|
Trần Công Đàm- Trưởng khu vực nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn |
Đó là chàng thanh niên 33 tuổi, dáng cao, gầy, chững chạc trong đôi mắt kiếng trắng. Có ai biết rằng, để đến được với Giải thưởng hôm nay, tuổi trẻ Trần Công Đàm đã phải đánh đổi bằng những năm tháng nhọc nhằn gian khổ trong học tập và công tác.
Từ một kỹ sư tập sự trưởng ca nhà máy, 5 năm sau Trần Công Đàm đã phấn đấu nắm bắt quy trình kỹ thuật vận hành trở thành cán bộ kỹ thuật rồi Phó trưởng khu vực Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn. Đầu năm 2011, anh lại được đề bạt là Trưởng khu vực nhà máy kiêm Bí thư đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh.
Khi được hỏi, nhân tố nào để Nhà máy vận hành ổn định, an toàn suốt gần 20 năm qua? Trần Công Đàm cho biết: Để có được ổn định, an toàn quý báu đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ và những lính thợ “thiện chiến” ở đây phải ngày đêm vắt óc, tìm tòi các giải pháp tối ưu nhất để cải tiến, thay thế thiết bị hư cũ, lỗi thời. Áp dụng công nghệ tin học, viết những phần mềm vận hành tiên tiến nhất. Đoàn thanh niên Nhà máy được Lãnh đạo Công ty tin tưởng giao “chiếc chìa khóa vạn năng” này. Thế là phong trào sáng kiến, sáng tạo của tuổi trẻ Công ty nói chung và đoàn thanh niên Nhà máy nói riêng được khơi dậy mạnh mẽ, sung sức và hiệu quả.
Từ năm 2007 - 2008 công trình Thanh niên đầu tiên do Trần Công Đàm làm chủ nhiệm đã đột kích thành công bằng công trình “Thiết kế, lắp đặt hệ điều khiển hệ thống thông gió trong điều kiện không thể mua sắm vật tư tương thích để bảo đảm việc vận hành của hệ thống”.
Từ việc đánh giá, công nhận và động viên của Hội đồng KHKT Công ty, Trần Công Đàm đã cùng cán bộ kỹ thuật nghiên cứu đề xuất liên tục các sáng kiến mới: “Thiết kế lắp đặt hệ thống tự động chuyển nấc phân áp máy biến thế chính để ổn định điện áp tự dùng Nhà máy khi nhận điện lưới”.
Tôi thắc mắc: “Thế giá trị làm lợi của sáng kiến này là bao nhiêu mà hội đồng KHKT đánh giá xuất sắc? Trần Công Đàm đã minh họa cho tôi bằng cả hệ thống sơ đồ nhận điện lưới để giảm tỷ lệ điện tự dùng trong nhà máy xuống định mức lý tưởng. Hiệu quả là vô giá! Bởi lợi nhuận tiết kiệm được từ điện tự dùng tỷ lệ thuận với thời gian vận hành và hệ thống chuyển nấc phân áp tự động tốt lại tỷ lệ nghịch với suất sự cố lưới điện tại nhà máy.
Trần Công Đàm tâm sự: Cái “chất đặc trưng” của tuổi trẻ chúng em là không tự mãn, dừng lại. Việc nghiên cứu, đề xuất sáng kiến, cải tiến từ hiện trạng kỹ thuật của nhà máy để duy trì sự ổn định, liên tục và an toàn luôn là món nợ thôi thúc chúng em. Và lại một công trình khác được đánh giá đặc biệt xuất sắc trong năm 2009 - 2010 khi đưa vào ứng dụng. Đó là công trình: “Thiết kế, lắp đặt tủ điều khiển tổ máy Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn”. Có hoạt động trong ngành thủy điện mới biết việc vận hành hơn 7.000 giờ/năm của Nhà máy là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, góp phần giải quyết vùng lõm điện quốc gia tại miền Trung. Nhưng hệ thống điều khiển tổ nhà máy chỉ duy nhất có 1- đặt dưới tầng vận hành. Mô hình “Tủ điều khiển nhà máy” ra đời với những tính năng kỹ thuật đồng dạng, hệ thống vi tính hiện đại đã giải quyết được vấn đề đào tạo cán bộ kỹ thuật, thực tập cho công nhân vận hành hàng quý, hàng năm, giải quyết thực hành, thao tác thực tế cho các đoàn tham quan học tập... mà không ảnh hưởng đến tủ điều khiển chính đang làm nhiệm vụ cho mục tiêu “hơn 7.000 giờ/năm” của nhà máy.
Chính công trình này đã đưa Trần Công Đàm đến với giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ III tổ chức tại Cần Thơ - năm 2012.
Như một con ong thợ, Trần Công Đàm cần mẫn với công tác kỹ thuật, luôn tìm tòi sáng tạo và nét đáng quý ở anh là đã đưa phong trào sáng tạo của tuổi trẻ Nhà máy lên thành cao trào. Hàng loạt các giải pháp sáng tạo giải quyết được những khó khăn đột xuất của nhà máy đã được tuổi trẻ nhà máy để xuất thực hiện thành công như: “Lắp đặt bộ điều khiển quạt mát máy biến áp trong điều kiện bộ điều khiển cũ có dải điều khiển không phù hợp”; “Cài đặt bộ điều khiển cửa nhận nước để thay thế thiết bị đã cũ”; Lắp đặt và cài đặt bộ đếm thời gian phát hiện máy nén khí hư hỏng bên trong do làm việc quá thời hạn cho phép” hay sáng kiến “Cài đặt bộ giám sát nhiệt độ buồng Thyristor – hệ thống kích từ”.
Những bài toán khó và đặc thù như thế, nếu để thị trường, hoặc mời chuyên gia nước ngoài “giải” phải tốn hàng tỷ đồng. Nhiều cán bộ, đoàn viên Nhà máy trưởng thành trong chính cái nôi kỹ thuật, môi trường sáng tạo ấy. Trần Văn Có - Bí thư Thanh niên Chi đoàn Nhà máy cũng được nhận giải “Sáng tạo trẻ” tại thành phố Huế - năm 2012.
Hiện nay, người đảng viên trẻ Trần Công Đàm đã hoàn thành xong chương trình cao học về điện hệ thống. Anh tiếp tục cùng đồng đội say mê trong nghiên cứu học tập, sáng tạo và tạo điều kiện, hợp tác cùng đồng nghiệp xây dựng những mùa sáng kiến nở rộ tại Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Trần Công Đàm tâm sự: “Tuổi trẻ Đoàn thanh niên Công ty hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thiết thực và hiệu quả từ phong trào sáng kiến sáng tạo này”. Không chỉ được mệnh danh là “thủ lĩnh phong trào sáng kiến” ở Công ty, mà Trần Công Đàm còn được bầu là Phó chủ nhiệm “Câu lạc bộ thợ trẻ giỏi toàn quốc”.