Chuyện về những người lính truyền tải điện miền Trung

Thứ năm, 5/7/2018 | 10:41 GMT+7
Do đặc thù địa lý nên lưới truyền tải điện quốc gia đoạn qua miền Trung phần lớn được giăng mắc trên rừng sâu núi thẳm của dải Trường Sơn hoặc trên những cồn cát bỏng cháy. 
Công tác kiểm tra tiếp địa. (Ảnh: DNVN/ Minh Huệ)
 
Bởi vậy, những người quản lý vận hành lưới điện nơi đây phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khó ngày đêm bám máy, bám dây cho dòng điện an toàn liên tục tỏa đi mọi miền của Tổ quốc. Đi tuyến lần này tôi đã gặp được những "người lính" kiên cường, dễ thương như vậy.
 
8h sáng xuất phát từ Pleiku, đường vắng xe qua lại nên chỉ hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi đã vượt gần 100 km và có mặt tại đội Truyền tải Đăk Tô thuộc Truyền tải điện Kon Tum vào lúc 10h. Đội trưởng Nguyễn Văn Tài vừa chìa tay cho tôi vừa phân bua: Trên này mấy hôm nay mưa nhiều quá, cây cối thi nhau mọc tua tủa nên anh em trong đội đã chia nhau vào tuyến để kiểm tra và xử lý ngay những điểm đe dọa an toàn hành lang tuyến. “Vậy là mình đã chậm chân không theo kịp lính truyền tải rồi”, tôi than thở với Tài bởi tôi biết từ đây vào tuyến rất xa lại nhiều khúc phải bỏ xe lội bộ nên có cố cũng không gặp nhau.
 
“Vậy khó khăn nhất của đội hiện nay là gì?”, tôi quay ra hỏi Tài.
 
Chẳng cần sổ sách gì Tài nói luôn một mạch: “Đơn vị của em quản lý 50,6 km đường dây 500 kV trong đó có 113 vị trí cột. Đường dây đi qua các huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Tum. Phần lớn các vị trí cột được đặt trên đỉnh núi rất xa đường giao thông và lối vào tuyến cũng không có nên anh em phải luồn rừng mà đi, có khi đang đi thì gặp mưa, các con suối bỗng chốc biến thành sông. Thời gian đầu nhiều người cũng sợ nhưng miết rồi cũng quen và tích lũy được kinh nghiệm giảm được công sức và hiệu quả công việc cao hơn”.
 
“Năm 2016 mình mua thêm điện của Lào nên chúng em còn quản lý thêm 30,4 km đường dây 220 kV với gần 66 vị trí cột. Khó khăn hiện hữu của bọn em là phải thường xuyên vào tuyến của vị trí cột từ 01 đến 04 thuộc đường dây 220 kV bởi đây là đường biên giữa ta và Lào nên mỗi lần vào tuyến để tác nghiệp đơn vị phải làm công văn xin phép Hải quan mình và Hải quan nước bạn rất mất thời gian. Bây giờ, thủ tục được rút gọn nên cũng đỡ hơn”, Tài vừa đi vừa nói thêm.
 

Những người lính truyền tải thường xuyên phải làm việc trên cao. (Ảnh: DNVN/Minh Huệ)
 
Tôi đề nghị Tài đưa vào các vị trí cột tại đường biên, Tài do dự không biết có xin được hay không, tôi động viên cứ đi nếu không vào được thì cũng thấy được dải đất biên thùy như thế nào.
 
Sau 30 phút chạy xe, cửa khẩu Bờ Y hiện ra trước mắt, Tài nhanh nhẹn nhảy xuống xe đi về phía cửa khẩu lấy thẻ công vụ và trình bày gì đó mà 5 phút sau xe của chúng tôi được rẽ vào đường biên. Tài quay sang tôi nói: “Lúc nãy em xin phép vào vị trí cột kiểm tra đột xuất vì dạo này mưa quá sợ cột bị sụt lún”.
 
Biên cương Tổ quốc là đây, con đường nhỏ ngoằn nghoèo lọt thỏm giữa hai sườn núi của Tây Trường Sơn, chỉ đủ cho một ô tô cỡ nhỏ chạy vào.
 
Khoảng 10 phút chạy xe chúng tôi phải dừng lại, bởi phía trước là đất của Lào. Trên mỏm núi cao chót vót là vị trí cột 01, 02. Sườn núi chằng chịt các loại cây tạp, tịnh không có con đường mòn nào có thể lên bằng xe máy, tôi biết lính truyền tải đi kiểm tra bao giờ cũng cõng sau lưng nào là dụng cụ hành nghề, can nước, dăm cân xi măng, trên tay lăm lăm một con dao tự mở lối mà đi vào tuyến.
 
Để lên được tới chân cột kia người khỏe cũng phải đi mất ba tiếng nên mỗi lần vào tuyến làm việc anh em phải mang bữa trưa theo đến khi xong việc hạ sơn thì mặt trời đã khuất núi, Tài cho biết thêm.
 
Các cột điện điện nằm trên vị trí hiểm trở. (Ảnh: DNVN/Minh Huệ)
 
Thật tiếc vì không thể có mặt những lúc cực nhọc nhất của lính Truyền tải điện Đăk Tô.
 
Chiều muộn tôi mới về tới Đak Glei, thị trấn nhỏ bé nép mình vào sườn núi, cũng có dăm bảy quán xá, nhà nghỉ.
 
Đội Truyền tải điện Đăk Glei được thành lập năm 1994 với 14 cán bộ, công nhân viên trong đó có 2 kỹ sư điện, 11 công nhân Quản lý vận hành và một công nhân lái xe được giao quản lý 40,5 km ĐZ 500KV, 82 vị trí cột, từ vị trí 1972-2068.
 
Có thể nói đội Đăk Glei đang quản lý lưới trên địa bàn hiểm trở nhất dọc theo đường Hồ Chí Minh. Đường dây đi qua nhiều vực  sâu, núi cao dựng đứng thuộc địa bàn huyện Đăk Glei, phía bắc của tỉnh Kon Tum, trong đó có đèo Lò So dài tới hơn 20 km, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông thảm khốc.
 
Trụ sở của đội Truyền tải Đak Lei nằm ở “ngoại ô” thị trấn. Tôi đề nghị với đội trưởng Phạm Văn Tuyên cho tôi được nghỉ tại doanh trại của đội nhưng em gạt đi: “Ở đây trống trải, đêm về gió lớn tạo ra tiếng hú kinh lắm. Vả lại anh em trong đội có nhà riêng tại thị trấn nên không còn giường chiếu nữa chị ơi”. Vậy là tất cả anh em trong đội đều có nhà cửa tại thị trấn nhỏ bé này sao? Tuyên cười rất vui: “Sau khi đường dây vào vận hành ổn định, em đã đặt vấn đề với lãnh đạo địa phương cấp đất cho anh em có gia đình định cư nơi đây, có an cư mới lạc nghiệp mà”.
 
Tuyên kể cho tôi hồi đường dây mới vào vận hành, trong hành lang tuyến vẫn còn rải rác bom mìn, chất độc da cam còn sót lại, cụ thể người dân phát hiện một số thùng phuy chứa chất độc da cam tại khoảng cột 1973-1974 và đã báo cho Bộ đội xử lý chôn lấp, tại khoảng cột 2055-2056 có bom và đơn vị đã báo cho huyện Đội Đăk Glei di dời, xử lý.
 
“Bên cạnh đó thời tiết cũng oái oăm, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 nắng như thiêu, như đốt, cây cối khô héo thường xuyên đe dọa cháy rừng mà đường dây lại băng rừng thế kia nên chúng em lúc nào cũng lo ngay ngáy. Bên cạnh đó người dân nơi đây vẫn còn “du canh” nên vẫn phá rừng, đốt nương rẫy rất dễ gây cháy lan vào đường dây. Mùa mưa bắt đầu từ tháng  6 đến tháng 11, chúng em còn cực hơn là cây cối phát triển nhanh nếu không kịp xử lý sẽ lấn tuyến dây như chơi. Mùa mưa đi tuyến cũng vất vì đường vào tuyến bị sạt lở nên trơn trượt,  nhiều vị trí cột ở trong rừng sâu phải lội bộ nửa ngày mới tới nơi và khi về trên người bọn em ít ra cũng có vài chú vắt đeo bám hoặc mấy nốt sưng trên má do ruồi vàng đốt”, Tuyên chia sẻ.
 
“Vậy làm cách nào để khắc phục tình trạng trên?’, tôi hỏi.
 
Đội trưởng kể, về mặt kỹ thuật thì ổn rồi vì Công ty đã tiến hành sửa chữa lớn hệ thống tiếp địa toàn tuyến. Do vậy đã tăng tiếp xúc cho tiếp địa gốc. Trước mùa mưa toàn đội cũng hoàn thành công tác kiểm tra, đo điện trở, tổng trở đường dây đúng theo quy định.
 
Còn công tác bảo vệ an toàn hành lang tuyến thì phải làm trong thời gian dài. Muốn bảo vệ hành lang tuyến ngoài việc tăng cường kiểm tra phát hiện sớm những điểm có nguy cơ cao để xử lý triệt để thì vẫn phải dựa vào dân. Cả đội thường xuyên phối hợp với lãnh đạo xã thôn bản và các già làng đi cùng đến từng nhà dân để giải thích cho bà con rõ tác hại của việc đốt rẫy trong và gần hành lang tuyến dây, đồng thời hướng dẫn cho bà con cách xử lý phân tán thực bì trong hành lang tuyến. “Vậy là bây giờ lính truyền tải không những tinh thông về nghề mà còn là tuyên truyền viên xuất sắc nữa”, tôi thầm nghĩ.
 
Nụ cười người lính truyền tải. (Ảnh: DNVN/Minh Huệ)
 
Tôi ghé thăm nhà Tuyên, một ngôi nhà được xây dựng chắc chắn có mặt tiền bám đường Hồ Chí Minh, phía sau nhà là cả một triền núi xanh mướt với nhiều loại cây rau quả. Vợ Tuyên nhỏ nhắn đằm thắm vừa đon đả chào khách vừa chuẩn bị thức ăn cho gà, vịt, lợn, cá. Tuyên phân trần: “Hai cháu nhà em đứa thì làm ở Hà Nội, đứa thì học ở Thành phố Hồ chí Minh, trước đây vợ em làm tạp vụ trong đội nhưng từ khi có chủ trương tinh giản biên chế của Tổng Công ty, vợ em ở nhà nuôi thêm con gà, con vịt cho đỡ buồn ai dè do vợ em có tay chăn nuôi nên cả triền núi giờ đã là vườn ao chuồng của cô ấy rồi. Gà, vịt nhiều ăn không hết bán cũng không hết nên vợ em mở quán bán cơm gà đồi rau sạch, nhì nhằng cũng có đồng ra đồng vào lại đỡ buồn".
 
Tôi mừng cho gia đình Tuyên và anh em trong đội đã ổn định cuộc sống ở đây để dành toàn bộ tâm trí chăm lo cho sự an toàn của lưới điện trên núi cao vực thẳm này.
Theo: Doanh nhân Việt