Thấy tôi chăm chú theo dõi tiểu phẩm “Từ một câu chuyện” của Cty Truyền tải điện 4 trong phần thi năng khiếu, anh Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch Công đoàn tranh thủ ''khoe'': của nhà trồng được đấy tất cả đều đo Đình Hà, đội trưởng đội văn nghệ Cty viết kịch bản soạn nhạc nền, dàn dựng và đạo diễn. Còn nội dung cốt chuyện lấy ở đâu? tôi hỏi.
Bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ
Giọng anh ấm chợt chùng xuống: Cũng “của nhà làm ra” mới buồn chứ. Tò mò, tôi tìm gặp Đình Hà ngay sau vở diễn và được biết: anh viết kịch bản dựa trên câu chuyện có thật xảy ra tại Cty đầu năm 2007. Nguyên mẫu là một cán bộ của Cty được chỉ đạo phối hợp với đội sửa chữa thu hồi thiết bị điện. Vì sốt ruột, lại chủ quan nên anh định trèo lên làm thay khi đội sửa chữa chưa đến. Không ngờ anh leo nhầm lên thiết bị có điện và bị điện giật. May là Cty vừa đầu tư thiết bị rơ le kỹ thuật số có khả năng tự cất điện ngay nên anh thoát chết. Tiểu phẩm gửi đến mọi người một thông điệp: Chủ quan là tiền đề của mọi tai nạn. Hậu quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến người bị nạn mà còn để lại nỗi đau cho người thân, gánh nặng cho xã hội. Đây chính là bài học xương máu cho CBCN trong Cty và cho tất cả mọi người.
Không may mắn như anh thợ điện ở Truyền tải 4, tiểu phẩm “Diêm vương xử án” của Cty Truyền tải điện 3 do chị Nguyễn Thị Cốm, Phó Chủ tịch Công đoàn Cty viết kịch bảb và đạo diễn dựa trên một câu chuyện đau lòng xảy ra ở Hoà Bình cách đây 10 năm. Chỉ vì một chút lơ là đại khái, cẩu thả, vô nguyên tắc không chấp hành quy trình quy phạm an toàn lao dộng đã dẫn đến cái chết oan uổng của một nữ thợ điện, để lại những đứa con bơ vơ với nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình và người thân. Tác giả trăn trở với câu chuyện này từ lâu nhưng nay mới có dịp thể hiện. Thời gian viết kịch bản 1 tuần nhưng chỉ có 4 ngày luyện tập nên rất vội. Có hôm 2 giờ sáng vẫn chưa ngủ được vì lo lắng, thế là chị rón rén xuống phòng khách tập để khỏi ảnh hưởng đến chồng con. Còn vở hài kịch của Điện lực Hải Phòng lại làm khán giả cười nghiêng ngả. Thật đáng khâm phục khi những người thợ chỉ quen cầm kìm cầm búa lại có thể sáng tạo được những tác phẩm mang tính giáo dục rất cao như vậy.
Những khúc ca ngẫu hứng.
Vui nhộn và ấn tượng nhất vẫn là những tiết mục ngẫu hứng bên ngoài Hội thu. Có lẽ vì không bị áp lực của việc chấm điểm xếp loại nên các diễn viên đã thể hiện hết mình. Tại buổi liên hoan tổng kết khu vực Điện lực ở Đà nẵng không ai quên được tiết mục hoà ca ngẫu hứng khi tất cả thực, khách nắm tay nhau đi vòng quanh các bàn tiệc trong tiếng nhạc, tiếng hát rộn ràng. Bài hát “Nói với đồng nghiệp” do Ngọc Thanh (Cty Điện lực 2) tự biên tự diễn dựa trên nền nhạc của một bài hát nước ngoài giáo dục về an toàn lao động nhưng được phổ theo tiết tấu vui nhộn dễ nhớ nên khán giả rất thích thú. Xem vở chèo “Hát mừng hội thi" của Cty Nhiệt điện Phả Lại với những chiếc áo mớ ba mớ bảy, cũng đàn sáo trống nhị, cũng hò vè, hát đế như thật! tôi thực sự cảm phục sự nhiệt tình và tự tin của những người thợ điện khi được biết đội múa toàn những chị ở tuổi dâu đảm mẹ hiền, có chị còn sắp lên chức bà. “Ca sĩ già'' của Cty Truyền tải điện 3 hát “Ta yêu nhau về Buôn Ma Thuột” “bốc'' đến nỗi cả hội trường vỗ tay rào rào hoà theo bài hát. Đặc biệt, bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” do 5 chị của các Cty Truyền tải 1,2,3,4 ở 3 miền Bắc Trung Nam tình cờ gặp nhau tại Hội thi và ngẫu hứng rủ nhau lên hát rất ăn ý cứ nhự đã luyện tập từ rất lâu rồi. Chính sự nhiệt tình tự tin, yêu đời của các chị đã góp phần không nhỏ vào thành công của Hội thi. Ít ai tin rằng Chủ tịch Công đoàn EVN Trần Văn Ngọc thường ngày rất ít nói cũng lên nhảy rất ''bốc lửa'' theo tiếng hát du dương của bài hát Tây du ký do Cty Truyền tải 4 thể hiện. Tại Hội thi, mọi ranh giới về chức vụ, tuổi tác dường như bị xoá nhoà. Tất cả đều hoà trong không khí vui vẻ, nhân ái và đoàn kết với các thí sinh, điều quan trọng nhất là sau cuộc thi này các anh chị học được nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn với lời hẹn sẽ gặp lại trong những hội thi sau.
Theo Báo CNVN Số 34