Thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, thiếu nước dẫn tới nguồn thủy điện bị giảm lớn khiến cho ngành điện bị lỗ
Nhiều chuyên gia cho rằng, thiếu điện có nguyên nhân sâu xa từ cơ chế giá. Trong khi giá của các loại nhiên liệu đầu vào tăng chóng mặt thì giá điện nước ta vẫn điều chỉnh chậm. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm giá điện bình quân đều được điều chỉnh tăng, song đều thấp dưới 10%.
Dần tiếp cận cơ chế thị trường
Theo Quyết định 269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức tăng giá điện năm 2011 đã được phê duyệt ở mức 15,28%. Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2011 là 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 165 đồng/kWh so với năm 2010 và được áp dụng từ 1/3/2011. Thực tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và EVN đã đề xuất rất nhiều phương án khác nhau. tuy nhiên, Chính phủ chọn phương án tăng 15,28% với tiêu chí giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá ở mức hợp lý trên cơ sở cân đối chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân, phù hợp với lộ trình theo cơ chế thị trường nhằm thu hút đầu tư vào ngành điện, hạn chế tình trạng thiếu điện. Theo đánh giá của Bộ Công thương, con số tăng giá điện chỉ khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 0,46%.
Nói về việc vì sao phải tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: thứ nhất, do trước đây chúng ta luôn kiềm giá nên giá điện VN hiện rất thấp. Năm 2010, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, thiếu nước dẫn tới nguồn thủy điện bị giảm lớn khiến cho ngành điện bị lỗ. Thứ hai, việc tăng giá điện để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm hơn tới các dự án điện, từ đó hi vọng đáp ứng đủ điện cho nhu cầu xã hội. Thứ ba, khi giá bán điện thấp hơn giá thành, nhiều doanh nghiệp không quan tâm cải tiến, đổi mới công nghệ, mà đi nhập những công nghệ tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Cuối cùng, khi giá điện được điều chỉnh hợp lý thì việc sử dụng điện trong toàn xã hội sẽ tiết kiệm hơn. Bộ Công thương đã trình Thủ tướng dự thảo cơ chế điều chỉnh giá điện tự động theo cơ chế thị trường. Sắp tới, khi Thủ tướng phê duyệt cơ chế này, giá điện sẽ có cơ sở điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh được chi phí đầu vào và giá điện VN sẽ theo cơ chế thị trường.
Vẫn khó hút đầu tư !
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng VN, mức tăng như hiện nay là quá thấp, ngành điện sẽ không thể thực hiện tái đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài. Theo tính toán của Bộ Công thương, nếu tăng đúng, giá điện phải lên tới trên 60%. Nhưng nếu tăng lên mức này thì nền kinh tế sẽ bị sốc mạnh. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định: Mức tăng hiện tại chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư tham gia ngành điện. Giá bán vẫn thấp hơn giá thành nên các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn.
Với mức tăng giá điện này, nguồn thu từ tăng giá điện mới chỉ bù đắp một phần các chi phí đầu vào được chuyển vào giá như giá than và giá khí cho phát điện tăng; giảm lỗ một phần cho EVN do huy động các nguồn điện giá cao, chứ chưa dành kinh phí để đầu tư cho hệ thống. Vì vậy, ngành điện vẫn lỗ. Lợi nhuận năm 2011 của EVN được tính bằng 0%. Lợi nhuận không có thì EVN không đủ tích lũy để tái đầu tư mở rộng. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng giá điện một phần giúp EVN giải quyết bớt căng thẳng về tài chính, một phần là để thu hút đầu tư, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Việc tăng giá điện là giải pháp lâu dài chứ không phải là giải pháp duy nhất và cũng không thể lập tức giải quyết được tình trạng thiếu điện ngay trong năm nay. Về lâu dài, để tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, bền vững cũng như tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, VN phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất điện năng.