Tin mới nhất

Đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp cho gần 10 triệu hộ dân nông thôn

Thứ năm, 9/4/2009 | 14:38 GMT+7
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Đánh giá kết quả tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 8/4 cho biết: Kể từ tháng 6/2008 đến nay, 7 Công ty Điện lực thuộc EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT)  tại gần 800 xã, bán điện trực tiếp cho hơn 1 triệu hộ dân nông thôn, đưa tổng số hộ dân mua điện trực tiếp của EVN từ trước đến nay lên gần 10 triệu hộ.
Ngày 6/10/2008, tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội ( 1 trong 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, Hoà Bình được sáp nhập vào Hà Nội từ 1/8/2008) Công ty Điện lực Hà Nội tổ chức đóng điện, cấp và bán điện trực tiếp cho 137 hộ dân thuộc thôn Hương và thôn Hội.  Trong ảnh: Kiểm tra kỹ thuật trước khi đóng điện tại trạm biến áp thôn Hương, thôn Hội, Yên Trung, Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hà


Từ trước năm 2008,  4 Cty Điện lực là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng và Khánh Hòa đã bán điện tới 100% hộ nông thôn. Do đó, tính đến nay, EVN đã bán điện trực tiếp cho gần 10 triệu hộ nông thôn (đạt 63,68%), đưa tổng số trên 4000 xã đã bàn giao LĐHANT cho ngành điện quản lý (đạt 47,55%.). Trong đó, 12 điện lực địa phương đã bán điện đến 100% hộ dân là Điện lực Bắc Ninh, Điện lực Sơn La (thuộc Công ty điện lực 1),  8 điện lực thuộc Công ty Điện lực 2 gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và 2 điện lực thuộc Công ty Điện lực 3 là Gia Lai và Kon Tum. Ngoài ra nhiều điện lực đã thực hiện tiếp nhận LĐHANT và bán điện đến 90% hộ nông thôn là Điện lực Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Kiên Giang, Đăk Nông….

 Hệ thống cột điện rối rắm, thiếu an toàn do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn tại địa phương quản lý  Hệ thống điện này sau khi đã bàn giao cho Điện lực địa phương quản lý đã được cải tạo và củng cố, đảm bảo chất lượng và an toàn điện

Theo báo cáo của Công ty Điện lực 1, 2, 3, việc tiếp LĐHANT tại các địa phương vùng nông thôn ban đầu gặp nhiều khó khăn do chính quyền, người dân chưa hiểu hết mục tiêu ý nghĩa của chương trình. Do đó, không ít tỉnh ban đầu bày tỏ sự ủng hộ, hậu thuẫn cho sự tồn tại và phát triển của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính cản trở việc bàn giao LĐHANT cho các điện lực thuộc EVN quản lý là vì các tổ chức kinh doanh điện nông thôn tại địa phương đang được hưởng lợi từ cơ chế giá điện, mặc dù ngành điện lỗ nhưng các hộ nông thôn cũng không được trợ giá mà phần chênh lệch này rơi vào “túi” trung gian, cai thầu địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành tiếp nhận LĐHANT và bán điện trực tiếp cho hộ dân nông thôn nhằm thống nhất lĩnh vực bán lẻ điện năng khu vực nông thôn trong toàn quốc để thực hiện đúng chính sách giá điện cho người nghèo của chính phủ, EVN đã có cơ chế đặc biệt, tạo điều kiện để các Công ty điện lực có khả năng thu xếp nguồn lực triển khai chương trình, thành lập Ban chỉ đạo tại các điện lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đại diện các Công ty điện lực, điện lực tỉnh cho biết: Để thực hiện bàn giao LĐHANT từ các tổ chức kinh doanh tại địa phương sang cho ngành điện quản lý, lãnh đạo điện lực phải có quyết tâm cao, kiên trì trong thuyết phục chính quyền và nhẫn nại, khéo léo trong giải quyết các khó khăn khi thực hiện tại đại phương, nhận thức đầy đủ về mục tiêu mở rộng thị trường bán lẻ và lợi ích to lớn của việc tiếp nhận này không chỉ cho người dân mà chính quyền, ngành điện và nhà nước cũng như toàn xã hội thì công tác tiếp nhận và bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn của ngành điện mới thuận lợi.

Cũng theo đại diện các Công ty Điện lực thì vấn đề tồn tại sau khí tiếp nhận LĐHANT là việc phải thay thế và tổ chức kiểm điện 100% số công tơ điện, phải ký hợp đồng mua bán điện đến từng hộ dân. Công việc này phải coi là nguyên tắc xuyên suốt quá trình tiếp nhận tại tất cả các xã thì sau khi nhận bàn giao các Công ty điện lực mới đảm bảo hạ thấp tỷ lệ tổn thất điện năng, nâng giá bán lẻ bình quân. Hơn thế, các điện lực phải tập trung xử lý an toàn điện, chất lượng điện, ứng xử văn minh với khách hàng sử dụng điện nhằm để nhân dân nhận thức được rõ ràng lợi ích của cá nhân và cộng đồng khi mua điện trực tiếp từ ngành điện, từ đó tuyên truyền miệng là cách nhanh nhất để đông đảo dân cư nông thôn, miền núi, đồng bào vùng sâu, xa thông tỏ và tự nguyện phối hợp với ngành điện thực hiện hoàn thành chương trình tiếp nhận và bàn giao LĐHANT từ nay đến năm 2010.

Trần Phương