Điện năng lượng sạch thắp sáng Trường Sa

Thứ ba, 28/5/2019 | 10:12 GMT+7
Trường Sa hôm nay rực sáng khi màn đêm buông xuống không chỉ bởi ánh điện lung linh giữa trùng dương bao la, mà rực sáng bởi khí phách kiên cường, ý chí vững vàng quyết tâm và tình yêu biển đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc của quân dân huyện đảo nơi đầu sóng ngọn gió. 
Những cột điện quạt gió tại đảo Song Tử Tây.
 
Sau 44 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, Trường Sa đang từng ngày thay da đổi thịt, nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước, sự chung sức của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc. Cái “thay da đổi thịt” ấy, trước hết phải nói đến việc thắp sáng Trường Sa bằng điện năng lượng mặt trời.
 
Quân - dân phấn khởi
 
Tháng 10/2008, có một sự kiện làm nức lòng cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa lớn và được coi là “đột phá” của Quân chủng Hải quân trong việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho quân dân xã đảo. Đó là đưa vào khai thác sử dụng hệ thống điện chiếu sáng từ nguồn năng lượng quạt gió và năng lượng mặt trời. Trường Sa lớn là đảo được xây dựng, và thực nghiệm đầu tiên, sau đó đến các cụm đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây và các đảo chìm như Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn, Đá Lát, Đá Tây A,B,C…
 
Thượng tá Phạm Văn Quý, Phó trưởng Phòng Doanh trại (Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân) là một trong những người tham gia “hoạch định” dự án và kết cấu hệ thống điện chiếu sáng ở Trường Sa kể: Dự án được nghiên cứu kỹ lưỡng, triển khai theo hai giai đoạn, gồm giai đoạn thí điểm và giai đoạn tổng thể. Giai đoạn thí điểm từ tháng 10/2008 đến tháng 4/2009 triển khai trên xã đảo Trường Sa Lớn và các đảo nổi bằng nguồn vốn hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm, Bộ tư lệnh Hải quân báo cáo Chính phủ, các cấp bộ, ngành và được Chính phủ phê duyệt triển khai giai đoạn tổng thể, lắp đặt toàn bộ hệ thống điện năng bằng sức gió và năng lượng mặt trời trên tất cả các đảo, nhà giàn DK. Dự án hoàn thành bảo đảm cung cấp điện 24 giờ trong ngày, bộ đội sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, học tập, làm nhiệm vụ. Nguồn điện từ gió và mặt trời cung cấp cho các đảo ở Trường Sa và nhà giàn DK rất ổn định bởi các hệ thống trạm tích điện công nghệ tiên tiến. Các trạm điện, thiết bị truyền dẫn, pin mặt trời và tua-bin gió lắp đặt ở Trường Sa, nhà giàn DK hầu hết đều nhập từ nước ngoài, như động cơ tua-bin gió Whisper-500 do Mỹ sản xuất, pin năng lượng mặt trời 220WP (Mỹ), pin 130WP do Hãng Mitsubishi của Nhật Bản chế tạo, thời gian bảo hành hàng chục năm…
 
Nhiều cột điện bằng sức gió được xây dựng mới ngay cầu cảng Đảo Trường Sa lớn.
 
Sáu tháng sau (tức tháng 4/2009), Đoàn đại biểu đầu tiên của năm ấy có hơn 100 thành viên vượt sóng đến Trường Sa. Ngoài sự chờ đợi, háo hức thăm quân và dân xã đảo nơi đầu sóng ngọn gió, tất cả đều có chung một tâm trạng phấn khởi Trường Sa đã bừng sáng bởi điện mặt trời. Khi chúng tôi đặt chân đến đảo Trường Sa lúc chiều tối, các cột điện chiếu sáng cao áp quanh đảo đã rực sáng. Phía trên cột điện là tấm Pin năng lượng tích điện. Phía xa triền đảo, mấy anh lính trẻ đọc thư dưới cột điện, và chơi đàn ghi ta bên chân sóng.
 
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngỡ ngàng, chị Đặng Thị Liễu - một trong 9 gia đình ngư dân sinh sống tại đảo chạy ra cầu cảng nói. “Trước kia dùng điện máy nổ nên chúng tôi phải dùng rất hạn chế. Từ ngày có năng lượng điện gió và mặt trời, quân và dân trên đảo dùng thoải mái hơn. Trước kia không có tủ lạnh nhưng nay gia đình nào cũng có và dùng rất thoải mái”. Người mẹ trẻ của hai đứa vui vẻ phân trần thêm: “Kể từ ngày có điện, cuộc sống trên đảo đã thay đổi rất nhiều, các gia đình sử dụng điện suốt ngày đêm. Điện khá dồi dào, nên nhà nào cũng có ti vi để xem”.
 
Cũng tâm trạng niềm vui như chị Liễu, chị Trương Thị Quyên chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày chỉ có điện vài tiếng  nhờ chạy máy phát từ, nay gần như có điện cả ngày. Tất cả các hộ dân đều sắm ti vi, tủ lạnh, quạt điện... Có điện cũng giúp phát triển kinh tế thuận lợi hơn cho công việc khai thác, đánh bắt, nhất là bảo quản, chế biến các sản phẩm từ biển”.
 
Ánh sáng niềm tin
 
Nếu từ tháng 10 năm 2008 trở về trước, khi màn đêm buông xuống, Trường Sa như lẫn vào màn đêm giữa sóng nước bộn bề. Những người lính đọc thư nhà phải nhờ ánh trăng, hoặc đèn dầu ma dút. Còn nay điện dùng thoải mái, tất cả sinh hoạt học tập của bộ đội đều dùng đến điện. Tất cả các đảo đều có điện chiếu sáng từ pin năng lượng mặt trời.
 
Là người nhiều năm công tác tại đảo chứng kiến những ngày đầu tiên khi “ánh sáng bừng sáng giữa đại dương bao la”, Đại tá Nguyễn Văn Cường, nguyên Chính trị viên đảo Nam Yết Vùng 4 Hải quân chia sẻ: “Đối với bộ đội Trường Sa, có điện là có niềm vui. Những ngày chưa có điện, tối lại cả đảo “chìm” trong màn đêm. Những đảo nổi còn có “đất” để đi dạo, đi chơi; còn đảo chìm tối đến 10 người với ánh đèn dầu. Mặc dù có máy nổ, song đâu phải lúc nào cũng cho máy chạy, vì ưu tiên nạp điện vào bình ắc quy để thông tin, Radar làm việc. Mặt khác, tiếng ồn từ máy nổ chạy dầu tiếng khá lớn nên chỉ nổ máy mỗi tối 2-4 giờ là tắt. Ngày ấy, chúng tôi khát điện như khát nước. Tối không có điện, phải chạy máy nổ xem ti vi. Mà ở đảo chìm khuôn viên hẹp, chạy máy nổ kêu rất lớn. Từ ngày có điện từ năng lượng gió, và pin mặt trời, đời sống chiến sĩ đổi thay, gần gũi. Mọi sinh hoạt như ở đất liền” - Đại tá Cường, cho biết.
 
Đảo chìm Đá Tây được thắp sáng bằng điện năng lượng sạch.
 
Còn  chiến sĩ Đỗ Văn Ninh ở đảo Trường Sa lớn tự hào rằng: “Ánh sáng của điện không chỉ là khẳng định đời sống của bộ đội Trường Sa được cải thiện, từng bước hiện đại, rút gần khoảng cách giữa biển đảo với đất liền, mà khẳng định đó là ánh sáng niềm tin. Niềm tin ấy giúp chúng tôi nêu cao hơn tinh thần yêu nước, quyết tâm hơn để bảo vệ từng tấc đảo của Tổ quốc”.
 
Nhà máy điện sạch nơi đầu sóng
 
Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhà nước; sự đồng hành của đất liền đối với đảo xa, hiện tại 21/33 đảo, điểm đảo Trường Sa và 15 Nhà giàn DK1 đều có điện thắp sáng bằng năng lượng sạch từ thiên nhiên tích hợp qua hệ thống pin năng lượng, ắc quy dự trữ.
 
Và mới đây nhất, ngành điện lực Việt Nam – EVN đã xây dựng Trụ sở làm việc “Điện lực Trường Sa” tại đảo Trường Sa lớn. Đây được coi như “Trụ sở mẹ”có năng lực điều chỉnh, phân cấp thiết bị, bảo hành, bảo dưỡng thiết bị, sửa chữa kịp thời khi hỏng hóc bảo đảm cho 100% đảo, nhà giàn có điện thắp sáng và sinh hoạt 24/24 bằng năng lượng mặt trời, và gió biển.
 
Theo ông Nguyễn Tài Anh, phó Tổng giám đốc EVN, việc xây dựng “Trụ sở Điện lực Trường Sa” vừa thuận lợi cho việc bảo đảm cung cấp cho cán bộ chiến sĩ tại đảo Trường Sa lớn và các đảo chìm, đảo nổi phụ cận cũng như các nhà giàn DK1; vừa là nơi “trung chuyển” công nhân và thiết bị bảo đảm. Nếu đảo, nhà giàn nào hư, hỏng; Trụ sở Điện lực Trường Sa sẽ kịp thời đáp ứng trong thời gian nhanh nhất, ngắn nhất, để mọi hoạt động huấn luyện chiến đấu, hoạt động quân sự và đời sống cán bộ chiến sĩ nhân dân không bị gián đoạn.
 
Cũng theo ông Nguyễn Tài Anh, hiện đảo Trường Sa lớn và một số điểm đảo chính đã được cấp điện 24/24h (hệ thống điện năng lượng sạch bảo đảm tiêu chuẩn EVN). Một số điểm đảo và nhà giàn còn lại đang dự kiến phấn đấu cấp điện trong trong tháng 6 năm 2019.
 
Hệ thống điện chiếu sáng sáng ở quần đảo Trường Sa hôm nay, không chỉ mang lại ý nghĩa vật chất, cải thiện, giảm bớt những khó khăn cơ bản trong sinh hoạt của bộ đội, mà còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn, đó là thắp sáng tình yêu biển đảo trong tim mỗi người lính biển, là điểm tựa cho ngư dân và các loại tàu thuyền của ta qua lại, một lần nữa khẳng định chủ quyền của Tổ Quốc Việt Nam bừng sáng giữa trùng dương bao la.
Theo: TN&MT