Sự kiện

Để ngành điện không “khát” vốn

Thứ sáu, 4/7/2014 | 14:30 GMT+7
Trong những năm qua, bên cạnh nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn vay nước ngoài để phát triển hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế, ngành điện đã nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ rất nhiều từ phía các ngân hàng.

Kéo cáp đưa điện ra đảo Cô Tô

Tuy nhiên, có một thực tế, nguồn vốn cho ngành điện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Và theo đánh giá của giới chuyên gia, để giải quyết vấn đề này thì phải có cơ chế cấp vốn đặc thù riêng cho ngành điện, đặc biệt là cơ chế bảo lãnh, cho vay vượt mức tín dụng theo quy định…

Nhiều rào cản

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Quyết định số 1208/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), ngành điện sẽ cần tới 123,8 tỉ USD để phát triển các dự án điện. Đây có thể xem là con số đầy thách thức đặt ra cho ngành điện, đặc biệt trong bối cảnh giá điện mặc dù đã được điều chỉnh tăng trong mấy năm gần đây nhưng vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Vậy nên khả năng tích lũy vốn cũng như sức hấp dẫn đầu tư của ngành điện là rất thấp.

Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng, ngoài EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - 3 doanh nghiệp (DN) chủ lực đầu tư cho ngành điện thì hầu hết các DN, đặc biệt là DN tư nhân đầu tư các dự án điện đều thiếu kinh nghiệm quản lý đầu tư, vận hành dự án. Chính vì vậy, việc tiếp cận vốn vay cũng hết sức khó khăn bởi các tổ chức tín dụng khá quan ngại về khả năng đầu tư đúng tiến độ và quản lý vận hành dự án của các nhà đầu tư này.

Ông Phạm Huy Thông - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) khi đề cập tới câu chuyện này đã chỉ ra rằng: Do ngành điện là ngành đặc thù, việc thẩm định các dự án điện tương đối phức tạp do các dự án phải tuân thủ quy hoạch ngành, có tính chất kỹ thuật, công nghệ cao và đặc biệt là quy mô vốn rất lớn. Trong khi đó, hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn về định mức tính toán đối với ngành điện còn rất hạn chế. Các ngân hàng thương mại hiện vẫn phải tham khảo một số văn bản do Bộ Công nghiệp ban hành từ năm 2007 (nay là Bộ Công Thương), nhiều thông tin đã tương đối lạc hậu, không cập nhật.
 
Phân tích cụ thể hơn, ông Thông cho hay, về nguyên tắc, khi cho vay, các ngân hàng cần có tài sản đảm bảo để đảm bảo cho dư nợ. Việc nhận tài sản đảm bảo là công trình, thiết bị ngành điện là các tài sản đặc thù, có tính chuyên môn hóa cao, không thể tách rời để xử lý. Trong trường hợp có thể tách rời thì hầu như không có giao dịch mua bán trên thị trường nên rất khó chuyển nhượng. Do vậy, việc nhận bảo đảm bằng các tài sản này về phía ngân hàng chỉ như một biện pháp bảo đảm bổ sung để ràng buộc thêm trách nhiệm của khách hàng đối với các tài sản có sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Cơ chế cấp vốn đặc thù cho ngành điện
 

Kéo cáp ngầm ra đảo Phú Quốc
 
Như đã đề cập ở trên, mặc dù các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cấp vốn cho các dự án điện, nhưng vì tính chất đặc thù riêng của ngành điện nên việc cấp vốn vẫn còn rất hạn chế. Và theo ông Dương Quang Thành - Phó tổng giám đốc EVN, để tạo điều kiện cho Tập đoàn có đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII, Chính phủ và các bộ, ngành cần kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, nhằm đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư, đồng thời sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nguồn điện. Cùng với đó, EVN đang rất cần được ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên. Để thuận tiện cho quá trình vay vốn tại các ngân hàng thương mại, theo EVN cần xem xét việc giới hạn tỷ lệ 15-25% vốn tự có…

Riêng với các ngân hàng thương mại trong nước, ông Thành cho hay, EVN rất mong muốn được tiếp tục phối hợp tạo điều kiện cho Tập đoàn vay vốn để đầu tư các dự án nguồn điện, trên cơ sở EVN sẽ đăng ký kế hoạch với ngân hàng về nhu cầu và tiến độ giải ngân cho từng dự án. Và đặc biệt, vì các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án lớn đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ phê duyệt, vì vậy các ngân hàng thương mại nên xem xét miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện khi cho vay. Cùng với đó là giảm bớt các trường hợp phải xin bảo lãnh của Chính phủ…

Cùng chia sẻ quan điểm trên, theo đại diện của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), để có thể huy động vốn đầu tư đối với các dự án điện cần có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Với Chính phủ, do tính chất phức tạp và quy mô đầu tư lớn của các dự án điện cấp bách, cấp quốc gia vượt quá khả năng thẩm định, đánh giá của các ngân hàng, vì vậy Chính phủ tiếp tục có những cơ chế đặc thù cho các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia thu xếp vốn và dự án như bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước, sử dụng trước nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cho phép các ngân hàng cho vay vượt các hạn chế trong hoạt động cấp tín dụng (tỷ lệ 15%, 25%)...

Đặc biệt, BIDV cho rằng, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là cần thiết, tạo sự minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Do đó, BIDV mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện điều chỉnh giá điện công khai, mỗi lần điều chỉnh phải có sự tham gia giám sát, phản biện độc lập. Triển khai thực hiện các dự án điện theo hình thức khác EPC (có thể E, P, C hoặc EP và C), trong đó các đơn vị tư vấn của Việt Nam cần phát triển năng lực thiết kế của mình để đảm nhiệm toàn bộ khâu thiết kế các công trình công nghiệp, dự án nhiệt điện quy mô lớn.

Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chủ đầu tư huy động các nguồn vốn đầu tư có lãi suất rẻ, thời gian vay vốn dài như vốn vay nước ngoài, ODA, phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình, kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các thành phần kinh tế, các DN khác… đặc biệt là đối với các dự án lớn, cấp bách và có tính chất phức tạp. Ngoài ra, Chính phủ phải có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các Tập đoàn, tổng công ty, vận động và chỉ đạo các thành phần kinh tế, các DN trong và ngoài nước có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng điều hành tham gia vào các dự án điện…

Với Ngân hàng Nhà nước, BIDV kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong nước về nguồn vốn qua việc cho vay tái cấp vốn với thời hạn dài, lãi suất hợp lý, đề xuất trình Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, điều kiện tín dụng, bảo đảm tiền vay… cho các dự án điện trọng điểm quốc gia khi vay vốn tín dụng thương mại và các ngân hàng thương mại trong nước đang cho vay các dự án…

Ngoài việc giải quyết cho các ngân hàng thương mại cho vay vượt 15%, 25% vốn tự có khi tham gia đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm, đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ giải quyết cho các ngân hàng thương mại được phép cho vay đối với các các đơn vị thành viên của EVN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường (tiêu chí cho vay vượt 25% đối với nhóm khách hàng có liên quan của Ngân hàng Nhà nước là phải cho các công trình/dự án trọng điểm, cấp quốc gia). Hỗ trợ cho các dự án điện có quy mô lớn về nguồn ngoại tệ, trong thanh toán và trả nợ vốn vay bằng ngoại tệ…
 
Theo: Petrotimes