Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Sự ra đời của Ban quản lý trong những ngày đầu thành lập trải qua rất nhiều gian khó, thử thách nhưng bằng tình yêu nghề, sự nỗ lực của tất cả cán bộ công nhân viên, lưới truyền tải điện quốc gia đã từng bước được kết nối, vươn xa đến mọi miền của đất nước.
Theo ông Lê Văn Tuân – Nguyên Giám đốc giai đoạn 1991 – 1998, thời điểm mới thành lập, Ban chỉ có gần 30 CBCNV với nhiệm vụ đại diện Công ty Điện lực 3 là chủ đầu tư để điều hành một số ít dự án lưới điện 35 kV, 110 kV và 220 kV. Giai đoạn này, miền Nam thiếu điện ngày càng gay gắt, ngay tại TP. Hồ Chí Minh, vào mùa khô phải luân phiên cắt điện tới 5 lần mỗi tuần. Miền Trung cũng rơi vào tình trạng “đói điện” khi toàn miền chủ yếu được cấp điện bằng các nguồn điện nhỏ, rải rác.
Trước tình trạng đó, lãnh đạo Bộ Năng lượng đã họp gấp để giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng khẩn cấp các công trình TBA và ĐZ tải điện 110 – 220 kV tuyến Vinh - Quảng Ngãi nhằm truyền tải điện từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung. CPMB đã vượt qua những khó khăn về con người, cơ sở vật chất kỹ thuật, trụ sở làm việc, phương tiện hoạt động,… đến năm 1990 các ĐZ 110 - 220 kV từ Vinh nối thông vào Đà Nẵng hoàn thành. ĐZ 220 kV Vinh - Đồng Hới đóng điện vận hành tạm với cấp điện áp 110 kV và thông qua ĐZ 110 kV Đồng Hới - Đông Hà - Huế, TBA 110 kV Đông Hà vào đến TBA 110 kV Xuân Hà (Đà Nẵng) đúng 17h30 ngày 31/7/1990, bước đầu đã xóa tình trạng đói điện của thành phố Đà Nẵng. Và đến năm 1992, ĐZ 110 kV tiếp tục vào đến Quảng Ngãi rồi đến Bình Định, vượt qua hơn 600 km và cung cấp với sản lượng khoảng 300 triệu kWh.
Từ năm 1991 đến 1998, đội ngũ cán bộ của Ban đã tăng từ 30 lên 62 CBCNV để có thể đáp ứng được với sự phát triển của Ban. Lúc này, Ban đã được giao quản lý nhiều dự án và có quy mô ngày càng lớn hơn, như: ĐZ 220 kV Pleiku - Quy Nhơn đóng điện năm 1994, ĐZ 220 kV KrôngBuk - Nha Trang và các TBA 220 kV KrôngBuk, Nha Trang đóng điện năm 1999 và hệ thống ĐZ và TBA 35 – 110 kV trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, KonTum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai...đánh dấu bước phát triển ngày càng vượt bậc trong công tác quản lý dự án của Ban.
Trong tiến trình đổi mới của đất nước, sau những chặng đường chập chững với những thành quả đầu tiên, để đảm bảo cung cấp điện năng, phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam, ngày 27/5/1994, ĐZ 500 kV Bắc - Nam mạch 1 chính thức được đưa vào vận hành. Cũng từ sau giai đoạn này, sau khi chính thức chuyển đổi thành Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung vào ngày 28/6/1995, trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam và sau đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, CPMB đã phát triển cả về số lượng, chất lượng các dự án được giao, mở rộng khu vực hoạt động không chỉ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên mà còn vào các tỉnh phía Nam, ra các tỉnh phía Bắc.
Ông Hồ Văn Thái - Nguyên Trưởng Ban giai đoạn 1999 - 2009 chia sẻ: Trong giai đoạn từ năm 1999 là giai đoạn phát triển vượt bậc, đánh dấu những mốc son trong quá trình trưởng thành của Ban. ĐZ 500 kV Ya Ly - Pleiku đóng điện năm 1999 là dự án cấp điện áp 500 kV đầu tiên được giao cho Ban thực hiện quản lý dự án (thời điểm mà các Ban quản lý dự án miền khác mới quản lý dự án đến cấp 220 kV); ĐZ 500 kV Pleiku - Phú Lâm đóng điện tháng 4/2004, góp phần quan trọng vào việc chuyển tải công suất qua lại giữa ba miền Bắc - Trung - Nam và tạo sự tin cậy, ổn định vận hành hệ thống điện 500 kV của Việt Nam. Đây là ĐZ 500 kV mạch 2 quy mô lớn mà Ban được giao quản lý dự án; ĐZ 500 kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng đóng điện tháng 11/2004 và ĐZ 500 kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh đóng điện tháng 5/2005 giải quyết kịp thời tình trạng thiếu điện trên diện rộng vào năm 2005 cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó còn có các ĐZ 220 kV mua điện Trung Quốc qua Hà Giang và ĐZ 110 kV kết hợp 220 kV Sóc Sơn - Thái Nguyên đóng điện tháng 4/2007, ĐZ 220 kV Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên đóng điện tháng 6/2008 là giải pháp mua điện từ Trung Quốc hữu hiệu và kịp thời nhất, đã "cứu" điện cho khu vực quanh Thủ đô Hà Nội trong năm 2007 và những năm tiếp theo ở thời kỳ Việt Nam thiếu điện nghiêm trọng.
Đặc biệt, từ năm 2008, thời điểm EVNNPT được thành lập, CPMB cũng chuyển qua trực thuộc EVNNPT vào ngày 1/7/2008. Đây được xem là thời kỳ mới cho sự phát triển của CPMB. Nhiều dự án, công trình trọng điểm cấp bách đã được khẩn trương đầu tư xây dựng, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội, tiêu biểu như các TBA 500 kV Sơn La, Hiệp Hòa, ĐZ 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa,... giải tỏa công suất nguồn, tăng cường khả năng cung cấp điện và ổn định hệ thống khu vực miền Bắc. Các công trình như cụm Vũng Áng, gồm ĐZ 500 kV Vũng Áng rẽ Hà Tĩnh, Đà Nẵng; ĐZ 220 kV Vũng Áng - Hà Tĩnh; ĐZ 220kV Đồng Hới – Ba Đồn; các TBA 220 kV Ba Đồn, Phong Điền ở khu vực miền Trung. TBA 500/220 kV Thạnh Mỹ, ĐZ 220 kV A Vương 1 – Hòa Khánh... khu vực Quảng Nam- Đà Nẵng đã góp phần tăng cường cung cấp điện Bắc miền Trung và đảm bảo liên kết truyền tải điện Bắc - Trung - Nam. Các dự án đồng bộ NMNĐ Vĩnh Tân như TBA 220 kV Tháp Chàm, các ĐZ 220 kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm, Vĩnh Tân – Phan Thiết và Phan Thiết – Phú Mỹ 2 ở miền Trung. ĐZ 220 kV Đăk Nông - Phước Long - Bình Long, ĐZ 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; TBA 500 kV Pleiku 2; Lắp máy biến áp 500/220 kV tại TBA 500 kV Pleiku2 và đấu nối 220 kV; ĐZ 220 kV Xêkaman 1 (Hatxan) - Pleiku 2 (Phần trên lãnh thổ Việt Nam) ...đảm bảo thu gom công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Nguyên để cung cấp điện cho Miền Nam, tạo tiền đề liên kết lưới điện các nước Đông Nam Á.
Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, CPMB đã hoàn thành 10.666 km đường dây; tổng dung lượng máy biến áp 15.641 MVA, với tổng giá trị đầu tư 33.618 tỷ đồng. Tập thể Lãnh đạo, CBCNV không ngừng nâng cao mọi mặt để ngày càng phát huy hơn nữa giá trị, phẩm chất, đoàn kết, tận tâm, trách nhiệm với công việc, qua đó năng suất và hiệu quả qua từng giai đoạn càng tăng. Cụ thể: Giai đoạn đầu đến 1998 lao động bình quân trên sản lượng: 54 người/789 km ĐZ và 449 MVA; giai đoạn 1998 - 2008: 107 người/3.473 km ĐZ và 3.032 MVA; giai đoạn 2008 - 2017: 131 người/6.004 km ĐZ và 11.990 MVA. Sau 30 năm, sản lượng tăng bình quân 17,41 lần, trong khi đó lao động chỉ tăng 2,43 lần.
Với những kết quả, thành quả nêu trên, tập thể CBCNV CPMB đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng Ba năm 1999; Huân chương lao động hạng Nhì năm 2004; Huân chương lao động hạng Nhất năm 2009; Huân chương độc lập hạng Ba năm 2013 và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhân dịp kỷ niệm 30 thành lập, CPMB vinh dự được UBND TP. Đà Nẵng tặng Cờ thi đua “30 xây dựng và phát triển”.
Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, CPMB đã có nhiều tên gọi khác nhau. Khi mới thành lập năm 1988, có tên gọi là Ban Quản lý công trình điện, trực thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung). Từ ngày 13/3/1990 thành lập Sở Truyền tải điện 1 (trên cơ sở Ban Quản lý công trình điện) thuộc Công ty Điện lực 3 vừa làm nhiệm vụ quản lý dự án và quản lý vận hành. Từ ngày 15/10/1991, Ban Quản lý dự án các công trình điện được thành lập, tách ra từ Sở Truyền tải điện 1 và thuộc Công ty Điện lực 3. Ngày 28/6/1995, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung được thành lập trên cơ sở Ban Quản lý dự án các công trình điện, trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và sau đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ 2006. Ngày 1/7/2008, CPMB trực thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).