Sự kiện

Giá điện thị trường sẽ loại bỏ công nghệ sản xuất thép lạc hậu

Thứ ba, 22/2/2011 | 10:06 GMT+7

Trước hiện tượng bùng nổ đầu tư thép trong ba năm trở lại đây, nhiều vấn đề đã được đặt ra như tình trạng cung vượt cầu, mất cân đối trong các chủng loại sản phẩm thép hay công nghệ lạc hậu gây chi phí sản xuất cao, ô nhiễm môi trường…Nguyên nhân và giải pháp đã được các chuyên gia ngành chỉ ra. Thế nhưng nhiều năm qua, chuyện đâu vẫn đóng đấy…vậy, nguyên nhân vì sao?

 

 
Dễ thì thừa, khó thì thiếu

Theo “Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 sản xuất đến 15-18 triệu tấn thép; trong đó có từ 8-10 triệu tấn thép dẹt, 7-8 triệu tấn thép dài, để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này có nghĩa rằng với tổng công suất các nhà máy thép của Việt Nam, tính đến hết năm 2009 đạt khoảng 8 triệu tấn/năm, ngành thép chỉ cần đầu tư đạt công suất tối đa 10 triệu tấn/năm là phù hợp.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), như vậy chỉ cần đầu tư xây dựng hai nhà máy liên hợp với công suất 5 triệu tấn/năm là cân đối đủ cung-cầu theo quy hoạch phát triển ngành. Thế nhưng trên thực tế sự bùng nổ đầu tư vào ngành thép ở Việt Nam, đặc biệt là trong hai năm 2007-2008 đã bị quá đà.

Rà soát của Bộ Công Thương trong năm 2009, phản ánh, xuất hiện hàng chục dự án nằm ngoài quy hoạch, trong đó có 24 dự án do địa phương cấp phép đầu tư vượt thẩm quyền. Việc cấp phép đầu tư thép tràn lan khiến chỉ riêng tổng công suất thiết kế của các dự án ngoài quy hoạch này đã lên tới 60 triệu tấn/năm. Có doanh nghiệp Việt Nam, chỉ trong vòng hai tháng đã ký với hai đối tác nước ngoài để xây dựng hai nhà máy liên hợp với công suất từ 5-10 triệu tấn/năm.

Thị trường tiêu thụ thép tại Việt Nam và các nước trong khu vực còn hạn chế, nếu các dự án quy mô lớn đi vào sản xuất sẽ khiến cung vượt gấp ba lần cầu, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt và có thể đưa nhiều nhà máy đến phá sản. Chưa kể, việc đầu tư vượt quy hoạch của ngành thép đang làm mất cân đối trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường ở các địa phương như năng lượng (điện), hạ tầng cơ sở (cảng biển, đường bộ, đường sắt), ô nhiễm môi trường (khí, bụi, nước thải…); việc có quá nhiều dự án thép sẽ chiếm nhiều diện tích đất đai nông nghiệp. Hiện tại, mỗi khu liên hợp thép chiếm từ 1.000-3.000ha, chưa kể diện tích các cảng biển và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo VSA, sau ba năm triển khai theo quy hoạch, nhưng do buông lỏng quản lý (chủ yếu do các địa phương cấp phép), đã dẫn đến hiện tượng đầu tư tràn lan trong ngành thép, cung vượt xa cầu. Hậu quả là hai năm nay, các doanh nghiệp thép của Việt Nam phải cạnh tranh nhau khốc liệt. Tính đến nay, công suất sản xuất thép cho kết cấu bêtông (thép xây dựng) của Việt Nam đã đạt 8,5 triệu tấn/năm và năng lực sản xuất thực đã đạt 5,5 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu hiện tại mới đạt trên dưới 4 triệu tấn/năm.

Sản xuất thép ống đã đạt 1,9 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ mới ở mức một triệu tấn/năm. Thép cuộn cán nguội (thép lá) cũng đã đạt 2,7 triệu tấn/năm, tiêu thụ chỉ một triệu tấn/năm. Tôn mạ, phủ màu (dùng cho lợp mái) sản xuất đạt 1,750 triệu tấn, trong khi tiêu thụ là 1,2 triệu tấn…

Trong khi đó, cho đến nay, chủng loại thép mà Việt Nam vẫn thiếu là thép cho sản xuất công nghiệp như các loại thép hợp kim, thép không gỉ dùng cho chế tạo cơ khí (máy móc, đóng tàu) và thép tấm cán nóng (làm nguyên liệu cho cán nguội).

Kiếm lời nhờ giá điện đang ở “điểm trũng”

Hiện nay, giá điện Việt Nam thấp xa so với giá điện khu vực và thế giới, trong khi giá điện của Việt Nam là 5,5 xu đôla/1 kWh giờ thì giá điện ở khu vực Đông Nam Á và thế giới là 7-8 xu đôla/kWh. Với việc xác định giá điện thấp như vậy, không những Việt Nam không đảm bảo đủ thu bù chi và tăng tích luỹ vốn để ngành điện đủ lực tự mình phát triển điện trong nước, mà còn không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn, kinh doanh nghiêm túc đầu tư vào ngành điện, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực kêu gọi họ vào đầu tư.

Giá điện thấp thậm chí đã “khuyến khích” các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài móc nối với nhau để tìm cách đưa vào Việt Nam các loại công nghệ tiêu tốn năng lượng nhằm mục đích trục lợi nhờ giá điện rẻ như thực tế đã và đang xảy ra đối với các nhà máy sản xuất thép và xi măng hiện nay - cung đã vượt cầu, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất để xuất khẩu nhằm kiếm lời nhờ giá điện Việt Nam đang ở "điểm trũng" so với giá điện thế giới và khu vực, nhờ đó giá thành sản phẩm thấp, dễ cạnh tranh hơn, lợi nhuận cao hơn. Nói cách khác, với giá điện thấp như hiện nay, Việt Nam không chỉ bao cấp cho người tiêu dùng trong nước, mà đã và đang bao cấp cả cho các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam.

Giá điện thị trường sẽ loại bỏ công nghệ sản xuất thép lạc hậu

Theo VSA, chi phí cho điện sản xuất thép chiếm chỉ 5,5% trong giá thành. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường sẽ góp phần loại bỏ việc sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất thép. Luyện phôi, thép phế tiêu tốn gấp 4-5 lần gia công thép, trung bình ở mức 600 kWh/tấn. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp (DN) nào sử dụng công nghệ tiên tiến thì mức tiêu thụ chỉ khoảng 350kWh/tấn.

Hiện nay, trong số 32 DN của Hiệp hội chỉ có 4 DN sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới; 10 DN có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng phương án điều chỉnh giá điện theo thị trường có lộ trình. Khi giá điện được tính đúng tính đủ, tỷ lệ chi phí cho điện sẽ chiếm đáng kể với những công nghệ thép lạc hậu. VSA kỳ vọng tăng giá điện hợp lý sẽ góp phần loại bớt những nhà máy vẫn sử dụng công nghệ luyện thép lạc hậu để kiếm lợi trong ngắn hạn.

Theo VSA, giá than, điện, xăng dầu được xác định theo đúng giá thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, góp phần minh bạch nền kinh tế, để nền kinh tế có lãi thực, không có tình trạng lãi, lỗ ảo. Ngành Thép sợ thiếu điện hơn là sợ tăng giá điện theo lộ trình như hiện nay.

Trước mắt, để ứng phó với nguy cơ thiếu điện trầm trọng vào mùa khô năm nay, ngành Điện và ngành Thép đã thống nhất về chủ  trương, kế hoạch và các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện cho ngành sản xuất thép.

Theo đó, VSA sẽ xây dựng danh sách những DN đủ điều kiện để được ưu tiên tiếp tục cấp điện cho sản suất. Đó là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hoặc đã có cải tiến để áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thép tiết kiệm, hiệu quả./

Thanh Mai