Thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà
Huy động nguồn vẫn rất khó khăn
Mùa khô là mùa tiêu thụ điện nhiều nhất trong năm, nhất là từ tháng 3 đến tháng 6 thời tiết nắng nóng nên mức tiêu thụ điện tăng rất cao. Trong khi nguồn điện dự phòng chưa có, nguồn thủy điện chiếm tới gần 40% toàn hệ thống nhưng nguồn nước cho thủy điện đang rất khó khăn do khô hạn tiếp tục kéo dài, nhiều hệ thống sông mất mùa lũ khiến lượng nước về các hồ thủy điện sụt giảm mạnh. Theo Bộ Công Thương, do lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam quá ít ngay từ đầu mùa khô, các hồ thủy điện lớn phía Bắc như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang phải xả gần 3 tỷ m3 nước phục vụ sản xuất vụ Đông-Xuân nên mực nước hầu hết các hồ thủy điện trên cả nước đều thấp hơn nhiều so với yêu cầu. Tại thời điểm 1-1-2011, tổng lượng nước thiếu hụt vào khoảng 13 tỷ m3, tương đương sản lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh. Với mực nước thiếu hụt như vậy, các nhà máy thủy điện không thể phát hết công suất. Bên cạnh đó, một số nhà máy nhiệt điện do phải khai thác liên tục nên trong thời gian qua vượt quá hạn mức cho phép về thời gian bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa nên nguy cơ sự cố rất cao. Một số nhà máy nhiệt điện mới đang trong quá trình chạy thử chưa vận hành ổn định. Một số tổ máy đã ngừng vận hành để xử lý sự cố như tổ máy số 2 Nhiệt điện Hải Phòng (300MW), tổ máy số 2 Nhiệt điện Sơn Động (110MW); tổ máy tuabin hơi Nhiệt điện Phú Mỹ 3 (240MW)… khiến cho tình hình cung ứng điện càng thêm khó khăn.
Chuẩn bị thật tốt để ứng phó với thiếu điện mùa khô
Nhằm tháo gỡ khó khăn về cung ứng điện, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN xây dựng kế hoạch cung cấp điện mùa khô và cả năm 2010. Theo đó, huy động tối đa tất cả các nguồn phát điện, kể cả các nguồn điện có giá thành cao (chạy dầu DO, FO) để đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, trong 54,06 tỷ kWh cung ứng cho mùa khô có 11,56 tỷ kWh từ thủy điện, 12,25 tỷ kWh từ nhiệt điện, 23,82 tỷ kWh từ nhiệt điện tua bin khí. Riêng nguồn nhiệt dầu DO và FO là 3,92 tỷ kWh, điện nhập khẩu là 2,51 tỷ kWh. Được biết, 2 tháng đầu năm nay, EVN đã huy động tối đa các nguồn điện để cung ứng cho sản xuất và sinh hoạt. Tính đến 24-2, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 14,732 tỷ kWh, tăng 12,9% so cùng kỳ.
Để nâng cao khả năng cung ứng điện trong các tháng còn lại của mùa khô 2011 ở mức cao nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tiếp tục đảm bảo cung cấp điện tối đa trong khả năng có thể và vận hành hệ thống điện an toàn trong mùa khô năm 2011. Huy động phát điện tối đa các nhà máy điện, trưng dụng các tổ máy nhiệt điện mới còn đang trong thời gian thử nghiệm hoặc nghiệm thu để tăng cường nguồn phát điện cho hệ thống; Điều chỉnh lịch bảo dưỡng, sửa chữa, tiếp tục hoãn sửa chữa các tổ máy nếu điều kiện kỹ thuật cho phép. Duy trì vận hành, kết hợp với tăng cường giám sát tình trạng thiết bị; Các Tập đoàn Than, Dầu khí, Điện, chủ đầu tư các dự án nguồn điện mới tập trung đẩy nhanh tiến độ để kịp hòa lưới trong mùa khô này. Dự kiến, khoảng 8 tổ máy sẽ được đưa vào vận hành trong năm nay với tổng công suất 2.198 MW, bao gồm: các tổ máy 2, 3 và 4 Thủy điện Sơn La; tổ máy 2 Thủy điện Sông Tranh 2; tổ máy 2 Thủy điện Đồng Nai 3; Thủy điện An Khê-Kanak; Thủy điện Đồng Nai 4 và Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2. Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn đi đôn thúc, kiểm tra sát sao các dự án điện. Các đơn vị điện lực phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung cấp điện. Nếu thiếu điện thì việc tiết giảm điện phải được thực hiện theo kế hoạch do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. (Đến thời điểm này đã có 39 tỉnh, thành phố lập Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện, 15 tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch cung ứng điện). Thực hiện cắt giảm điện theo nguyên tắc luân phiên, công bằng, hài hòa giữa nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai;
Bức tranh điện mùa khô có thể sẽ sáng sủa hơn
Mặc dù dược dự báo là điện mùa khô sẽ rất căng thẳng nhưng 2 tháng đầu mùa khô năm nay, tình hình cung cấp điện vẫn khá ổn định. Tại cuộc họp báo thông báo kế hoạch cung cấp, vận hành hệ thống điện mùa khô và việc điều chỉnh giá điện năm 2011 do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, dự báo khả năng mùa khô bị thiếu hụt tới hơn 2 tỷ kWh là dựa trên tính toán mức tăng trưởng phụ tải lên tới 18,3%. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp hơn dự kiến nên 2 tháng qua không phải tiết giảm điện. Như vậy, lượng điện thiếu hụt 4 tháng còn lại chỉ còn gần 1,7 tỷ kWh. Theo tính toán, nhu cầu sử dụng điện từ tháng 3 tới sẽ tăng trưởng cao do các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán cùng với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt mùa hè sẽ nhiều hơn, trong khi tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu có thể cung ứng được của hệ thống 4 tháng còn lại của mùa khô khoảng 38,04 tỷ kWh. Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, mùa khô năm nay có thể sẽ không xảy ra việc tiết giảm điện với điều kiện tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn này giữ ở mức dưới 15%, cùng với việc thực hiện tốt chương trình tiết kiệm điện, lượng nước về các hồ thủy điện được cải thiện. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp tăng cường cung ứng điện, Bộ yêu cầu các đơn vị điện lực tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp thực hiện. Các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng hợp lý trong điều kiện khó khăn về sản lượng điện hiện nay.