Người dân thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) đồng thuận bàn giao đất để thực hiện Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút
Nhà máy điện mặt trời Cư Jút là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Xây dựng “thần tốc”
Đón đầu chủ trương của Chính phủ về phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, EVNCHP là một trong những nhà đầu tư đi tiên phong trong lĩnh vực Nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Sau khi nghiên cứu khảo sát nhiều địa phương ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, công ty đã chọn thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) là nơi phù hợp để đầu tư dự án điện mặt trời đầu tiên của mình.
Tháng 4/2017, tại Đại hội đồng cổ đông EVNCHP, các thành viên của doanh nghiệp đã thống nhất chủ trương đầu tư Nhà máy điện mặt trời Cư Jút, tại thị trấn Ea T’ling. Ngay sau đó, công ty đã tiến hành các thủ tục xin phép xây dựng Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. Ngày 11/9/2017, Dự án chính thức được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút
Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút có công suất 50MWac, được xây dựng trên diện tích 63,14 ha, với tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng. Dự án lắp đặt 187.890 tấm pin với điện lượng bình quân 94,71 triệu kWh/năm. Để kịp phát điện thương mại trước ngày 30/6/2019, hưởng giá bán điện 9,35 US cents/kWh (theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam), công ty đã phối hợp với UBND huyện Cư Jút trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch mục đích sử dụng đất để đủ điều kiện khởi công dự án.
Với sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh Đắk Nông, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, sau 3 đợt bàn giao, đến tháng 8/2018, phần lớn mặt bằng đã được chính quyền địa phương bàn giao cho EVNCHP triển khai dự án.
Dự án này thu hồi, giải phóng mặt bằng hơn 63 ha đất của 66 hộ dân tại thị trấn Ea T’ling. Theo ông Đỗ Văn Chính, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Cư Jút, phần lớn diện tích bị thu hồi là khu vực đất đai kém màu mỡ, cây trồng phát triển kém, năng suất bấp bênh. Chi phí đền bù bình quân khá cao (khoảng 1,2 tỷ đồng/ha), nên nhận được sự đồng tình của người dân địa phương. Trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng cũng có một số kiến nghị, khiếu nại của người dân, nhưng đều được chính quyền và công ty kịp thời nắm bắt, tháo gỡ. Do đó, mặt bằng “sạch” đã được địa phương bàn giao cho công ty sớm hơn so với kế hoạch.
Không phụ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sau khi nhận bàn giao mặt bằng, EVNCHP đã đồng loạt triển khai các gói thầu lớn, gồm: xây dựng đường chính và san lấp mặt bằng; xây dựng kênh thoát nước; xây dựng nhà điều hành, hệ thống tường rào; lắp đặt trạm 110kV, lắp đặt giá đỡ và lắp pin… Đến tháng 3/2019, phần lớn các gói thầu đã hoàn thành, chuyển sang giai đoạn thí nghiệm chạy thử. Sau khi tiến hành đóng điện trạm 110kV, đến ngày 20/4/2019, Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút chính thức phát điện thương mại (COD).
Quá trình thi công Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút tạo việc làm cho đông đảo lao động địa phương
Theo EVNCHP, từ khi triển khai dự án đến nay, công ty gặp không ít trở ngại, khó khăn từ việc thu xếp vốn cho dự án, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC. Tuy nhiên, công ty cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Trung ương lẫn địa phương và các nhà tài trợ vốn. Do đó, công ty đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, thi công xây dựng và lắp đặt ngày đêm. Việc dự án hoàn thành sau khoảng 10 tháng thi công, chính thức phát điện sớm hơn 70 ngày so với kế hoạch dự kiến là thành quả cho sự nỗ lực không biết mệt mỏi của doanh nghiệp và sự giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền, đơn vị có liên quan.
Đánh thức tiềm năng
Từ khi đi vào vận hành thương mại đến nay, Nhà máy điện mặt trời Cư Jút đã phát vào lưới điện Quốc gia khoảng 35 triệu kWh. Dự kiến, nhà máy sẽ phát điện với sản lượng hơn 90 triệu kWh/năm. Với doanh thu dự kiến khoảng 200 tỷ đồng/năm, dự án có thời gian thu hồi vốn khoảng 10 năm. Việc này bảo đảm nghĩa vụ của EVNCHP đối với ngân sách Nhà nước, trả nợ cho các ngân hàng, thu nhập cho người lao động và hiệu quả cho các cổ đông.
Công nhân vận hành tại Nhà máy điện mặt trời Cư Jút
Dự án này bảo đảm sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, bảo đảm khả năng vận hành an toàn, kinh tế của hệ thống điện và hiệu quả đầu tư chung của xã hội. Ngoài ra, nhà máy còn góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ông Lưu Phúc Anh, Giám đốc Nhà máy điện mặt trời Cư Jút, cho biết: Trong quá trình thi công, có lúc trên công trường có trên 800 lao động, chủ yếu là người dân địa phương. Ngoài ra, nhà máy còn tuyển dụng lực lượng lao động có kiến thức, tay nghề tại địa phương để tham gia công tác quản lý, vận hành lâu dài tại nhà máy. Sau khi dự án hoàn thành, nhà máy hiện vẫn tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.
Nhà máy điện mặt trời Cư Jút, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) có sản lượng phát điện thiết kế hơn 90 triệu kWh/năm
Cư Jút là địa phương có tiềm năng về bức xạ và số giờ nắng cao (khoảng 2.500 giờ nắng/năm). Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nghiêm Hồng Quang, thời gian qua, địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ EVNCHP về các hồ sơ, thủ tục, quá trình giải phóng mặt bằng và giải quyết các vướng mắc có liên quan. Việc Nhà máy điện mặt trời Cư Jút đi vào hoạt động đã “đánh thức” được các tiềm năng về bức xạ mặt trời tại địa phương. “Dự án này đã góp phần tích cực và việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Sự hiện diện của nhà máy trên một vùng đất khô cằn, khan hiếm nước tưới tại thị trấn Ea T’ling thực sự đã tạo ra “diện mạo” mới. Từ dự án này, Cư Jút đã thực sự trở thành “miền đất hứa” cho những dự án điện mặt trời lớn”, ông Quang cho hay.
Theo lãnh đạo Điện lực Đắk Nông, việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện mặt trời thời gian qua được Chính phủ khuyến khích. Đây là hướng đi cần thiết trong bối cảnh các loại năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện ngày càng giảm. Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tăng thêm nguồn cung cấp điện tại chỗ, góp phần ổn định điện áp, lưới điện của tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung. Đây là tín hiệu tích cực, góp phần tăng nguồn cho ngành điện và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.