Hầu hết lưới điện ở Nam Trà My đều băng qua núi cao, vực sâu
Những chiến sĩ thầm lặng
Điện lực Trà My đã thành lập Tổ quản lý điện Nam Trà My, gồm 6 công nhân, thực hiện chức năng của một tổ hỗn hợp kinh doanh điện tại 2 huyện Nam, Bắc Trà My. Tuy mới ra đời, lại hoạt động trên địa bàn miền núi địa hình phức tạp, đa số khách hàng là người dân tộc thiểu số, đời sống hết sức khó khăn, nhưng đơn vị đã sớm vững vàng làm tốt nhiệm vụ, được chính quyền và nhân dân địa phương tin yêu.
Tổ trưởng Đào Phước Tiệp tâm sự: "Tổ quản lý hơn 22 km đường dây và 1 trạm biến áp 35kV, 120 km lưới trung, hạ áp. Hầu hết lưới điện đều băng qua đồi núi nên đi trên đường cứ thấy trụ và dây nhấp nhô như sóng lượn. Đứng dưới nhìn thấy trụ, nhưng để lên tới chân trụ thì không đơn giản chút nào. Hiện tại, chúng tôi chịu trách nhiệm cung ứng điện cho khoảng 1265 hộ dân trên địa bàn 8 xã được giao quản lý".
Vì là tổ hỗn hợp nên mỗi công nhân vừa quản lý đường dây vừa làm công tác kinh doanh điện. Trong công tác kinh doanh có đại lý điện thực hiện, nhưng tổ cũng phải ghi chỉ số thu tiền điện tại xã Trà Mai, kiểm tra sử dụng điện và tổn thất toàn huyện…Bởi vậy, mỗi lần lên đường công tác là mỗi lần anh em phải tính toán kết hợp làm nhiều việc, vì một lần đi là một lần khó. Ngoài ra, khách hàng đa số là dân tộc thiểu số nên anh em cũng phải nắm được phong tục, tập quán của đồng bào để giao tiếp.
Khắc phục khó khăn giữ điện cho đồng bào
So với mức bình quân toàn Công ty, mỗi công nhân của tổ “gánh” hơn 15km đường dây 22 kV (mức bình quân 3,5 km), 5 km đường dây 0,4 kV (trung bình 4 km) và 4,2 km đường dây 35 kV (trung bình 1 km). Lưới điện chạy trên đồi núi nên muốn vệ sinh lưới, phát quang tuyến phải dọn đường trèo lên, nếu sơ suất một chút thì rất dễ rơi xuống vực. Lau chùi một quả sứ, siết một đinh ốc ở dưới xuôi chỉ vài chục phút, nhưng ở đây phải mất một buổi!
Anh Dương Hiển Tiến, vừa ăn vừa chỉ lên trụ điện cho biết, lưới điện ở đây có nguy cơ bị giông sét, sạt lở và nhất là bị cây rừng, dây leo uy hiếp. “Đơn vị phối hợp với địa phương giải quyết tốt hành lang lưới điện ở các khu dân cư, nhưng với những đường dây băng rừng như thế này thì vất vả lắm. Đôi lúc phát hiện cây rừng có khả năng gây hại lưới điện, chúng tôi báo cáo nhưng phải lâu lắm mới chặt được cây vì phải chờ ý kiến của địa phương" - anh Tiến thổ lộ.
Hiện có 47,8% số hộ dân Nam Trà My sử dụng điện. Ánh điện đã “len lỏi” đến các thôn, nóc từng bước thay đổi tập quán canh tác, sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, do nhiều thôn, nóc ở quá xa điểm đấu nối, suất đầu tư lớn nên vẫn còn hơn một nữa số hộ dân "trắng điện”.
Theo ông Hà Nguyên Đoạt, Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch Công đoàn Điện lực Trà My, ở đây công tác ghi chữ số, thu tiền điện cũng rất gian nan do dân cư thưa thớt, nóc này cách nóc kia cả một quả đồi, nhà này cách nhà kia khá xa. Đã thế, người dân dùng điện rất ít, đa số được hưởng giá điện hỗ trợ vì dùng dưới 50 kWh. Tại các xã như Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang còn có trên 100 đồng hồ điện bị “bỏ không” do người dân suốt ngày đi rẫy, tối ngủ ngoài rẫy. Phần lớn các hộ thường không chủ động đến địa điểm hẹn trước để trả tiền điện nên công nhân phải đến từng nhà. Đến nơi không gặp chủ nhà thì phải đợi hoặc quay lại lần sau. Chi phí và công sức đi lại lớn hơn tiền điện rất nhiều!.
Rất khó nói hết những nổi gian truân của công nhân điện vùng cao, nhưng công sức của tổ đã được lãnh đạo Công ty và Điện lực Trà My ghi nhận. Niềm tin và sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo địa phương và bà con các dân tộc cũng là niềm cổ cũ, động viên rất lớn đối với anh em.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung