Sự kiện

Công ty Điện lực Trà Vinh - 22 năm đồng hành cùng sự phát triển kinh tế xã hội địa phương

Thứ tư, 11/6/2014 | 15:54 GMT+7
Tháng 05/1992 Sở Điện lực Trà Vinh (nay là Công ty Điện lực Trà Vinh) được thành lập đi vào hoạt động, cùng với việc tái lập tỉnh Trà Vinh, lúc đó Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Nam) giao quản lý vận hành lưới điện phạm vi địa giới hành chính tỉnh Trà Vinh, trong điều kiện hết sức khó khăn. Trà Vinh có địa bàn rộng, có đông đồng bào Khmer, dân cư sinh sống rải rác, lưới điện và số trạm  biến áp còn rất ít, khách hàng dùng điện không nhiều. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh còn đến trên 90% ấp, xã và hơn 91,4% số hộ dân “trắng điện”.

Gắn điện kế cho các hộ dân khu vực xã Châu Điền, huyện Cầu Kè thuộc dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer Trà Vinh

Hệ thống lưới điện tỉnh Trà Vinh khi mới tách tỉnh, chỉ có 1 trạm biến áp 66 KV, với dung lượng 6 MVA, 191 km đường dây trung thế, 40,5 km đường dây hạ thế, 127 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 14,01 MVA, 5.970 khách hàng sử dụng điện; lưới điện hầu như tập trung ở thị xã, trung tâm các huyện, điện áp không đảm bảo; sản lượng điện thương phẩm còn thấp, bình quân không quá 20 kWh/ người/năm.

Làm thế nào để nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh thiếu điện luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và ngành điện, để giải quyết “bài toán” thiếu điện ở Trà Vinh. Từ những chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua các Nghị quyết và các giải pháp thiết thực, hợp lý đúng chủ trương, phù hợp với từng thời điểm của ngành điện. Lãnh đạo Công ty Điện lực Trà Vinh tập hợp, động viên CB.CNV trong toàn Công ty nỗ lực phấn đấu bằng nhiều biện pháp đẩy nhanh công tác phát triển số hộ dùng điện, đưa điện về nông thôn, đồng thời  tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc ứng vốn cùng ngành điện đầu tư mở rộng hệ thống lưới điện phân phối về các huyện xã vùng nông thôn, cấp điện phục vụ sản xuất và ánh sáng sinh hoạt của nhân dân.

Trong điều kiện khó khăn chung về vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của một tỉnh mới chia tách, nhưng với sự nỗ lực không ngừng và bằng sự "linh hoạt" trong đầu tư phát triển lưới điện, Lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (trước đây là Công ty Điện lực 2), đề ra nhiều giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển lưới điện cho tỉnh Trà Vinh như: Vốn khấu hao cơ bản của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, vốn đối ứng của UBND tỉnh, nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế như: Jibic, WB, AFD, ADB ... Nhiều năm qua lưới điện tỉnh Trà Vinh ngày càng được phát triển hoàn thiện hơn, đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong khu vực. Đường dây trung thế 2.290 km (tăng 2.099 km so với năm 1992 là 191 km); Đường dây hạ thế 3.285 km (tăng 3.244 km so với năm 1992 là 41 km); trạm biến áp 3.284 trạm (tăng 3.157 trạm so với năm 1992 là 127 trạm), dung lượng trạm biến áp 277.289 KVA (tăng 263.190,5 KVA so với năm 1992 là 14.098,5 KVA). Đặc biệt là trong 2 năm 2004-2005 kéo điện vượt sông Tiền để đưa điện lưới về 2 xã cuối cùng của tỉnh Trà Vinh: xã cù lao Hòa minh và Long Hòa (năm 2004); kéo điện vượt sông Hậu cấp điện cho 2 ấp cù lao Tân quy và Tân quy 1 xã An Phú Tân huyện Cầu Kè, kéo điện về cù lao Long Trị xã Long Đức thành phố Trà Vinh (năm 2005). Kết quả đưa điện về 100%, xã, phường thị trấn và nâng số hộ dùng điện toàn tỉnh hiện nay là 97,54% trong đó số hộ nông thôn là 96,44% so với năm 1992 khi mới tách tỉnh chỉ có 8,6% số hộ có điện sử dụng.

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống nguồn lưới điện, Lãnh đạo Công ty còn chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng sử dụng điện, sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng nhanh chóng và mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Nếu điện thương phẩm năm 1992 chỉ đạt 17,93 triệu kWh thì năm 2014 tăng lên 605 triệu kWh (gấp 33,74 lần), bình quân ở mức 16%/năm, cá biệt có năm tăng đến gần 25%; đảm bảo đủ điện cho sản xuất và nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân tỉnh nhà. Việc cung ứng điện năng đầy đủ, chất lượng, an toàn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo đúng định hướng của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh đề ra.
 

Trụ sở Công ty Điện lực Trà Vinh; 02 Hùng vương phường 4, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai các công trình trọng điểm: Trung tâm Điện lực Duyên Hải; Đường dây 500 kV Duyên Hải-Trà Vinh-Mỹ Tho; Đường dây 220 KV Duyên Hải-Trà Vinh; đường dây 110kV trạm 220kV Trà Vinh-Cầu Kè; công trình đường dây 110kV Bình Minh- Cầu Kè và trạm 110kV Cầu Kè; đặc biệt là dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2 và giai đoạn 2 bổ sung hoàn thành trong năm 2014, sẽ có thêm 16.489 hộ dân có điện sử dụng, đưa tỉ lệ số hộ dùng điện toàn tỉnh đạt trên 98%.

Qua hơn 22 năm xây dựng và phát triển Công ty Điện lực Trà Vinh, đến nay hệ thống lưới điện quốc gia phủ kín 100% xã, phường, thị trấn và các ấp, xã  cù lao xa xôi nhất của tỉnh Trà Vinh. Nhiều năm qua ngành điện đã đầu tư nâng cấp lưới điện và xây dựng mới với giá trị kinh phí hàng trăm tỷ đồng, góp phần cung cấp nguồn điện ổn định, cùng với tỉnh nhà vượt qua khó khăn ban đầu để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Công cuộc đưa điện về nông thôn đã tạo tiền đề, đồng hành cùng tỉnh Trà Vinh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu công trồng vật nuôi, xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần tăng năng suất cây trồng và các sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn. Cùng với sự phát triển giao thông, điện và các các dự án khác sẽ thúc đẩy thực hiện quy hoạch dân cư ở nông thôn vùng sâu, vùng xa. Điện về nông thôn là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu được trong quá trình xây dựng tỉnh Trà Vinh phát triển theo hướng bền vững./.
 
 
Đặng Huy Hoàng