Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Sự ra đời tất yếu
Trải qua khoảng thời gian hơn 14 năm kể từ khi đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam mạch I được đưa vào vận hành (1994), đến trước khi EVNNPT được thành lập (năm 2008), hệ thống truyền tải điện 220kV, 500kV đã được xây dựng và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Lúc này, lưới điện truyền tải được quản lý, vận hành bởi 4 Công ty truyền tải điện 1,2,3,4.
Đầu những năm 2000, lưới điện đã được phủ khắp các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, hợp tác quốc tế, khoa học, công nghệ... Điện đã phục vụ tốt các ngành công nghiệp, kinh tế - kỹ thuật, nông, lâm, ngư nghiệp; kinh doanh thương mại, du lịch dịch vụ; đưa về phục vụ thắp sáng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng của nước ta, khiến cho nhu cầu sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tăng lên rất nhiều, trong khi vốn đầu tư và nguồn tài chính của nhà nước và của từng đơn vị trong ngành Điện lại rất hạn hẹp.
Tính cạnh tranh của các đơn vị truyền tải điện còn rất thấp; sự liên kết công việc; trong đó có cả sự giúp đỡ, hỗ trợ nhau giữa các Sở Điện lực, các Ban Quản lý dự án, các công ty truyền tải điện ở những vùng, miền còn lỏng lẻo, thậm chí có nơi gần như “cắt khúc”, “biệt lập”. Quá nhiều đầu mối quản lý cũng khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Năng lượng lúc ấy có phần thiếu sự chỉ đạo tập trung, sâu sát và hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa...
Thực tế trên đòi hỏi phải có một doanh nghiệp đủ mạnh, đủ lớn để trực tiếp thống nhất quản lý, điều hành toàn bộ các đơn vị trong hệ thống truyền tải điện của đất nước, vừa đảm bảo sự vận hành lưới điện an toàn, liên tục, thông suốt, bảo toàn và phát huy được nguồn vốn của Nnà nước ở các đơn vị doanh nghiệp truyền tải điện, vừa khắc phục được những vấn đề tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực truyền tải điện, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của công cuộc đổi mới nền kinh tế quốc dân.
Chính vì vậy, EVN đã khẩn trương xây dựng Đề án thành lập EVNNPT, trình lên Bộ Năng lượng và lên Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp đồng ý chủ trương thành lập EVNNPT trực thuộc EVN.
Từ chủ trương đó, Hội đồng Quản trị EVN đã ra quyết định thành lập EVNNPT trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, với nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia.
EVNNPT được thành lập với sứ mệnh: “Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”.
Tạo đà phát triển
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong những năm đầu, để đảm bảo lưới điện truyền tải đồng bộ với nguồn điện, nhiều công trình đầu tư xây dựng đã được EVNNPT tập trung ưu tiên nguồn vốn sớm đưa vào vận hành các công trình, nổi bật trong số đó là đường dây 500 kV: Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, Sơn La - Hiệp Hòa, Quảng Ninh - Thường Tín, Ô Môn - Phú Lâm; Vĩnh Tân - Sông Mây, Pleiku - Phước Mỹ - Cầu Bông… các Trạm biến áp 500 kV: Hiệp Hòa, Quảng Ninh, Thạnh mỹ, Cầu Bông, Vĩnh Tân, Sơn La, Lai Châu… cùng nhiều công trình trọng điểm khác.
Ban đầu khi mới thành lập hệ thống truyền tải điện quốc gia mới chỉ có 2 đường dây 500 kV mạch 1, 2 cùng nhiều đường dây 220 kV cục bộ đến nay hệ thống điện truyền tải đã vươn tới tất các tỉnh, thành phố trong cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Sau 10 năm tập trung giải quyết những khó khăn về sắp xếp, huy động các nguồn vốn, đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng kể từ ngày đầu thành lập đến nay, EVNNPT đã thực hiện khối lượng đầu tư với tổng số vốn trên 140 nghìn tỷ đồng, hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 446 công trình lưới điện truyền tải.
Trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, EVNNPT đã quyết tâm khai thác hợp lý và phát huy tốt khả năng mang tải trên các ĐD 220 kV - 500 kV. Các đường dây truyền tải chính là “xa lộ” đưa điện đi khắp nơi trên mọi miền của Tổ quốc. Các Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 đảm bảo quản lý kỹ thuật, thực hiện nhanh tiến độ sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, nâng công suất đường dây và các trạm biến áp…
Hệ thống lưới điện được ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại như: Đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, trạm biến áp không người trực, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA,…
Qua 10 năm kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay EVNNPT đã truyền tải cung cấp điện an toàn với sản lượng điện hơn 1.200 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95 %/năm, qua đó đã góp phần cùng EVN đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong các năm qua.
Đặc biệt, trong 10 năm qua, cán bộ công nhân viên của EVNNPT chỉ tăng 12,1% so với năm 2008, trong khi khối lượng quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp tăng hơn 200%. EVNNPT đã thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm, sử dụng hiệu quả lao động, chính vì thế Tổng Công ty luôn là một trong những đơn vị có năng suất lao động cao nhất trong EVN và cao hơn nhiều lần so với mức năng suất lao động chung của cả nước.
Khẳng định thương hiệu truyền niềm tin
Suốt 10 năm qua (2008 - 2018), bằng những công việc thiết thực, EVNNPT đã xây dựng nên hình ảnh cao quý của mình trong lòng nhân dân với thương hiệu “Truyền niềm tin”.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và hoàn thành tốt sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và EVN giao trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời vươn lên là một trong những tổ chức truyền tải điện hàng đầu trong khu vực và đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.
EVNNPT đưa ra mục tiêu chiến lược là: Đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, liên tục và ổn định; xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia hiện đại; đảm bảo nguồn tài chính hợp lý cho hoạt động EVNNPT; xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp hướng đến hiệu quả cao nhất.
Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, EVNNPT sẽ đầu tư và đưa vào vận hành 172 dự án lưới điện truyền tải với tổng dung lượng MBA tăng thêm là 35.262 MVA và số km đường dây tăng thêm là 6.976 km. Nổi bật các dự án 500kV quan trọng để nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cụ thể như các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện Bắc - Nam, như các ĐD 500 kV mạch 3 (từ Vũng Áng đi Pleiku 2); các công trình lưới điện 500 kV đồng bộ các TTĐL Vĩnh Tân, Sông Hậu, Long Phú; các công trình cấp điện cho các trung tâm phụ tải lớn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Để có thể phát triển bền vững trong tình hình mới, vươn lên tầm khu vực và quốc tế, EVNNPT đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu chiến lược đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, đến năm 2025 vươn lên hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện. Để có thể đạt được các mục tiêu này, EVNNPT sẽ phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp trong các lĩnh vực hoạt động như: đầu tư xây dựng; quản lý vận hành; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp; tài chính và huy động vốn; thông tin truyền thông, quan hệ cộng đồng và quan hệ quốc tế; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết thêm: Với sức trẻ mang hoài bão lớn, cùng với lòng nhiệt tình và phát huy trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của “Người thợ truyền tải điện”, EVNNPT cùng với các đơn vị thuộc EVN quyết tâm làm nên những thành công và kỳ tích mới, đóng góp đáng kể và hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.