Phát triển điện hạt nhân là phù hợp với điều kiện và là lựa chọn tối ưu cho Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Ngọc Thọ/Icon.com.vn
Lựa chọn tất yếu
Dự báo đến năm 2020, phạm vi cả nước sẽ xảy ra nguy cơ thiếu điện do nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta ước khoảng trên 360 tỷ kWh, trong khi đó việc phát triển các nguồn thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo đang gặp nhiều áp lực về nguồn cung và giá. Riêng khu vực phía Nam, khả năng thiếu điện đã hiện hữu.
Còn nhớ, trong lần trả lời thắc mắc của phóng viên bài viết này tại họp báo Chính phủ thường kỳ (mỗi tháng diễn ra một lần), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ về tình hình cung ứng điện trong giai đoạn trước mắt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Điện không chỉ có vị trí quan trọng là thức ăn của công nghiệp mà còn là thành quả của toàn bộ xã hội. Giả sử đơn giản mỗi gia đình không có điện hay nhìn lại ngày xưa, mỗi ngày phải mất điện một khoảng thời gian thì cuộc sống, xã hội sẽ bị đảo lộn ngay. Chính phủ xác định an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu và là một trong những ưu tiên bậc nhất trong điều hành kinh tế - xã hội. Những năm qua, với sự nỗ lực của toàn xã hội, của Nhà nước, nguồn cung ứng điện đã không còn tình trạng “ăn đong” nữa dù cho còn căng thẳng về cung ứng trong từng thời điểm cụ thể trong năm. Giờ, chúng ta có công suất dự phòng nguồn điện và có một hệ thống truyền tải đảm bảo, an toàn, thông suốt, tin cậy từ Bắc đến Nam. Từ nay đến 2015 nguồn điện đủ, không thiếu. Tuy nhiên sang đến cuối năm 2017, đầu 2018 vì có một số dự án sẽ chậm tiến độ do các nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, công tác thu xếp vốn nên khu vực phía Nam có nguy cơ xảy ra thiếu điện cục bộ. Khu vực phía Bắc thì không lo lắm vì vẫn dư công suất. Khu vực miền Trung thì vừa đủ do nhu cầu không tăng quá mạnh”.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2030, sản lượng điện hạt nhân mới chỉ chiếm khoảng gần 7% sản lượng điện tiêu thụ, nhưng vai trò của điện hạt nhân trong tương lai là rất lớn. Theo các chuyên gia năng lượng, phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng vẫn là lựa chọn quan trọng trong tương lai. Bởi sau thủy điện, nhiệt điện...thì cũng chỉ có điện hạt nhân mới đáp ứng nhu cầu năng lượng cho quốc gia trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác vẫn là thứ yếu bởi chi phí đầu tư rất tốn kém và cần có sự trợ giá từ Nhà nước.
Chưa tác động ngay đến giá điện
Phát triển điện hạt nhân là phù hợp với điều kiện và là lựa chọn tối ưu cho Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Ngọc Thọ/Icon.com.vn
Theo Vụ Nhiệt điện và Điện hạt nhân (Bộ Công Thương), việc sản xuất điện phụ thuộc nhiều yếu tố. Từ giờ đến lúc nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động còn quãng thời gian tương đối dài, giá nguyên liệu đầu vào và các chỉ số khác như lạm phát (CPI) hay tăng trưởng (GDP)…sẽ còn tiếp tục thay đổi. “Khó có thể đưa ra một kịch bản cho giá điện trong tương lai khi mà điện hạt nhân đưa vào sử dụng” - ông Đoàn Thế Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ này cho hay.
Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH&CN) Tiến sĩ Vương Hữu Tấn thì cho biết, tới năm 2030, tỷ lệ điện hạt nhân trong tổng công suất điện quốc gia cỡ khoảng 7% khó mà tác động tới diễn biến giá điện thương mại.
Quan sát những năm gần đây, thực ra, giá bán điện tại Việt Nam còn thấp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong mấy năm qua luôn trong tình trạng khó cân đối được tài chính do giá bán điện còn thấp. Vào mùa khô, khi mực nước thủy điện đạt thấp, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia không thể huy động điện phát từ các nhà máy thủy điện thì buộc phải đổ dầu vào chạy các tổ máy của nhà máy nhiệt điện. Giá than, khí và đặc biệt là giá dầu DO, FO…khiến Tập đoàn này phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng vì giá bán dưới giá thành phát.
Trung bình mỗi năm, ngành Điện cần tới cỡ 5 tỷ USD đầu tư. Chỉ tính giá trị đầu tư xây dựng và tình hình giải ngân, thì quý I năm 2015, ước tính giá trị khối lượng thực hiện đạt 23.459 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 16.695 tỷ đồng. Con số này đủ thấy yêu cầu đầu tư cho ngành Điện trong tương lai sẽ còn lớn cỡ nào.
Ông Phan Minh Tuấn - Phó Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, hiện, hệ thống điện của ta chủ yếu phụ thuộc vào thủy điện và nhiệt điện. Tương lai gần thì 2 nguồn năng lượng này vẫn sẽ là chủ đạo. Phương án được ưu tiên và cũng là dạng năng lượng sạch chính là điện hạt nhân và thủy điện tích năng. Các nước phát triển đều đã chọn hướng đi này.
Nếu có một kịch bản nào đó cho việc điện hạt nhân có thể tác động, thay đổi cơ cấu giá điện thì có lẽ phải sau năm 2050 khi mà nguồn năng lượng này có thể chiếm tới 20% tổng công suất điện của hệ thống điện quốc gia. Còn trước mắt, việc đầu tư, xây dựng và triển khai các dự án điện hạt nhân chắc chắn sẽ giúp cải thiện chất lượng điện năng. Và hơn ai hết, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên khi có được nguồn điện chất lượng, ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.