CôngThương - Bà Nguyệt cho biết, việc chế tạo MBA 500kV không còn xa lạ với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Pháp, Ðức, Mỹ, Thụy Điển, Nga.... Tuy nhiên, ở khu vực Ðông Nam Á thì chưa nước nào chế tạo được MBA 500 kV. Thậm chí, ngay ở các nước tiên tiến, việc nghiên cứu thiết kế chế tạo MBA 500kV cũng không đơn giản. Điển hình là MBA 500 kV nhập từ Trung Quốc đặt tại trạm biến áp (TBA) 500 kV Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang mới hoạt động từ đầu năm 2012, đến tháng 5 vừa qua đã bị hỏng.
Trong khi đó, MBA 500kV “made in Việt Nam” do EEMC sản xuất hoạt động ổn định. Điều đó cho thấy công nghệ chế tạo MBA 500kV của EEMC đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bà Nguyệt cho biết, để chế tạo MBA 500kV, quan trọng nhất là phải nghiên cứu thiết kế phù hợp với trình độ công nghệ của EEMC, lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết những vấn đề về kết cấu như: phù hợp với những điều kiện nhà xưởng, vận chuyển trên đường đi, tính kinh tế, tính công nghệ, tính thực thi của đề tài. Kết cấu này hoàn toàn mới, từ trước đến nay chưa có trong sách vở.
Năm 2012, MBA 500 kV đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm trọng điểm quốc gia. Năm 2007, công trình sửa chữa các máy nguồn MBA 216 MVA-500/15,75 kV của Nhà máy Thủy điện IALY của bà Nguyệt đã đoạt giải Nhì Sáng tạo khoa học VIFOTEC. Bản thân bà cũng đã 2 lần được trao giải thưởng WIPO cho nhà khoa học nữ xuất sắc nhất. Hiện EEMC đang đề nghị Hiệp hội Liên hiệp phụ nữ trao tặng giải thưởng Covalepskaia cho bà Nguyệt. |
Cũng theo bà Nguyệt, MBA tự ngẫu 1 pha 500/225/35 kV có kết cấu đặc biệt (bố trí mạch từ lệch), việc tính toán không giống hoàn toàn như MBA tự ngẫu 110, 220 kV thông thường. Vì vậy, bà phải tính toán thiết kế một MBA “mô hình” để thí nghiệm. Đồng thời, giải quyết vấn đề hết sức phúc tạp là điện trường trong MBA tự ngẫu truyền tải 500 kV với điện áp thử xung sét 1.550 kV. Vì vậy, việc thiết kế bố trí các vành chắn phải trên cơ sở nghiên cứu tính toán khả năng dự phòng độ bền xung sét của các vùng trọng yếu trong MBA. Đặc biệt, mỗi pha MBA nặng tới 218 tấn nên khi thiết kế phải tính đến việc tháo rời các cụm phụ kiện khi vận chuyển, cũng như phải có quy trình lắp đặt khoa học. Bà phải chắt lọc các ý kiến của chuyên gia, đọc rất nhiều tài liệu tham thảo để phân tích xây dựng những kết cấu hợp lý về khả năng chịu điện trường trong MBA 500 kV.
Hiện nay, MBA 500 kV đầu tiên do EEMC chế tạo đang được lắp đặt và vận hành tại trạm 500 kV Nho Quan (Ninh Bình) từ cuối năm 2011, đến nay máy vẫn chạy rất tốt. Máy có kết cấu gọn, đẹp về hình thức, các tính năng kỹ thuật tiên tiến đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cuối tháng 5 vừa qua, MBA 500/225/35 kV thứ 2 do bà Nguyệt thiết kế đã được đóng điện thành công tại TBA 500 kV Vũng Áng (Hà Tĩnh). Hiện EEMC đang làm thủ tục đăng ký bản quyền cho MBA 500 kV. Điều này đang mở ra thị trường cho các MBA 500 kV “made in Việt Nam” trong thời gian tới.
Theo ông Trần Văn Quang – Tổng giám đốc EEMC, kỹ sư Nguyễn thị Nguyệt là người ham học hỏi, đam mê khoa học kỹ thuật. Những đóng góp của bà gắn liền với sự phát triển của ngành cơ khí điện lực Việt Nam, làm tăng uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 4- 5 MBA 500 kV với giá 150 tỷ đồng, khi EEMC chế tạo giá thành gần 120 tỷ, làm lợi cho nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, giảm nhập siêu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn người lao động.