Chuyển đổi số trong EVN

Đoàn khảo sát của Đảng ủy Khối DNTW làm việc với EVN về chuyển đổi số

Thứ ba, 30/3/2021 | 20:05 GMT+7
Ngày 30/3, tại Hà Nội, ông Phạm Tấn Công – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW – Trưởng đoàn khảo sát của Đảng ủy Khối DNTW và đoàn công tác làm việc với Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về chuyển đổi số. 

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
 
Buổi làm việc diễn ra chiều ngày 30/3, tại Hà Nội nhằm mục đích khảo sát công tác chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong Khối DNTW để xây dựng Nghị quyết về chuyển đổi số của Đảng bộ Khối DNTW.
 
Về phía Đảng ủy EVN có ông Trần Đình Nhân – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn, ông Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn, lãnh đạo một số Ban chuyên môn của EVN và Công ty Viễn thông Điện lực và CNTT.
 
Tại buổi làm việc ông Phạm Tấn Công đánh giá cao những nỗ lực của EVN trong thời gian qua trong việc thực hiện chuyển đối số ở tất cả các lĩnh vực từ sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, Đảng ủy EVN là doanh nghiệp đầu tư trong Đảng bộ Khối DNTW ban hành Nghị quyết chuyển đổi số.
 
“Qua đó cho thấy Đảng ủy EVN đã nhận thưc sớm, quyết tâm cao và hành động mãnh mẽ trong chuyển đổi số. Với vai trò to lớn của mình đối với nền kinh tế xã hội của đất nước, nếu như EVN chuyển đổi số thành công sẽ đóng vai trò dẫn dắt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác của đất nước ta, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của đất nước nhanh hơn, mạnh hơn”, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DNTW Phạm Tấn Công cho biết. 
 
Ông Phạm Tấn Công cũng cho rằng EVN đã rất quan tâm đến nguồn lực và nguồn lực về cơ sở hạ tầng rất tốt để chuyển đổi số nhưng quan trọn hơn là tầm nhìn rõ ràng, quyết tâm chính trị cao của Ban lãnh đạo để các đơn vị trong toàn Tập đoàn cùng quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Những kết quả trong chuyển đổi số của EVN là rất đáng ghi nhận, truyền cảm hứng để các doanh nghiệp khác trong Khối DNTW có thể học hỏi và động lực để phấn đấu.
 

Ông Phạm Tấn Công – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW – Trưởng đoàn khảo sát của Đảng ủy Khối DNTW phát biểu chỉ đạo.
 
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức, Đảng ủy EVN đã bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về CMCN 4.0, chuyển đổi số; động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị cũng như trong cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn và của đất nước.
 
Tập đoàn đã ban hành các Quyết định về thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác triển khai Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” (Ban Chỉ đạo).
 
Mức chi tiêu cho công nghệ thông tin luôn được Tập đoàn quan tâm, chỉ đạo, thực hiện. Năm 2019 so với 2018, mức chi cho lĩnh vực công nghệ thông tin tăng 13%; về đào tạo cho CNTT tăng 300%; đầu tư hạ tầng CNTT tăng 4%; về an ninh bảo mật tăng 10,7%.
 
Trong năm những năm qua EVN đã tích cực áp dụng cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, vận hành hệ thống điện và công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Việc triển khai thí điểm tích hợp các hệ thống quản lý kỹ thuật và kinh doanh trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng bước đầu hạt hiệu quả, đã giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. 
 
Năm 2020, thời gian giải quyết các thủ tục cấp điện trung áp của Điện lực bình quân là 3,5 ngày, bằng 50% so với chỉ tiêu giao (7 ngày); thời gian cấp điện qua lưới điện hạ áp bình quân cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố/thị xã là 2,5 ngày, khu vực nông thôn là 3 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 3 ngày. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt ước đạt 70%, vượt 10% so kế hoạch. Tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 90% đạt kế hoạch giao (90%). EVN đặt mục tiêu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số hoàn thành năm 2022. 
 
Ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn tổng thể công tác chuyển đổi số của Tập đoàn vẫn còn những hạn chế về năng lực nghiên cứu công nghệ mới, về năng lực tiếp nhận, ứng dụng, khai thác công nghệ số. Nguyên nhân là do EVN là Tập đoàn kinh tế không phải là Tập đoàn Công nghệ thông tin, chưa có đơn vị chuyên trách về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Cơ chế chính sách cho việc thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình triển khai…
 
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết: EVN đưa ra mục tiêu xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số hoàn thành năm 2022. Chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành được số hóa, các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động, áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn. 
 
Để đạt được mục tiêu trên, Tập đoàn tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác chuyển đổi số; Sửa đổi, ban hành mới và thực hiện các quy trình, quy định phù hợp với chuyển đổi số. Đồng thời rà soát các quy định, quy trình trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn để xem xét sửa đổi phù hợp với xu thế chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của CMCN4.0; Nghiên cứu ban hành các quy định, quy trình và cơ chế để khuyến khích các đơn vị, cá nhân đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như khởi nghiệp sáng tạo. Mặt khác tập trung nguồn lực xác định nhiệm vụ và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực như: Lĩnh vực sản xuất điện, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực quản trị nội bộ…

Một số nhiệm vụ và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực của EVN trong thời gian tới:
 
- Lĩnh vực sản xuất: Có 26 nhiệm vụ trong đó 18 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ; 04 nhiệm vụ rà soát, hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ và 04 nhiệm vụ về công tác quản lý.
 
- Lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng: Có 20 nhiệm vụ, trong đó 08 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ; 04 nhiệm vụ rà soát, hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ và 08 nhiệm vụ về công tác quản lý;
 
- Lĩnh vực Đầu tư xây dựng: Có 14 nhiệm vụ, trong đó 10 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ; 04 nhiệm vụ rà soát, hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ;
 
- Lĩnh vực quản trị nội bộ: Rà soát lại toàn bộ Quy chế quản lý nội bộ và 08 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ;
 
- Lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa: Có 7 hạng mục công việc lớn.

Kim Thái