Nước sau khi chạy máy thủy điện Đa Nhim tiếp tục được dùng để chạy máy thủy điện Sông Pha rồi chảy về hạ du tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Từ đầu tháng 3, nắng hạn đã diễn ra ở hầu hết các huyện. Tuy nhiên, các huyện: Tánh Linh, Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước và Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm được hưởng lợi nguồn nước từ thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi thì vẫn đảm bảo có nước tưới, sinh hoạt và sản xuất.
Ưu tiên cấp nước cho hạ du
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (DHD) Nguyễn Trọng Oánh cho biết, nhằm thực hiện tốt việc chạy máy phát điện kết hợp cấp nước cho hạ lưu tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận trong giai đoạn mùa khô năm nay. Ngay từ đầu năm, DHD đã tổ chức họp với Sở NN&PTNT các tỉnh để thống nhất kế hoạch cấp nước trong giai đoạn mùa khô. Từ cuối tháng vừa 3, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã chủ trì cuộc họp bàn về kế hoạch cấp nước chống hạn đối với tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Theo đó, từ đầu năm, Công ty luôn đảm bảo các tổ máy sẵn sàng để huy động; phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) điều chỉnh kế hoạch sửa chữa các hạng mục liên quan đến tổ máy, lập phương thức huy động các tổ máy Đa Nhim và Hàm Thuận – Đa Mi theo hướng ưu tiên cấp đủ nước theo kế hoạch của địa phương phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn hai tỉnh. Thời gian cấp nước, tối thiểu từ 12h- 14h/ngày.
Với dung tích còn lại đến thời điểm hiện nay của các hồ chứa, Công ty DHD đang cố gắng thực hiện đảm bảo theo kế hoạch cấp nước đã thống nhất đến hết tháng 5-2015. Sau ngày 31-5, tùy thuộc vào tình hình thủy văn thực tế của hồ chứa Đơn Dương và Hồ Hàm Thuận các bên liên quan sẽ họp bàn về kế hoạch cấp nước cho giai đoạn tiếp theo kể từ 1-6.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, mùa mưa năm 2014 kết thúc sớm nhưng Công ty đã kịp thời tích nước các hồ chứa đến mực nước dâng bình thường vào đầu mùa khô 2015 nhằm đảm bảo cấp nước một cách tốt nhất. Tuy nhiên, theo dự báo tình hình thời tiết vẫn tiếp tục khô hạn kéo dài đối với khu vực miền Trung và Tây nguyên, hiện nay lưu lượng nước về hồ chứa thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, việc cấp nước trong thời gian còn lại của mùa khô 2015 sẽ còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó Nhà máy điện còn phải đảm bảo yêu cầu về an ninh năng lượng. Trên tinh thần trách nhiệm với nhân dân các địa phương ở vùng hạ du, Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi luôn cố gắng đảm bảo thiết bị để chạy máy trong điều kiện khó khăn hiện nay, tuy nhiên, còn phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ của các địa phương, phối hợp sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả.
Ông Trần Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phải duy trì mức xả nước từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim, ưu tiên hàng đầu nước phục vụ dân sinh, nước uống cho đàn gia súc, nước tưới cho số diện tích gieo trồng trong kế hoạch. Ngoài ra, các địa phương còn khẩn trương tổ chức nạo vét kênh mương, giếng, đào ao lấy nước và thực hiện tưới nước tiết kiệm. Nếu thời tiết khô hạn còn tiếp tục thì các huyện cần vận động người dân có giải pháp di dời đàn gia súc đến nơi thuận lợi về nguồn nước, thức ăn.
19 hồ thủy điện tham gia chống hạn
Vận hành phát điện kết hợp cấp nưới tưới cho hạ du theo điều độ của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia tại nhà máy thủy điện Đa Nhim. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn.
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong những tháng mùa khô năm nay, mặc dù lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp nhưng 19 hồ thủy điện trên cả nước vẫn điều tiết đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và nông nghiệp cho các địa phương.
Trong tháng 4, lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên hầu khắp cả nước đều giảm so với trung bình nhiều năm (TBNN). Cụ thể, đối với các hồ thuỷ điện ở miền Bắc lưu lượng nước về đều thấp hơn giá trị TBNN tần suất từ 64%-98%. Riêng hồ Sơn La lưu lượng về trung bình tháng đạt 421,3 m3/s, cao hơn giá trị TBNN (391 m3/s); các hồ ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lượng nước về thấp hơn giá trị TBNN, tần suất từ 81%-98%; các hồ thuỷ điện khu vực miền Nam và Trung Trung Bộ có lượng nước về xấp xỉ giá trị TBNN, tần suất từ 11%-68%.
Riêng hồ Đại Ninh lượng nước về rất ít, tần suất 98%. Trong khi đó, hồ Đại Ninh phải cung cấp nước cho huyện Bắc Bình có tổng diện tích tưới là 8.796 ha, trong đó bao gồm 8 xã; huyện Hàm Bắc tổng diện tích tưới là: 11.849 ha, bao gồm 15 xã và huyện Tuy Phong.
Theo tính toán của A0, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ ngày 1-5 là 5,13 tỷ kWh, cao hơn so với kế hoạch năm 1,1 tỷ kWh do nhánh sông Đà nước về ổn định. Đối với các hồ miền Nam, tổng lượng nước trong các hồ tương ứng với sản lượng điện là 937 triệu kWh, xấp xỉ so với kế hoạch năm (924 triệu kWh).
Trong tháng 5, các hồ nước về kém trong tháng 4 như hồ Đại Ninh, Nậm Chiến 1, Krong Hnang, Sông Ba Hạ lấy tần suất 90%, hồ Buôn Tua Srah lấy tần suất 75%. Các hồ còn lại có lưu lượng nước về tương đương và tốt hơn giá trị TBNN lấy ở tần suất 65%. Vì thế tổng sản lượng thủy điện theo nước về tháng 5 và 6 ước khoảng 107,6 triệu kWh/ngày.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, trong các tháng mùa khô, 19 hồ ở cả ba miền đều tham gia điều tiết để đảm bảo các nhu cầu nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt theo các quy trình điều tiết hồ chứa/liên hồ chứa và các yêu cầu của địa phương. Do đã chủ động điều tiết từ đầu năm, cho đến thời điểm hiện tại khả năng các hồ vẫn đáp ứng đủ theo yêu cầu.