Công Thương về cung ứng điện, tiết kiệm điện.

Thực hiện kế hoạch này, Công ty Điện lực Đồng Nai cho biết đã làm việc và có hơn 35,2 ngàn khách hàng ký cam kết tiết kiệm điện; 965 khách hàng có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên ký cam kết tham gia điều chỉnh phụ tải điện.

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh vận động khách hàng doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao, dịch chuyển sản xuất... để tăng cường tiết kiệm điện. (Ảnh: Minh Khuê).

Theo ghi nhận của phóng viên hưởng ứng lời kêu gọi về tiết kiệm điện, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam đã hưởng ứng tích cực, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh (chủ tiệm tạp hóa, ở phường 15, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) - chia sẻ: Trung bình tiền điện hàng tháng (vừa điện sinh hoạt, vừa điện tiêu thụ phục vụ cho việc kinh doanh, buôn bán) chị phải chi trả trên 3 triệu đồng. Để tiết kiệm điện, gia đình chị thực hiện điều chỉnh lại các thói quen sử dụng điện trong kinh doanh và các thành viên như: Thay mới bóng đèn ít tiêu hao điện, tắt và rút phích cắm từ các thiết bị không sử dụng, nhiệt độ máy lạnh duy trì ở mức 26 độ C…

Công nhân ngành điện TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng (app) EVNHCMC CSKH để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện. (Ảnh: Minh Khuê)

Ngoài ra, để tiết kiệm điện, chị tận dụng ánh sáng ban ngày và hạn chế sử dụng bóng đèn cũng như các thiết bị điện không cần thiết, chỉ mở đèn khi có khách đến mua hàng. Theo đó, lượng điện tiêu thụ của gia đình chị đã giảm rõ rệt, tiền điện mấy tháng gần đây cũng giảm hẳn 400.000 - 500.000 đồng/tháng. “Thấy được lợi ích về kinh tế trước mắt, tôi và các thành viên trong gia đình luôn có ý thức tiết kiệm điện và nay đã thành thói quen” - chị Linh chia sẻ.

Cùng với chị Linh, nhiều hộ gia đình trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam cũng đã nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, nhiều gia đình chọn sử dụng máy lạnh có công suất phù hợp, có công nghệ tiết kiệm điện, cài đặt nhiệt độ từ 26 độ C trở lên và điều chỉnh thời gian để điều hòa có thể tắt 30 phút trước khi rời khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; ưu tiên mua sắm các thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; sử dụng đèn led trong chiếu sáng và hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời… Từng cá nhân duy trì thói quen tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng.

Doanh nghiệp đồng hành tiết kiệm điện bằng việc đầu tư cải tiến máy móc và dịch chuyển thời gian sản xuất từ giờ cao điểm sang thấp điểm. (Ảnh: Minh Khuê)

Đối với các doanh nghiệp, để tiết kiệm điện, mỗi đơn vị đều có những giải pháp khác nhau. Đơn cử như Tổng công ty 28 (TP. Hồ Chí Minh) là một trong những doanh nghiệp có qui mô tiêu thụ điện năng trên 1 triệu kWh/năm.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Quản lý năng lượng Tổng Công ty 28 chia sẻ việc thực hiện tiết kiệm điện là giảm chi phí, đồng thời nâng cao năng suất và cạnh tranh cho doanh nghiệp. “Mới đây, Tổng công ty đa thay toàn bộ các máy dệt được đầu tư những năm 1997 – 1998 bằng 42 máy dệt công nghệ hiện đại của Nhật và các máy nén khí để tăng công suất và tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, công ty thực hiện dịch chuyển thời gian sản xuất sang giờ thấp điểm, thay mới gần như 100% đèn chiếu sáng sang đèn led… Từ đầu năm đến nay, công ty đã tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện hàng tháng” - Ông Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.

Không những các doanh nghiệp trong nước chủ động các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tham gia chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đơn cử như Công ty TNHH Quốc tế Tri Viet (100% vốn Nhật Bản), khu công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cũng đã ứng dụng đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất.

Theo đại diện Công ty TNHH Quốc tế Tri Viet, để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh và sử dụng điện tiết kiệm, doanh nghiệp đã đầu tư 100% đèn led cho hệ thống chiếu sáng; lắp đặt máy biến tần tại các dây chuyền máy may, máy cắt và hệ thống xử lý nước thải. Ðặc biệt, tại xưởng sản xuất, công ty đã sử dụng hệ thống làm mát từ màn nước, kết hợp với quạt hút thay cho máy điều hòa... Nhờ áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện, phù hợp với điều kiện sản xuất, nên doanh nghiệp đã tiết giảm trên 30% lượng điện tiêu thụ/tháng.

Sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể đã phát huy tác dụng. Kết quả được thể hiện bằng những con số cụ thể về số điện tiết kiệm được sau một loạt giải pháp. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 3 đầu năm, Tổng công ty đã tiết kiệm được 165,86 triệu kWh. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm Tổng công ty Điện lực miền Nam tiết kiệm được sản lượng điện đạt 480 triệu kWh, tương ứng tiết kiệm 2,36% sản lượng điện thương phẩm thực hiện.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp sẽ góp phần cùng ngành điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân trong mùa nắng nóng năm 2024.

Link gốc

 

Theo: Báo Công thương