Sự kiện

Tách bạch chi phí, minh bạch giá điện

Thứ sáu, 22/6/2012 | 10:00 GMT+7
Ngày 20/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực. Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là cần phải rõ ràng, tách bạch các loại chi phí hình thành giá điện.
 


Minh bạch giá điện bằng cách cụ thể hóa các loại chi phí đầu vào là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm

Theo thảo  luận ở lần cho ý kiến về dự thảo luật này, đa số các đại biểu đồng ý với việc giá điện cần được vận hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, bởi để giá điện bán theo kiểu bao cấp như hiện nay gây nhiều bất lợi cho nền kinh tế, bất lợi vì phải bù chéo cho các ngành khác, khó thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần làm rõ giá điện điện bao gồm các loại phí nào, dựa trên tiêu chí nào, cơ quan nào thẩm định, thẩm tra để đưa ra mức phí, giá điện một cách thuyết phục. Bên cạnh đó là nghiên cứu tách chức năng kinh doanh với hoạt động công ích đang thực hiện hiện nay, chống bao cấp giá để bù chéo các hoạt động kinh doanh.

Đại biểu  Võ Thị Hồng Thoại (Tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ, giá điện cao vì được tạo thành bởi nhiều loại giá, phí trung gian, trong khi đó, một bất hợp lý nữa là Nhà nước lại phải bù lỗ, thậm chí bù chéo cho các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt khác.

Một yêu cầu khác cũng được nhiều đại biểu đề cập là cần công khai, minh bạch các loại chi phí tạo thành giá điện để từ đó người tiêu dùng có thể giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch giữa người mua – người bán điện.

Theo Đại biểu (ĐB) Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), ban soạn thảo cần nghiên cứu tách chức năng kinh doanh với hoạt động công ích, chống bao cấp giá để bù chéo các hoạt động kinh doanh. Những hoạt động liên quan đến chính sách xã hội, hỗ trợ nhà nước nên trực tiếp điều tiết, không tính quá nhiều chi phí vào giá điện.

Chia sẻ ý kiến này, ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, mỗi lần đề xuất tăng giá điện đều gặp phản ứng mạnh từ dư luận do chưa thể hiện rõ các loại chi phí trên giá điện. Bên cạnh đó, giá điện cũng đang phải bù chéo cho một số ngành sản xuất cũng như bán giá thấp để hỗ trợ các đối tượng nghèo, cận nghèo. Do vậy, ngành điện cần hạch toán đúng chi phí và có cơ chế để khách hàng dễ nhận biết, giám sát.

Hiện đang có mâu thuẫn là muốn có thị trường điện cạnh tranh nhưng khi tính đúng, tính đủ lại gây nên các phản ứng xã hội. Do vậy, theo ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn), dự luật nên để ngân sách hỗ trực tiếp và tránh bù chéo cho các hộ kinh doanh khác để doanh nghiệp hạch toán đúng, đủ chi phí trong giá thành sản xuất.

Không đồng ý với một số đề xuất của ban soạn thảo về quy định quá nhiều loại giá, phí vào giá thành điện, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) đề nghị không nên quy định mức phí điều hành vì không biết người tiêu dùng sẽ phải đóng và nộp mức phí này cho cơ quan nào. Còn phí điều tiết điện lực cũng không cần thiết bởi Cục Điều tiết điện lực là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, do vậy không cần quy định mức phí trên bởi có thể tạo thành sự bất bình đẳng với các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Cũng liên quan đến giá điện, theo ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), để giá điện minh bạch, công khai, phản ánh đúng thị trường thì giá than bán cho điện cần theo thị trường, không thực hiện việc hỗ trợ mang tính công ích vào giá điện và có cơ chế để nhân dân giám sát. Còn ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) góp ý, để giá điện theo thị trường là cần thiết để tính đủ các chi phí đầu vào. Tuy nhiên, do điện là loại hàng hóa đặc biệt và cả xã hội đều cần, nên việc hạch toán, xây dựng giá thành điện phải hết sức minh bạch và phải có báo cáo kiểm toán hàng năm.

Nhà nước định khung giá bán điện

Điểm đáng chú ý trong Luật Giá được Quốc hội thông qua chiều 20/6 là việc nhà nước sẽ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thay vì kiến nghị trước đó định giá cụ thể đối với điện bán lẻ. Theo đó, Khung giá bán lẻ điện bình quân là khoảng cách giữa mức giá tối thiểu và mức giá tối đa của giá bán lẻ điện bình quân.

Lý giải về điều này trước khi Quốc hội thông qua, UBTVQH cho rằng, quy định này dựa trên nguyên tắc: khâu nào thuộc độc quyền nhà nước thì khâu đó do nhà nước định giá; việc định giá phải phù hợp với cơ chế thị trường; phải bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và ổn định sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, với việc quy định khung giá đối với giá bán lẻ bình quân, một mặt nhà nước vẫn kiểm soát được giá bán lẻ điện thông qua quyết định khung giá bán lẻ và quyết định mức giá cụ thể đối với truyền tải, phân phối mà không để doanh nghiệp tự định giá hoàn toàn; mặt khác quy định này cũng thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về phát triển thị trường điện, thu hút các thành phần kinh tế trong những lĩnh vực có cạnh tranh như: phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, bảo đảm có giá điện tốt nhất đến với người tiêu dùng.
 
Theo: Sài Gòn Giải phóng