Chuyển đổi số trong EVN

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong EVN - Bài 1: Bắt đầu từ thay đổi nhận thức

Thứ năm, 1/4/2021 | 09:31 GMT+7
Xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ đó, động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị cũng như trong cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn và của đất nước.
 
Với tinh thần chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, ngay từ năm 2017 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 (CT16) về tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ tư và Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10/11/2017 (QĐ4246) về ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Chỉ thị số CT16, Tập đoàn đã tiến hành ngay các công việc cần thiết để xây dựng Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. 
 
Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/ĐU ngày 22/9/2017 về phát triển KHCN của EVN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; ban hành Nghị quyết số 25-NQ/ĐU ngày 01/4/2019 về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
 
Tập đoàn cũng ban hành các Quyết định về thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác triển khai Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.
 
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 về việc “Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Đến nay, 21/21 cấp ủy trực thuộc đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, tạo sự lan tỏa về ý thức, hành động trong việc thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp, đơn vị.
 
Trên cơ sở các Nghị quyết về chuyển đổi số, Tập đoàn đã chủ động tổ chức các buổi hội thảo, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của chuyển đổi số như: tổ chức buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, ký cam kết với Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số.
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Là một Tập đoàn kinh tế nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, trong những năm qua EVN đã tích cực áp dụng cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, vận hành hệ thống điện và công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Việc triển khai thí điểm tích hợp các hệ thống quản lý kỹ thuật và kinh doanh trong kinh doanh, dịch vụ khách hàng bước đầu đạt hiệu quả, đã giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. 
 
Cụ thể năm 2020, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của Điện lực bình quân là 3,5 ngày, bằng 50% so với chỉ tiêu giao (7 ngày); thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố/thị xã/thị trấn là 2,5 ngày, khu vực nông thôn là 3 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 3 ngày. Tỷ lệ thu tiền điện đạt 99,7%. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt ước đạt 70%, vượt 10% so kế hoạch và tăng 15,36% so với năm 2019. Tất cả các Tổng công ty Điện lực đều hoàn thành vượt kế hoạch. 
 
Tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt kế hoạch giao và tăng 19% so với năm 2019. Năm 2020, EVN tiếp nhận gần 10 triệu yêu cầu cung cấp dịch vụ điện; trong đó tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH), Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công là 95%. Tính riêng việc tiếp nhận qua kênh Internet (Cổng Dịch vụ công quốc gia, website CSKH, App CSKH, Zalo…) thì số lượng yêu cầu tiếp nhận và giải quyết chiếm trên 10%. 
 
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Bí thư thường trực EVN cho biết, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị  và Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/ĐU của Đảng ủy Tập đoàn về chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn đã truyền thông đến các đơn vị, các tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội, đến cán bộ, đảng viên, người lao động về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn. Mặt khác, Tập đoàn chỉ đạo các bộ phận, các đơn vị triển khai các kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ; Tổ chức nghiên cứu, hội thảo, đánh giá về các kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi số; tổ chức các buổi làm việc với các chuyên gia về lĩnh vực chuyển đổi số; xây dựng chuyên mục chuyển đổi số, sổ tay chuyển đổi số… trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn để phổ biến mục tiêu chính về chuyển đổi số của Tập đoàn. 
 
Phó Bí thư thường trực EVN  cũng cho rằng, việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong Tập đoàn được xác định là việc thường xuyên và có tính cấp bách. EVN đặt mục tiêu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025; trong đó chuyển đổi số hoàn thành năm 2022. Chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành được số hóa, các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động, áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn.  
 
Đối với việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho kế hoạch chuyển đổi số, EVN đã rà soát, đánh giá hiện trạng, năng lực trình độ cán bộ, nhân viên toàn Tập đoàn, để từ đó có kế hoạch truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ, người lao động trong từng lĩnh vực cụ thể. 
 
Theo đó, đến nay, tổng số lao động toàn Tập đoàn là 97.500 người, có khoảng 2.500 CBCNV làm việc trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin (VT&CNTT); trong đó có hơn 1.500 kỹ sư và cử nhân CNTT. Hệ thống ngành dọc VT&CNTT được tổ chức chặt chẽ từ Tập đoàn đến đơn vị cấp 3, hiện trong Tập đoàn có 6 Công ty CNTT. 
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, EVN cũng thường xuyên triển khai các buổi hội thảo với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chuyển đổi số. Đối tượng tham dự các chương trình hội thảo là các lãnh đạo Tập đoàn, các lãnh đạo của các đơn vị thành viên, các đơn vị trực thuộc. Định kỳ, hàng năm tổ chức ít nhất 2 đợt đào tạo về công nghệ số theo từng nhóm các chuyên gia. Tổ chức các đợt đào tạo chuyên sâu về công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề liên quan; quản trị nội bộ; hạ tầng viễn thông, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ ứng dụng CNTT. 
 
Đối với người lao động, bên cạnh việc tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông của Tập đoàn về các thông tin khái quát chuyển đổi số của Tập đoàn, các định hướng, các chỉ tiêu chuyển đổi số của Tập đoàn cũng như đơn vị quản lý của người lao động, về lợi ích chuyển đổi số của Tập đoàn đối với người lao động, Tập đoàn và các đơn vị đã tổ chức các đợt đào tạo về các kỹ năng số cơ bản và một số kỹ năng chung như: kỹ năng khai thác thông tin trên không gian mạng; kỹ năng về bảo vệ dữ liệu trên môi trường không gian số,...
 
Đối với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp thuộc Tập đoàn, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị triển khai và xây dựng các chương trình về chuyển đổi số; tổ chức các khóa đào tạo về xu thế chuyển đổi số và các kiến thức chuyên môn liên quan đến công nghệ số.
 
Sau hơn 20 năm tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, EVN đã quy trình hóa và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý gồm 89 nghiệp vụ cốt lõi, 317 nghiệp vụ nhánh, 111 phân hệ và 643 chức năng chính của 15 phần mềm dùng chung. Như vậy với các giai đoạn của quá trình chuyển đổi số có thể coi EVN đã trải qua giai đoạn tin học hóa, là bước thứ 2 của quá trình chuyển đổi số.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của EVN, một số ứng dụng công nghệ thông tin còn phát triển trên các kiến trúc nguyên khối, chưa đồng nhất về kiến trúc hệ thống. Việc áp dụng các nền tảng hiện đại trong phát triển chưa nhiều. Mỗi một ứng dụng đang lựa chọn nhiều công nghệ khác nhau chưa được thống nhất. Khả năng tích hợp và liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng  còn hạn chế. Việc ứng dụng Mobile mới thực hiện ở một số lĩnh vực, chưa tổ chức thành hệ sinh thái, các đơn vị đang tự phát triển theo nhu cầu riêng; chưa áp công cụ hỗ trợ trong việc xây dựng quy trình theo mô hình Quản lý quy trình nghiệp vụ (BPM – Business Process Management); chưa có mô hình quản trị CSDL dùng chung cho toàn EVN. 
 
Các dữ liệu hiện tại được tổ chức và lưu trữ độc lập theo từng ứng dụng chưa có sự quy hoạch dữ liệu trong kiến trúc tổng thể của toàn Tập đoàn. Tập đoàn chưa xây dựng giải pháp tích hợp, nguyên tắc chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị.
 
Hiện EVN đã và đang tiến hành chuẩn hóa lại các quy trình nghiệp vụ hiện tại. Theo đó đã có các bộ quy trình quản lý đã thống nhất toàn ngành như: Qui trình kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng; Quy trình quản lý kỹ thuật; Quy trình quản lý nguồn nhân lực; Quy trình hạch toán kế toán; Quy trình Văn phòng điện tử; Quy trình Quản lý đầu tư xây dựng.
 
Bài 2: Tận dụng sức mạnh của công nghệ số
Hoàng Dũng