Quả bói đầu mùa trên dòng sông Srêpôk
Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp được xây dựng ở vị trí cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20 km, nằm trên địa phận 3 huyện Krông Ana, Krông Nô và Cư Jút thuộc tỉnh Đăklăk. So với các nhà máy thuỷ điện thì “Buôn Kuốp” được xếp vào loại “nhất cận thị”. Con đường vào công trường mới ngày nào được san ủi cho ngày khởi công công trình thơm mùi đất vỡ hoang, hôm nay đã được thảm phẳng lì và rộng rãi như đường quốc lộ.
Theo quy hoạch, trên dòng sông Srêpôk sẽ có 6 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất lắp máy là 621MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 3 tỉ kWh. Dự án thuỷ điện Buôn Kuốp là một trong số các nhà máy được xây dựng trên dòng sông này, có công suất lắp máy 280 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 1,37 tỉ kWh. Tổng mức đầu tư khoảng 4.616 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay thương mại và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tự cân đối. Dự án do Cty Tư vấn điện 2 làm tư vấn chính. Tổ hợp các nhà thầu xây lắp gồm: Tcty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Tcty lắp máy Việt Nam, Tcty xây dựng số 1, Cty đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam và Tcty Trường Sơn (Binh đoàn 12), trong đó Tcty xuất nhập khẩu xây dựng VN (VINACONEX) làm tổng thầu.
Ban Quản lý dự án thuỷ điện 5 cho biết, từ ngày 27-2-2009, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức kiểm tra và đã chấp thuận cho việc tích nước hồ chứa. Ngày 23-3-3009, tổ máy số 1 (công suất 140MW) nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp đó tiến hành vận hành không tải thành công. Sau thời gian hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật, đúng 17 giờ ngày 29-3, tổ máy số 1 đó chính thức phát điện.
Tuy vậy, đường găng hiện nay của dự án thủy điện Buôn Kuốp là đường hầm số 2, do các nhà thầu tập trung hoàn thiện các hạng mục để đảm bảo tiến độ phát điện tổ máy số 1 nên vỏ bê tông đường hầm số 2 còn 550m dài chưa được thi công. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đang phối hợp các nhà thầu tập trung lực lượng thi công để hoàn thành hạng mục này trong tháng 7-2009. Tổ máy số 2 (công suất 140MW) cũng đang được các nhà thầu gấp rút hoàn thành
Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp là dự án có hiệu quả nhất trong các dự án thuỷ điện bậc thang nằm trên dòng sông Srêpok và những ki-lô-oát điện đầu tiên phát lên hệ thống lưới điện quốc gia cũng chính là ngày quả bói đầu mùa trên dòng Srêpôk.
Chiến dịch ngày và đêm
Công trình nhà máy thuỷ điện Buôn Tua Srah được khởi công vào tháng 11-2004. Tôi còn nhớ, giai đoạn đầu, dự án này được triển khai rất “ngon lành”. Song, tiến độ càng “vào sâu” lại càng nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là điều kiện địa chất phức tạp. Công ty Tư vấn Xây dựng điện 4 đã phải cử một đội mô tả địa chất thường xuyên có mặt tại hiện trường, phối hợp với Nhà thầu mô tả kịp thời điều kiện địa chất thực tế để làm cơ sở cho việc hiệu chỉnh bản vẽ thi công và xử lý các phát sinh. Chưa hết, mưa. Có lẽ chưa bao giờ mưa ở Tây Nguyên lại nhiều như vài năm gần đây. Mùa mưa đến sớm, kéo dài và bất thường khiến cho các nhà thầu thi công luôn trong tình trạng bị động.
Chúng tôi có mặt ở Tây Nguyên vào những ngày giữa tháng 3, thời điểm mà bất cứ một công trình thuỷ điện nào cũng phải dốc hết tâm lực để công trình đạt được các điều kiện cho chống lũ. Nhưng đối với thuỷ điện Buôn Tua Srah, đường găng quyết định chống lũ 2009 là phải đắp khoảng 1,25 triệu m3 đất đá còn lại của hạng mục dập dâng nước để đạt cao độ 482m. Với khối lượng đào đắp trên, các Nhà thầu thi công phải đạt cường độ đắp bình quân của tháng 3 và tháng 4 là 640m3/tháng (tức khoảng 25.000m3/ngày), trong khi cường độ thi công hiện nay chỉ khoảng 16.000m3/ngày, 480m3/tháng.
Ngay sau khi Đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra công trình và yêu cầu đảm bảo mục tiêu chống lũ, Chủ đầu tư và các Nhà thầu thi công đã tập trung đầy đủ thiết bị xe máy, ôtô vận chuyển để thi công 3 ca liên tục, đặc biệt tập trung ở khu vực kênh dẫn dòng, vì nếu thi công chậm hạng mục này sẽ không đảm bảo mục tiêu chống lũ, như vậy sẽ đồng nghĩa an toàn công trình và hạ lưu sẽ bị đe doạ.
Những khẩu hiệu “Bảo đảm mục tiêu chống lũ năm 2009” được viết lên thân đập. Nói đến khẩu hiệu, tôi lại nhớ đã có lần bạn bè cho tôi là người lạc hậu, bây giờ có mấy ai sống và làm việc bằng “khẩu hiệu” đâu! Ở một góc nào đó của cuộc sống thì là vậy, nhưng trong không khí của chiến dịch tăng tốc tiến độ để chống lũ, với khí thế lao động khẩn trương, hăng say của những kỹ sư, công nhân đang có mặt trên công trường, tôi nhận thấy những dòng khẩu hiệu như thể hiện tâm tư của họ và với ý chí của “những chàng Sơn Tinh”, họ sẽ là người chiến thắng trong cuộc trị thuỷ hôm nay./