Trạm biến áp 220kV Mỹ Phước. Ảnh: EVNNPT
Việc thu xếp vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải thời gian qua luôn là thách thức với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Mức đầu tư cho lưới điện ngày càng lớn, khó khăn về thu xếp vốn càng nhiều. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, EVNNPT luôn đảm bảo vốn cho các dự án, hướng tới là một doanh nghiệp truyền tải điện hàng đầu châu Á.
Khủng hoảng về vốn khi thành lập
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia được thành lập trong giai đoạn nền kinh tế vô cùng khó khăn. Đại diện lãnh đạo EVNNPT cho hay, đây được gọi là cuộc khủng hoảng kép và trên thế giới, đó là khủng hoảng kinh tế tài chính ở Hoa Kỳ, bao gồm: sự sụp đổ đồng loạt của nhiều định chế tài chính khổng lồ, tình trạng đói tín dụng, thị trường chứng khoán khuynh đảo và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Khi cuộc khủng hoảng toàn cầu có dấu hiệu hồi phục, ở trong nước do những yếu kém nội tại, nền kinh tế chưa thể bứt lên, thị trường tín dụng vô cùng khó khăn. Việc huy động vốn cho đầu tư lưới điện truyền tải gần như không thể thực hiện được, thậm chí nếu huy động được vốn thì lãi suất giải ngân ở thời điểm cao nhất lên tới 20,25%/năm.
Theo báo cáo của EVNNPT, trong giai đoạn 2008-2012, tình hình tài chính của EVNNPT rất xấu, nhiều chỉ tiêu tài chính không đạt yêu cầu, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 8,77 lần (quy định tối đa là 3 lần). Năm 2011, tỷ giá USD tăng gần 8% dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ vào giá thành lên tới 3.145 tỷ đồng (chiếm 44% vốn điều lệ). Vốn khấu hao cơ bản của EVNNPT không đủ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và phải xin sự giúp đỡ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Những năm sau đó, khi nền kinh tế nói chung vượt qua được khủng hoảng thì nội lực EVNNPT vẫn còn yếu, tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh, do giá truyền tải chưa được phân bổ vào giá thành vẫn còn lớn. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho lưới điện truyền tải ngày càng lớn, năm sau luôn cao hơn năm trước.
“Nếu như giai đoạn 2008-2010, đầu tư thuần bình quân khoảng 5.000 tỷ đồng/năm thì đến nay đã tăng gấp 3 lần, bình quân 15.000 tỷ đồng/năm”, lãnh đạo EVNNPT chia sẻ thêm.
Không những thế, hầu hết các ngân hàng lớn trong nước đã cho EVNNPT vay vượt các giới hạn tín dụng làm cho việc thu xếp vốn ngày càng gặp khó khăn.
Trước những khó khăn đó, để đảm bảo thu xếp vốn kịp thời cho các dự án, EVNNPT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: bám sát Chính phủ, các bộ ngành và EVN để thu xếp vốn ODA và xác định đây là nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư lưới điện, đặc biệt là các dự án lớn.
Đồng thời, Tổng công ty cũng đã thiết lập và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, không ngừng mở rộng đa dạng hóa các kênh huy động vốn như vay vốn theo hình thức Nexi Unitied, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thuê mua tài chính, vay Quỹ đầu tư phát triển của địa phương nơi có dự án đi qua. Thậm chí, đối với một số dự án cấp bách EVNNPT phải thực hiện vay vốn ngắn hạn “bắc cầu” trong khi chờ thủ tục khoản vay dài hạn đủ điều kiện giải ngân.
Đặc biệt, EVNNPT đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý giao một số ngân hàng lớn trong nước thu xếp vốn cho các dự án truyền tải điện cấp bách. Bên cạnh đó, Tổng công ty thực hiện nâng cao chất lượng quy hoạch, khảo sát, tư vấn lập dự án để phê duyệt dự án kịp thời; rà soát danh mục dự án đầu tư và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho bố trí vốn.
Công trình nâng công suất máy biến áp tại Trạm biến áp 220kV Ngũ Hành Sơn. Ảnh: EVNNPT
Đủ vốn cho các dự án
Thông tin từ EVNNPT cho hay, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và nhờ tăng giá truyền tải điện từ 59,67 đồng/kWh năm 2008 lên 110,88 đồng/kWh thời điểm hiện nay, đến nay, EVNNPT đã thu xếp vốn đủ cho khoảng 450 dự án với tổng giá trị hơn 95.600 tỷ đồng.
Theo đó, vốn trong nước hơn 45.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài khoảng 50.000 tỷ đồng, góp phần đảm bảo vốn cho các dự án lưới điện, đặc biệt không có tình trạng công trình trọng điểm bị chậm tiến độ do thiếu vốn.
Việc trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng cũng đầy đủ và đúng hạn. Điều này đã tạo niềm tin tuyệt đối vững chắc cho các ngân hàng trong thiết lập quan hệ với EVNNPT.
Hiện nay, tình hình tài chính của EVNNPT đã cơ bản lành mạnh, các chỉ tiêu tài chính đảm bảo quy định hiện hành và yêu cầu của nhà tài trợ.
Tổng công ty cũng nhận định, các khó khăn thách thức phía trước vẫn còn, đó là; Các ngân hàng lớn trong nước đã cho EVNNPT vay tới các giới gạn tín dụng, lãi suất Libor USD đang có xu hướng tăng. Chính phủ đang siết chặt các khoản vay ODA, hạn chế vay nợ nước ngoài trong khi nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải trong các năm tới vẫn còn rất lớn, bình quân khoảng 20.000 tỷ đồng/năm.
Do vậy, để thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, góp phần đưa EVNNPT vươn lên hàng đầu châu Á trong lĩnh vực truyền tải điện, đồng thời nhằm triển khai thực hiện Đề án Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, EVNNPT đã hợp tác với các ngân hàng thương mại lớn để thực hiện thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài; chuẩn bị các điều kiện để phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng lựa chọn một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín, có năng lực làm đối tác chiến lược để phối hợp sử dụng dịch vụ của nhau và thu xếp vốn cho các dự án lưới điện; tiếp tục bám sát các bộ ngành để được tiếp cận sử dụng các khoản ODA, vay ưu đãi.