Sự kiện

18 năm xây dựng và trưởng thành: Sức trẻ ngành điện Hưng Yên

Thứ sáu, 15/5/2015 | 09:00 GMT+7
Với những thành tích trong những năm vừa qua, CBCNV tập thể Công ty Điện lực Hưng Yên đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Lễ kỷ niệm 18 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng đã được Công ty Điện lực Hưng Yên tổ chức sáng ngày 14/5/2015 tại thành phố Hưng Yên.
 

Ảnh: Trần Phương/Icon.com.vn
 
Công ty Điện lực Hưng Yên được tách ra từ một phần nguồn lực của Điện lực Hải Hưng, thành lập theo quyết định số 246 ĐVN/TCCB-LĐ, ngày 14/3/1997 của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) với tên gọi ban đầu là Điện lực Hưng Yên, sau đó chuyển đổi mô hình tổ chức thành Công ty Điện lực Hưng Yên, trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Ở cái tuổi có thể gọi là “còn trẻ” so với lịch sử hình thành và phát triển của ngành điện lực cách mạng Việt Nam nhưng Công ty Điện lực Hưng Yên trong suốt 18 năm xây dựng và phát triển đã luôn khẳng định vị trí, vai trò cung ứng điện năng an toàn, ổn định phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, chính trị và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. 
 
Sớm trưởng thành để phát triển!
 
Năm 1997, ngày đầu mới thành lập, Công ty Điện lực Hưng Yên chỉ có 239 người với 14 đơn vị trực thuộc, trong đó, có 30 người trình độ Đại học, 07 người trình độ cao đẳng còn lại là Trung cấp và công nhân kỹ thuật. Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu hụt, lạc hậu, hệ thống lưới điện cũ, gần 80% điện năng phục vụ sản xuất nông nghiệp và ánh sáng sinh hoạt nông thôn. Toàn tỉnh chỉ có 01 trạm biến áp 110 kV Phố Cao công suất 2x25.000 kVA phải cấp một phần công suất cho tỉnh Hải Dương, nguồn điện thiếu do phải phụ thuộc vào sự cấp điện của các Công ty Điện lực Hải Dương, Thái Bình và Gia Lâm. Đến nay, lực lượng lao động Công ty đã không ngừng tăng về số lượng và chất lượng với 678 CBCNV (bao gồm cả lao động thời vụ) công tác tại 22 đơn vị trực thuộc, trong đó có 12 phòng chức năng, 01 phân xưởng và 9 Điện lực huyện, thành phố). Trình độ CBCNV trên đại học 12 người, chiếm tỷ lệ 1,77%; Đại học 277 người, chiếm tỷ lệ 40,86%; Cao đẳng 53 người, chiếm tỷ lệ 7,82%; Trung cấp 97 người, chiếm tỷ lệ 14,3%; Công nhân kỹ thuật lành nghề 239 người, chiếm tỷ lệ 35,25%. Tính đến năm 2015, toàn tỉnh có 08 TBA 110 kV với công suất đặt 873 MVA (trong đó 07 TBA là tài sản ngành điện và 01 TBA là tài sản khách hàng); 04 TBA trung gian tài sản ngành điện với công suất đặt 23.400 kVA; 2.384 TBA phân phối với công suất đặt 1.166.589 kVA (trong đó 1130 trạm thuộc tài sản ngành điện, 1.245 trạm thuộc tài sản khách hàng); 1.484,71 km ĐZ trung áp (trong đó tài sản ngành điện là 1.210,213 km, tài sản khách hàng là 274,497 km); 3.912,7 km ĐZ hạ áp.
 
Trong chặng đường phát triển 18 năm, Công ty Điện lực Hưng Yên luôn thực hiện chức năng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, quản lý vận hành lưới điện đến cấp điện áp 35 kV trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt đáp ứng yêu cầu cũng cấp điện cho nhiều phụ tải công nghiệp lớn trên địa bàn, góp phần không nhỏ cho việc tăng trưởng GDP của Hưng Yên – một tỉnh trung tâm đồng bằng sông Hồng có cơ cấu phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ đang là chủ đạo, luôn ở mức 7,25%. 
 
Nỗ lực tiến bước
 
Nói về những bước đi trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Thiện, Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên cho biết: Để đáp ứng nhiệm vụ cung ứng dịch vụ điện năng ngày càng cao, với chất lượng an toàn, ổn định, liên tục đáp ứng mong muốn và đòi hỏi của tất cả khách hàng, tập thể CBCNV ngành điện Hưng Yên phải tiếp tục nỗ lực, lao động tận tâm, hết lòng với tinh thần trách nhiệm cao và trình độ chuyên môn giỏi. Trong giai đoạn 2015-2020, theo định hướng phát triển lưới điện thông minh của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty sẽ lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển từ xa, đo xa …. tại các trạm cắt Recloser trên lưới điện và các lộ xuất tuyến, các điểm đo tại lộ tổng các trạm biến áp phân phối để đảm bảo chỉ tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên lưới điện. Chỉ huy vận hành lưới điện vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đảm bảo chất lượng điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và giảm tổn thất điện năng lưới điện, phấn đấu đến năm 2020 đưa tổn thất điện năng lưới điện tỉnh Hưng Yên đạt 5,02%.
 
Thực hiện nâng cao năng suất lao động bằng việc áp dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị, nâng cao công tác chăm sóc dịch vụ khách hàng bằng hệ thống tổng đài và phần mềm, đẩy mạnh phát triển khách hàng thanh toán tiền điện qua các kênh của Ngân hàng và các tổ chức thu hộ hình thức Online, nghiên cứu giải pháp công nghệ thẻ từ cho các khách hàng sử dụng điện trong công tác quản lý, thu nộp tiền điện, tiếp tục  cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế quản lý nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng theo phương châm 3 dễ  “Dễ tiếp cận- dễ tham gia- dễ giám sát" các dịch vụ của ngành điện.....Công ty cũng sẽ tiếp tục nâng cao trình độ lao động và kỹ năng quản lý, tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, duy tu sữa chữa thường xuyên lưới điện nhằm đảm bảo hệ thống lưới điện Hưng Yên vận hành an toàn, tin cậy... 
 
Tiếp tục tăng trưởng, đáp ứng mọi nhu cầu về điện phục vụ cộng đồng
 
Hưng Yên là một tỉnh có tỷ lệ công nghiệp lớn, chiếm trên 70% cơ cấu tiêu thụ điện của ngành Điện lực Hưng Yên. Theo quyết định của Chính phủ, trong giai đoạn 2015-2020,  sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp tiếp tục được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Do vậy, phụ tải ở Hưng Yên thời gian tới rất lớn và công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao. 
 
Để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình trong giai đoạn tới, Công ty Điện lực Hưng Yên đứng trước những thách thức lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về điện với chất lượng ngày càng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, nhiệm vụ phải nhanh chóng hiện đại hóa lưới điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng; Phải tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp để tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, bắt kịp với nhóm dẫn đầu ASEAN;  Phải nâng cao chất lượng dịch vụ trước những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện, tiến tới tham gia sâu rộng  trong thị trường điện cạnh tranh.  Với vị trí là đơn vị quản lý trực tiếp Công ty Điện lực Hưng Yên, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, ông Thiều Kim Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc cho rằng: Trong tiến trình đi lên đó, đòi hỏi trách nhiệm cao đối với mỗi đơn vị trong Tổng công ty mà Công ty Điện lực Hưng Yên là một thành viên, bởi vậy để hoàn thành được những nhiệm vụ lớn lao theo sự  phân công của ngành, của Chính phủ, trong thời gian tới Công ty Điện lực Hưng Yên cần tăng cường năng lực và vai trò hạt nhân lãnh đạo của cấp ủy Đảng và các tổ chức đoàn thể trong việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, CBCNV đáp ứng cả về năng lực chuyên môn và đạo đức, lối sống trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo tiến độ và chất lượng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô lưới điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương và sinh hoạt của người dân, đảm bảo chất lượng điện phục vụ các phụ tải công nghiệp trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, vận hành, từng bước hiện đại hóa lưới điện để  nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm các chỉ số SAIDI, SAIFI, MAIFI, giảm nhanh tỷ lệ tổn thất điện năng.
 
Tiếp nữa, để vững bước tiến lên, đáp ứng đòi hỏi của tiến trình phát triển và hội nhập, Công ty Điện lực Hưng Yên cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, rà soát, sắp xếp, bố trí hợp lý lao động, đổi mới phương thức quản lý của Công ty theo hướng quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế, phân cấp quản lý, công tác cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế khuyến khích, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo động lực thực sự cho người lao động, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, công tác sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời đảm bảo đủ năng lực để chủ động tham gia thị trường điện theo các cấp độ. Phân tích cụ thể các yếu tố tác động vào chí phí để có các biện pháp phù hợp nhằm tối ưu hóa chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ, kỷ luật lao động,  nhằm ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động đáng tiếc do chủ quan, đồng thời ngăn ngừa các hành vi tiêu cực. Xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra thiết thực, hữu hiệu để phát hiện và xử lý kịp thời những khiếm khuyết trong quản lý, đồng thời kiên quyết loại bỏ khỏi đội ngũ đối với những người trục lợi bất chính từ khách hàng.  
 
Số liệu kết quả kinh doanh của PC Hưng Yên qua các thời kỳ:
 
- Giai đoạn năm 1997 ÷ 2003: Tổng điện thương phẩm giai đoạn 1997-2003 đạt 1.433,034 tr.kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 22,37 %; điện thương phẩm năm 2003 đạt 358,134 tr.kWh so với năm 1997 tăng 250,44 tr.kWh; Tỷ trọng CNXD trên tổng điện thương phẩm đạt 22,46%
 
- Giai đoạn năm 2003 ÷ 2009: Tổng điện thương phẩm giai đoạn 2003-2009 đạt 4.921,81 tr.kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 20,60%; điện thương phẩm năm 2009 đạt 1.095,52 tr.kWh, so với năm 2003 tăng 987,829 tr.kWh; Tỷ trọng CNXD trên tổng điện thương phẩm đạt 53,65%
 
- Giai đoạn năm 2009 ÷ 2015: - Tổng điện thương phẩm giai đoạn 2009-2015 đạt 11.971,93 tr.kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 16,08%; điện thương phẩm năm 2015 đạt 2.645 tr.kWh, so với năm 2009 tăng 1.549,48 tr.kWh; Tỷ trọng CNXD trên tổng điện thương phẩm đạt 67,99%
 
Trần Phương/Icon.com.vn