Diễn đàn năng lượng

Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2016: Thách thức cho phát triển bền vững

Thứ sáu, 26/8/2016 | 09:23 GMT+7
Sáng ngày 25 tháng 8 năm 2016 tại Hà Nội, Báo Công Thương phối hợp với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức "Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016: Thách thức cho phát triển bền vững".

 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương nhấn mạnh, ngành năng lượng là ngành hạ tầng, giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế, xã hội của Việt Nam. Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và giành ưu tiên cao cho các nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đẩy đủ năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng rất nhanh, khoảng 11,5% trong giai đoạn 2001-2010, trước khi có sự giảm nhẹ từ năm 2011 đến 2015.Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trưởng trung bình 13,07%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2015.
 
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, năm 2015, tổng cục năng lượng tiêu thụ toàn quốc năm 2015 của Việt Nam là khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050.
 
Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng như nhu cầu năng lượng tăng trưởng cao gây áp lực lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời cũng tạo sức éo lớn cho nền kinh tế Việt Nam về vốn đầu tư cho ngành Năng lượng. Ngoài ra, Việt Nam hiện nay đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển điện vào năm 2020. Các khoản đầu tư lớn, cải cách thị trường năng lượng là cần thiết để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai, đồng thời duy trì việc tiếp cận cho mọi đối tượng ở mức gia hợp lý, giảm thiểu lượng khí thải carbon và sự tác động đến môi trường của ngành.
 
Chính vì vậy, ông Lê Tuấn Phong cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện việc hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng, quy hoạch năng lượng, xây dựng năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Song song với việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-Ttg ngày 25 tháng 11 năm 2015 trong đó có mục tiêu tăng tổng các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất, sử dụng từ khoảng 25 triệu TOE (tấn dầu tương đương) vào năm 2015 lên khoảng 37 triệu tấn TOE vào năm 2020, khoảng 62 triệu TOE vào năm 2030 và 138 triệu TOE vào năm 2050. Tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 452 tỷ kWh vào năm 2050. Tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ 35% năm 2015 lên khoảng 38% năm 2020, khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050.
 
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đăt ra các mục tiêu cụ thể như cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016-2030. Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.
 
Làm rõ hơn về lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kế hoạch, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đặt ra chiến lược phát triển năng lượng tái tạo bằng việc huy động mọi nguồn lực, phát triển năng lượng tái tạo với giá cả hợp lý, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo theo lộ trình, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 
Mục tiêu đề ra đến năm 2020, hầu hết các hộ dân có điện, đến năm 2030 tiếp cận dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, giá hợp lý. Giảm phát thải khí nhà kính 5% năm 2020, và 45% năm 2050. Giảm nhập khẩu nhiên liệu, giảm 40 triệu tấn than, 3,7 triệu tấn dầu năm 2030; 150 triệu tấn than, 10,5 triệu tấn dầu năm 2050.Tỷ lệ số hộ sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời từ 4,3% năm 2015 lên 50% vào năm 2050.
 
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam chia sẻ, có hai vấn đề cần lưu ý bởi nó tác động đến việc phát triển năng lượng của Việt Nam. Thứ nhất là vấn đề cơ cấu. Quá trình chuyển dịch cơ cấu của Việt Nam đã có nhưng rất chậm. Cụ thể, công nghiệp nặng về khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, định hướng CN phi công nghệ, không khuyến khích sản xuất nội địa. Nông nghiệp dịch chuyển cơ cấu kiểu "đèn cù" có nghĩa là thay cây con liên tục nhưng quanh quẩn vẫn là những cây con đó, với định hướng xuyên suốt hướng đến sản lượng và năng xuất chứ không hướng vào giá trị. Dịch vụ kém phát triển, chất lượng thấp, ngành du lịch định hướng tăng "sản lượng" khách, đa số khách (85-90%) "một đi không trở lại". Nền kinh tế khuyến khích nhập khẩu để gia công lắp ráp và mang tính đầu cơ. "Kinh tế vẫn đậm chất kinh tế tiểu nông, nhỏ lẻ, đóng kín, thiếu liên kết, chưa có tầm nhìn toàn cầu" ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
 
Vấn đề thứ 2 là cơ chế, ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra tình trạng xung đột cung - cầu năng lượng. Giá điện ở VN hiện nay thấp, khuyến khích người tiêu dùng, không khuyến khích sản xuất năng lượng, khuyến khích sản xuất lạc hậu. Sau 55 năm Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong "cơ sở công nghiệp hóa", nền tảng của nước công nghiệp phát triển hiện đại.
 
Chính vì vậy, Ngành năng lượng cần đặt mục tiêu bao nhiêu năm sẽ thay đổi được cơ chế giá. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy vượt lên để thay đổi đẳng cấp. Cùng với đó, cơ chế thị trường cần thay đổi cơ bản nhưng không gây xung đột xã hội bởi giá điện mang tính chính trị rất cao.
Theo: Cổng TTĐT Bộ Công thương