Bà Lý Minh Hằng - Chuyên viên văn hóa doanh nghiệp – Ban Tổ chức và Nhân sự (EVNNPT).
Để tìm hiểu thêm về đào tạo VHDN tại EVNNPT, phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với bà Lý Minh Hằng – Chuyên viên văn hóa doanh nghiệp – Ban Tổ chức và Nhân sự (EVNNPT).
PV: Xin bà chia sẻ công tác đào tạo văn hóa doanh nghiệp được EVNNPT triển khai như thế nào trong thời gian qua?
Bà Lý Minh Hằng: Căn cứ định hướng, chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hàng năm EVNNPT ban hành văn bản về việc giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo chung của Tổng công ty và các đơn vị, trong đó có nội dung đào tạo VHDN tại EVNNPT và các đơn vị.
Thông thường mỗi năm EVNNPT đào tạo tập trung 2-3 lớp về VHDN, tổ chức đào tạo tài liệu Văn hóa EVN, EVNNPT, tài liệu giá trị cốt lõi và chuẩn mực đạo đức văn hóa EVNNPT. Trong các năm 2018 đến 2020, tài liệu văn hóa EVNNPT mới ban hành nên EVNNPT tập trung đào tạo cho toàn bộ lãnh đạo EVNNPT, lãnh đạo đơn vị và lực lượng tuyên truyền viên, giảng viên nội bộ, cán bộ làm công tác truyền thông để sau đó các cấp lãnh đạo triển khai giảng dạy cho CBCNV tại đơn vị.
Trong 3 năm trở lại đây EVNNPT tập trung tổ chức các hội thảo, các lớp đào tạo văn hóa số cho lãnh đạo và CBCNV. Giai đoạn năm 2021-2022 mặc dù tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng EVNNPT vẫn triển khai đào tạo VHDN theo đúng kế hoạch, kết hợp hình thức trực tiếp và online.
Ngay trong năm 2023, Tổng công ty đã tổ chức khoá đào tạo “Kỹ năng làm văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp và đổi mới” với sự tham gia của các Trưởng/Phó ban chuyên môn của Tổng công ty, Ban lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và các cán bộ phụ trách VHDN, đào tạo của các đơn vị.
Khóa đào tạo đã phổ biến tài liệu Văn hóa EVN và hành trình văn hóa EVN, trang bị các kiến thức quan trọng, nhằm mục đích nâng cao kỹ năng làm văn hóa doanh nghiệp cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm VHDN của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc trên cơ sở một nền tảng văn hoá tích cực học hỏi và làm chủ kiến thức, trong đó đề cao vai trò và trách nhiệm chỉ đạo, dẫn dắt của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp Tổng công ty và các đơn vị.
Ngay sau khóa đào tạo là một hội thảo chuyên sâu về VHDN, đây có thể coi là một hội thảo tương đối đổi mới, sáng tạo và mang lại nhiều những trải nghiệm tích cực cho mỗi CBCNV tham gia chương trình. Qua hội thảo và chương trình đào tạo, mỗi cán bộ quản lý, cán bộ làm VHDN trang bị cho mình một thái độ nghiêm túc thể hiện trong văn hóa học tập, trang bị cho mình 1 góc nhìn tổng thể về công tác quản trị thực thi VHDN với kiến thức, kỹ năng và bài học liên hệ thực tế sâu sắc.
Việc đào tạo VHDN được quan tâm đổi mới, lồng ghép thông qua các hoạt động giao lưu, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức Ngày hội văn hóa…góp phần tác động vào nhận thức, suy nghĩ, hành động của CBCNV thực thi theo chuẩn mực văn hóa EVNNPT. Bên cạnh đó, nội dung VHDN được lồng ghép vào các câu hỏi kiểm tra sát hạch nghề, thi nâng bậc, giữ bậc để sử dụng ôn luyện trong công tác bồi huấn và thi hàng năm.
Chủ tịch HĐTV EVNNPT – Nguyễn Tuấn Tùng trao đổi nội dung chuyển đổi số, văn hóa số năm 2022 cho cán bộ lãnh đạo Tổng công ty.
PV: Xin bà đánh giá về vai trò của công tác này trong hoạt động của EVNNPT?
Bà Lý Minh Hằng: Công tác đào tạo đã góp phần bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ cho CBCNV phụ trách VHDN tại các đơn vị trong công tác triển khai VHDN; xây dựng được một đội ngũ giảng viên nội bộ về VHDN chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm và đã thực hiện đứng lớp, giảng dạy rất tốt trong các khóa đào tạo tại đơn vị tổ chức theo kế hoạch đào tạo được đơn vị giao.
Việc triển khai đào tạo, lan tỏa và thấm sâu VHDN đã mang lại những hiệu quả rõ rệt như: Hình thành những thói quen ứng xử như văn hóa đúng giờ; văn hóa hội họp, phát biểu; văn hóa làm việc; góp ý; lắng nghe; trang phục, đồng phục... mang lại sự hài lòng cho đồng nghiệp, người dân và đối tác…
Việc thực thi VHDN mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động của EVNNPT; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong CBCNV ngày một nâng cao. CBCNV luôn chủ động duy trì một tinh thần cống hiến cao nhất, tự giác phấn đấu nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo môi trường thuận lợi để người lao động phát huy được sự sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Công tác đào tạo và tự đào tạo, tìm tòi học hỏi giúp nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới qua đó hình thành văn hóa chủ động học tập tại đơn vị.
Tổng giám đốc EVNNPT – Phạm Lê Phú trao đổi nội dung chuyển đổi số, văn hóa số năm 2022 cho cán bộ lãnh đạo Tổng công ty.
PV: Theo bà cần có những cách thức gì để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo văn hóa doanh nghiệp?
Bà Lý Minh Hằng: Đảm bảo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Đảng ủy EVNNPT như: 100% CBCNV EVNNPT hàng năm được tuyên truyền, tập huấn về Văn hóa EVNNPT và được kiểm tra, sát hạch để đánh giá mức độ nhận thức của CBCNV về văn hóa EVNNPT.
Công tác đào tạo cần đổi mới nội dung, cách thức triển khai công tác VHDN theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; tạo ảnh hưởng sâu rộng và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của EVNNPT; tạo động lực để CBCNV nhiệt tình, hăng say lao động, chủ động tích cực sáng tạo để cống hiến cho EVNNPT.
Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực quản trị thực thi VHDN cho cán bộ quản lý các cấp; tập huấn thường xuyên cho cán bộ phụ trách VHDN; đào tạo, bồi dưỡng để hình thành đội ngũ tuyên truyền viên, giảng viên nội bộ về VHDN trong EVNNPT; duy trì đào tạo, tập huấn về VHDN cho lao động mới tuyển dụng và định kỳ hàng năm cho tất cả CBCNV.
Hàng năm, rà soát, bổ sung hoàn thiện bộ đề thi VHDN phục vụ kiểm tra định kỳ, thi nâng ngạch, nâng bậc thợ, tuyển dụng,... Đưa VHDN vào nội dung kiểm tra khi thi nâng bậc, giữ bậc, chuyển ngạch, xây dựng trong chương trình hành động đối với cán bộ khi được bổ nhiệm, luân chuyển hàng năm bằng các hình thức phù hợp.
EVNNPT tổ chức khóa đào tạo “Kỹ năng làm văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp và đổi mới” lớp 2 tại Quảng Ninh, tháng 7/2023.
Xây dựng chương trình và triển khai các khoá đào tạo chuyên sâu về VHDN (phong cách lãnh đạo EVNNPT; văn hoá số; văn hoá học tập và đổi mới sáng tạo; quản lý thực thi, kỹ năng làm VHDN,…); sử dụng các video clip tư liệu và học liệu dùng chung cho đào tạo, tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về VHDN của EVN trong EVNNPT, các bài giảng E-learning về các nội dung trong tài liệu văn hoá EVN, bộ quy tắc ứng xử văn hoá EVN và văn hóa EVNNPT; tiếp tục duy trì đào tạo, tập huấn về VHDN cho người lao động sau tuyển dụng;....
Tạo dựng môi trường văn hóa, làm việc an toàn, công bằng, minh bạch, tôn trọng và đoàn kết để cán bộ công nhân viên có điều kiện phát huy tối đa năng lực, sở trường của mình. Tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực thi VHDN trong và ngoài EVNNPT. Xây dựng các nội dung về các hành vi ứng xử theo VHDN và tạo các sản phẩm video clip văn hóa ứng xử. Tạo nhóm kín trên mạng xã hội để tuyên truyền nội bộ hình ảnh, clip các cá nhân, tập thể thực thi tốt VHDN qua hành động cụ thể hàng ngày, hàng tuần.
PV: Xin cảm ơn bà!