Đoàn viên thanh niên TCT Điện lực TPHCM tuyên truyền cho người dân cách sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: EVN
Từ Gia đình…
Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện chủ trương TKĐ của Chính phủ. Đặc biệt trong 3 năm gần đây, sản lượng điện tiết kiệm của thành phố này thường chiếm từ 2,3-3% trên sản lượng điện thương phẩm, bằng gần sản lượng của một tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Riêng năm 2013, nhờ tiếp tục đẩy mạnh phong trào TKĐ, thành phố đã tiết kiệm cho xã hội chi phí mua điện 893,5 tỷ đồng, giảm được 324.551 tấn CO2 phát thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và giảm áp lực đầu tư nguồn điện. “Không những thế, các doanh nghiệp còn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do điều chỉnh giờ sản xuất vào giờ thấp điểm, từ đó, giảm được chi phí trên một đơn vị sản phẩm”, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty (TCT) Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) Phạm Quốc Bảo cho biết.
Theo ông Bảo, ngoài việc duy trì triển khai có hiệu quả hơn các chương trình TKĐ từ các năm trước như Khu phố kiểu mẫu có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm; Cùng bạn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; Thi đua Gia đình TKĐ…, năm 2014, TCT còn mở rộng thêm 3 chương trình mới. Đó là phối hợp với Truyền hình Thanh niên thành phố sản xuất chương trình truyền hình thực tế Thắp sáng niềm tin phát định kỳ trên HTV nhằm tuyên truyền TKĐ trong thế hệ trẻ; Thí điểm triển khai chương trình vệ sinh máy lạnh miễn phí cho các cơ quan hành chính sự nghiệp; Triển khai mô hình ESCO về thay bóng đèn LED, máy lạnh hiệu suất cao, TKĐ cho một số cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn TP HCM. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM và Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (HEPZA) triển khai thí điểm mô hình ESCO cho một số nhà máy trong khu chế xuất, khu công nghiệp và một số doanh nghiệp dịch vụ.
Đánh giá về chương trình thi đua Gia đình TKĐ, một trong những chương trình được đánh giá là có hiệu quả nhất, bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch thường trực BCH Hội Phụ nữ TP HCM cho biết trong các buổi sinh hoạt định kỳ chi, tổ Hội, lực lượng tuyên truyền viên đã lồng ghép tuyên truyền nội dung tiết kiệm và hướng dẫn chi tiết cho từng hộ gia đình sử dụng các thiết bị điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm, các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, các thiết bị có dán nhãn “Tiết kiệm năng lượng”, tăng cường sử dụng ánh sáng, thông gió tự nhiên… nhằm giảm điện năng tiêu thụ trong gia đình.
“Một số các mô hình TKĐ hiệu quả như Đồng hành cùng gia đình phụ nữ nghèo thực hành TKĐ; Mỗi tuần một giờ tiết kiệm; TKĐ 30 phút vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần; TKĐ chiếu sáng dân lập… tại các quận huyện ngày càng có tính khích lệ và nhân rộng thêm nhiều yếu tố tích cực thực hiện”, bà Thủy nhận xét.
Các cơ sở đoàn cũng chủ động phối hợp với Công ty điện lực trên địa bàn, Hội Phụ nữ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu Chiến binh tại các địa phương xuống tận các phường xã, khu phố và tổ dân phố, đưa nội dung TKĐ vào trong chương trình sinh hoạt, góp phần đẩy mạnh sâu rộng và hiệu quả công tác tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn.
Từ thực tế triển khai tại thành phố mang tên Bác cho thấy để đạt hiệu quả cao trong công tác TKĐ, việc tổ chức các hội thi cho tuyên truyền viên là một hình thức tuyên truyền hiệu quả, qua đó nâng cao khả năng sáng tạo của các tuyên truyền viên trong tuyên truyền, vận động TKĐ. Bên cạnh đó, việc thường xuyên đổi mới phương pháp tuyên truyền TKĐ đến từng nhóm khách hàng sử dụng điện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã góp phần hình thành ý thức TKĐ trong nhân dân. Đặc biệt, cần xem nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn về TKĐ là một trong những dịch vụ giá trị gia tăng mà ngành điện cung cấp cho khách hàng, là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng đối với ngành.
… đến Ấp/Khu văn hóa TKĐ
Trong 21 tỉnh, thành phố phía Nam, Tây Ninh cũng là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả công tác TKĐ với chỉ tiêu đăng ký tiết kiệm 2,1% sản lượng điện thương phẩm trong năm nay. Trong đó, Chương trình Ấp/Khu văn hóa TKĐ được đánh giá đang được thực hiện có hiệu quả ở địa phương này.
Ông Phạm Hoàng Khương, Trưởng Phòng Kiểm tra, giám sát mua bán điện, Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết ngay từ năm 2013, tại tất cả 9 huyện thị ở Tây Ninh, Công ty đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh làm việc với các huyện thị, địa phương mời lãnh đạo các Khu, Ấp văn hóa làm lễ phát động chương trình Ấp/Khu văn hóa TKĐ. Công ty cũng phối hợp với chính quyền địa phương, khu phố phát mẫu đăng ký đến tận hộ dân; đồng thời ký giao ước phối hợp giữa Công ty với các ban ngành đoàn thể TKĐ trong giai đoạn 2013-2015 cũng như phối hợp với Đài Truyền thanh địa phương thường xuyên phát thanh tuyên truyền về TKĐ.
Khu phố 1, Thị trấn Hòa Thành có 742 hộ, chủ yếu sống bằng kinh doanh dịch vụ, một số ít làm nông nghiệp được bầu chọn làm khu phố thí điểm thực hiện chương trình. Theo anh Nguyễn Văn Hồng, Trưởng Khu phố, ngay từ khi Điện lực Hòa Thành tổ chức cho nhân dân học tập kỹ năng TKĐ, phát tờ rơi TKĐ đến tận tay nhân dân, bà con rất đồng tình với chương trình này. Qua đó, sản lượng điện sử dụng hàng tháng trong nhân dân giảm từ 5-10%.
Trên thực tế, chương trình đã được triển khai đến từng tổ tự quản, tuyên truyền cho bà con sử dụng bóng đèn TKĐ, các thiết bị sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, hưởng ứng chương trình, từng hộ dân gửi Bản đăng ký thực hiện TKĐ tại hộ gia đình; trong đó, cam kết giảm sản lượng điện tiêu thụ của gia đình so với các tháng cùng kỳ của năm trước từ 6% trở lên. Đồng thời có trách nhiệm tham gia tuyên truyền cho mọi người trong Ấp cùng thực hiện.
Với 34 tổ tự quản, năm nay, Khu phố 1 tiếp tục phối hợp với các đoàn thể trên địa bàn như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, lồng ghép nội dung TKĐ trong các buổi sinh hoạt. “Với giá điện hiện tại, tôi tin rằng từng hộ dân đều có ý thức TKĐ”, anh Hồng bày tỏ.
Trong vai trò của Chi bộ, bác Thái Văn Anh, Bí thư Chi bộ khu phố 1 cho biết, đặc thù của khu phố là có 95% hộ theo đạo Cao Đài. Do vậy, ở các đội tự quản đều có các chi hội, đoàn thể và những đứng đầu của Hội Cao Đài. Trong các cuộc họp, Chi bộ cũng đều phân công 29 đảng viên tham gia sinh hoạt và vận động nhân dân thực hiện TKĐ.
Trên thực tế, với 9 huyện trên địa bàn, Công ty Điện lực Tây Ninh đã chọn mỗi huyện một đơn vị làm điểm, sau đó mới rút kinh nghiệm và nhân rộng; đồng thời gửi thư ngỏ tới các tổ chức tôn giáo trên địa bàn về sử dụng điện tiết kiệm. Trong quý 1 này, Công ty sẽ tổng kết và phát động phong trào TKĐ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với Điện lực huyện Hòa Thành, đơn vị trực tiếp bán điện cho thị trấn và được Công ty Điện lực Tây Ninh chọn làm điểm chương trình này, ông Đỗ Việt Cường, Trưởng phòng Kinh doanh cho biết huyện cũng chọn 3 địa bàn làm điểm là hai ấp của xã Trường Đông và xã Trường Hòa. Là địa bàn ít khu công nghiệp nên sản lượng điện thương phẩm dành cho sinh hoạt chiếm từ 60-70%. Hàng tháng, Điện lực còn báo cáo sản lượng điện tiết kiệm của từng đơn vị đoàn thể gửi cho UBND thị trấn. Với mức bình quân hộ dân thị trấn sử dụng từ 400-500kWh/tháng, mỗi tháng một hộ gia đình cũng tiết kiệm được từ 5-10% sản lượng điện trong tháng.
Cùng với nhiều giải pháp TKĐ phù hợp với từng đối tượng khách hàng sử dụng điện ở Tây Ninh và mở rộng các mô hình TKĐ trong cộng đồng, ông Khương cho rằng chắc chắn địa phương này sẽ hoàn thành kế hoạch tiết kiệm 34,9 triệu kWh do TCT Điện lực miền Nam giao./.