Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh vận hành các tổ máy phát điện Diesele cấp điện cho các hộ dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: Ngọc Hà
Đảo nghèo nơi phố thị
Nằm cách đất liền hơn 1 giờ đi đò, xã đảo Thạnh An (thuộc huyện Cần Giờ) là xã đảo duy nhất và xa nhất của TP Hồ Chí Minh. Thạnh An là xã thuộc diện khó khăn nhất của thành phố, mặc dù đã được chính quyền thành phố quan tâm với nhiều ưu tiên trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng những gì tôi được tận mắt chứng kiến thì Thạnh An vẫn là xã nghèo. Ấy thế mà những người dân Thạnh An đều nói là xã đảo có được như ngày hôm này là bước chuyển mình, đổi thay khá lớn so với trước đây.
Thạnh An là một xã đảo trong thành phố lớn thứ nhì cả nước. Tại sao xóa nghèo cho Thạnh An lại khó khăn đến vậy? Nhưng chỉ một lần “mục sở thị”, tôi đã tìm được lời giải đáp, bởi Thạnh An biệt lập hoàn toàn với đất liền, hệ thống giao thông đối ngoại duy nhất là đường thủy. Để đi từ trung tâm Thành phố đến Thạnh An, chúng tôi phải di chuyển bằng nhiều phương tiện: Đầu tiên là đi ô tô, qua phà Bình Chánh, đi tiếp bằng ô tô khoảng 1 giờ đồng hồ, đi tiếp bằng đò khoảng hơn 1 giờ đồng hồ nữa mới đến được Thạnh An. Đường bộ ở Thạnh An rất nhỏ là các tuyến đường liên ấp, đường nội bộ khu dân cư nên chỉ đi lại bằng xe máy và đi bộ.
Mọi liên lạc với đất liền chủ yếu nhờ vào những con đò cũ kỹ mà người dân dùng đi đánh cá. Hầu hết những hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của người dân trong xã chỉ trông chờ vào những chuyến đò nối với đất liền, kể cả nước ngọt dùng cho sinh hoạt và ăn uống. Nhưng hàng ngày cũng chỉ có 2 chuyến đi-về (6 giờ sáng đi từ đất liền ra đảo và 9 giờ từ đảo vào đất liền; 13 giờ chiều đi từ đất liền ra đảo và 17 giờ từ đảo vào đất liền). Bác lái đò nói, mỗi chuyến thu được ít nhất 400.000đồng mới chạy được và không bị lỗ (giá vé 25.000đ/người/lượt/chuyến), vì vậy, nói là ngày 2 chuyến đi-về nhưng nếu không đủ khách cũng không chạy được. Như vậy để cho thấy, đến được với Thạnh An cũng “đò ngang cách trở” chưa nói đến vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng nhà ở, đường xá…
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Bí thư – Chủ tịch xã Thạnh An cho biết: Toàn xã đảo có ba ấp (Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng) với diện tích tự nhiên khoảng 13 nghìn ha nhưng chủ yếu là rừng ngập mặn. Hiện dân số của xã khoảng 4.689 nhân khẩu, trong đó có khoảng 30% là hộ nghèo, cuộc sống mưu sinh chỉ trông chờ vào đánh bắt thủy sản gần bờ và làm muối. Tuy nhiên, những nghề này lại phụ thuộc vào thời tiết do đó đời sống của người dân rất khó khăn. Mức sống của người dân vì thế cũng thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thành phố, số căn nhà chưa đạt chuẩn chiếm 37,53%.
Vì "đò ngang cách trở" nên tất tần tật mọi thứ từ hàng hóa thiết yếu dùng cho sinh hoạt hằng ngày cho đến vật tư xây dựng trên đảo đều phải vận chuyển từ đất liền ra. Nên để xây dựng được một ngôi nhà kiên cố chống chịu được gió bão, sóng biển... thì chi phí cho một ngôi nhà gấp nhiều lần so với đất liền. So với mức thu nhập ít ỏi của người dân xã đảo, điều đó chỉ là mơ ước. Bà Võ Thị Sàng- ấp Thạnh Hòa nói, người dân Thạnh An được ở những ngôi nhà xây kiên cố đều do các tổ chức hỗ trợ, vì vậy mà trên xã đảo này hầu hết không treo biển số nhà mà chỉ treo bảng Nhà tình thương, tình nghĩa.
Tiếp thêm sức mạnh cho đảo
Ðể vực dậy đời sống người dân xã đảo, đồng thời tạo tiền đề cho xã vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, cả hệ thống chính trị của TP Hồ Chí Minh đã dồn sức thực hiện một loạt chương trình, chính sách ưu tiên, ưu đãi như: đầu tư nâng cấp trạm y tế, trường học đạt chuẩn quốc gia; kiên cố hệ thống đê kè ven biển chống xâm thực của triều cường; xây dựng đường giao thông nông thôn, cung cấp nước ngọt tới từng hộ dân, và nhất là điện lưới đã tới khắp xã đảo.
Tính đến năm 2014, số căn nhà ở Thạnh An chưa đạt chuẩn chiếm 37,53% (171 căn), thực hiện chủ trương của Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong công tác hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho Thạnh An 128 căn, trong đó, xây dựng mới 70 căn và sửa chữa 58 căn.
Bí thư - Chủ tịch UBND xã Huỳnh Anh Tuấn nói: Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội, đời sống về vật chất tinh thần của người dân có nhiều chuyển biến. Nếu như cách đây khoảng 10 năm về trước, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, bà con không thể tự chủ động trong việc sản xuất, phát triển kinh tế, trình độ dân trí rất thấp, điện, nước về xã rất khó khăn... thì những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, của huyện, cũng như sự nỗ lực của xã và bà con, đến nay đời sống người dân đã bớt nhọc nhằn.Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rất nhiều, đầu năm 2012, toàn xã có 508 hộ nghèo (chiếm gần 60%) thì đến cuối năm 2012 còn 385 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 30%). Từ đầu tháng 12-2012, điện lực huyện Cần Giờ đã bảo đảm cung cấp điện chiếu sáng phục vụ bà con 24/24 giờ (trước chỉ phục vụ từ 12 đến 18/24 giờ). Tất cả hộ dân trên xã đảo đã được dùng nước ngọt 100%. Người dân được tiếp cận với y tế và giáo dục được đạt chuẩn quốc gia, con em học sinh trên địa bàn xã được miễn học phí hoàn toàn vì vậy trình độ học vấn người dân đã được nâng cao hơn. Người dân đã chủ động được trong việc phát triển sản xuất nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chứ không còn trông chờ vào thiên nhiên như trước.
Nếu như trước đây nhà của người dân toàn nhà sàn bằng cây đước, ván gỗ thì nay người dân đã được ở trong nhà xây bằng gạch. Ngày xưa, cả xã chỉ có một đường độc đạo nhưng thường xuyên ngập nước, đến nay đã có nhiều đường vào đảo được đổ bằng bê-tông sạch sẽ.
Theo Văn bản số 98/CV-UBND ngày 16-8-2012 của UBND xã Thạnh An, thì từ năm 2015, sẽ di dời khoảng 1/3 hộ dân vào đất liền sinh sống và lập nghiệp. Sau đó, sẽ sắp xếp lại dân cư, mở rộng diện tích, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do vậy, dự kiến phụ tải phát điện của xã đảo đến năm 2015 là 350,6 kW, giai đoạn đến năm 2020 là 611,8 kW. Lãnh đạo xã nhận định, nếu có nguồn điện ổn định, công suất lớn thì mức tiêu thụ điện sẽ tăng nhanh hơn mức này do người dân sắm thêm các thiết bị tiêu thụ điện và sản xuất nước đá để kinh doanh thủy hải sản.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cho biết, xuất phát từ nhu cầu của Thạnh An, Tổng Công ty đã quyết định đầu tư xây dựng mới tuyến cáp ngầm vượt biển 22kV, tổng mức đầu tư gần 167,3 tỷ đồng sử dụng vốn vay của WB, cung cấp cho xã đảo Thạnh An. Dự án không chỉ cung cấp nguồn điện ổn định và chất lượng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn mà còn cải tạo lưới điện trên xã, giảm tổn thất lưới điện, cũng như giảm chi phí bù lỗ trong cung cấp điện trên địa bàn xã hiện nay.
Đề cập đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn sau khi có điện lưới quốc gia, Chủ tịch xã Thạnh An cho biết xã sẽ hình thành tổ hợp tác muối và thành lập thêm 2 cơ sở chế biến hải sản, sau đó sẽ hình thành tổ hợp tác chế biến hào. Như vậy, sau khi có điện lưới quốc gia, xã đảo Thạnh An sẽ chỉ tập trung vào 3 ngành mũi nhọn là đánh bắt, nuôi trồng và đổi mới mô hình làm muối sạch ở ấp Thiềng Liềng từ truyền thống sang trải bạt cho sản lượng nhiều hơn, giá thành cao hơn.
Chúng tôi dời đảo khi trời đã xế chiều, không khí ở đây vẫn rất bình lặng, không có những tiếng cười, nói ồn ã, những người phụ nữ vẫn đang cần mẫn đan lưới, xa xa ngoài biển, bóng dáng những người đàn ông đi đánh bắt trở về. Biến xã đảo nghèo thành khu du lịch sầm uất sẽ thành hiện thực nhưng đó vẫn còn nằm trong tương lai, nhưng những gì chúng tôi được nhìn thấy là 128 ngôi nhà kiên cố đã che chở người dân nghèo xã đảo Thạnh An trong mùa mưa nắng, gió bão. Rồi tháng 12 này, điện lưới quốc gia sẽ nối liền ra đảo, Thạnh An sẽ được tiếp thêm sức mạnh để phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống./