Với ông Lương Văn Chiến, dân tộc Nùng, thôn Hòa Lộc, xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng ngày 22/4/2009 là một ngày quan trọng.
Gia đình ông Lương Văn Chiến vui mừng đón điện
Đó là lần đầu tiên trong đời tay ông bật bóng đèn điện thắp sáng trong ngôi nhà của mình. Một khung cảnh mới đến ngỡ ngàng và phấn khích còn đọng lại trong ông khi nhìn gương mặt đầy niềm vui của đám trẻ học bài và cả nhà quây quần bên bữa cơm chiều duới ngọn đèn điện. Ông tính chuyện làm ăn, đó là mua cái máy bơm tuới nước cho đám rẫy, bỏ chuồng thêm mấy con heo; rồi sắm cho cả nhà cái tivi để giải trí, nâng cao hiểu biết trong cái thôn chỉ vài chục hộ dân, khuất nẻo bên sườn núi.
Dự án cấp điện cho thôn buôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do công ty Điện lực 2 làm chủ đầu tư là một phần của dự án cấp điện cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên của Chính phủ với 1.200 thôn buôn và trên 116.000 hộ của 365 xã. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, dự án thực hiện trên địa bàn 475 thôn buôn với 116 xã của các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Đức Trọng, Di Linh…Theo sở Công Thương Lâm Đồng, lưới điện phân phối trung áp của Lâm Đồng đã phát triển đến các xã, phường, thị trấn trong tòan tỉnh. Tuy nhiên ở nhiều địa phương lưới điện chỉ mới đến trung tâm xã, đầu các thôn buôn; vào thời điểm lập dự án năm 2006 tỷ lệ điện khí hóa của tỉnh chỉ đạt 80%. Phần dự án do Công ty Điện lực 2 làm chủ đầu tư bắt đầu triển khai từ tháng 5/2008 với một khối lượng công việc khá lớn gồm1.423km đường dây trung, hạ áp; 476 trạm biến áp phân phối, chưa kể công tơ và nhánh rẽ vào gần 20.000 hộ dân.
Thôn Hòa Lộc chỉ cách rừng quốc gia Cát Tiên 16 km, cả thôn có 24 hộ đồng bào dân tộc Nùng, Mạ sống bám theo các nương rẫy duới chân núi. Cuộc sống của người dân còn khó khăn, diện tích trồng lúa nước ít, mùa vụ bấp bênh, phụ thuộc vào nước trời; thu nhập chủ yếu từ cây khoai mì, bắp. Một cán bộ của Điện lực Lâm Đồng cho biết người dân nơi đây còn nghèo lắm; hơn nữa với địa hình rừng núi, sông suối phức tạp, các thôn buôn lại nằm rải rác trên phạm vi rộng nên chi phí đầu tư rất cao. Có thôn chỉ vài chục nóc nhà nhưng phải kéo 5-7 km đường dây trung, hạ thế để đến với từng hộ, nhà nước không đầu tư thì không biết đến bao giờ đồng bào có điện. Thế nên khi biết chủ trương nhà nước “cho cái điện” là vui cái bụng lắm-Mo Long Thanh, Phó bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Tà Hing, huyện Đức Trọng bộc bạch.
Trong xã chủ yếu là người dân tộc K” Ho, Chu ru, xã chẳng cần vận động nhiều bà con ai cũng sẵn lòng hợp tác, dù có bị đốn đi cây xoài, cây mít, đám cà phê hay vuông đất để cho công nhân phát quang hành lang kéo dây, dựng cột. K’ Miếu trưởng thôn Tố Lan, xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh kể trong niềm vui, thôn Tố Lan hình thành từ năm 1960 của thế kỷ trước, ngần ấy năm vẫn phải sống với gọn đèn dầu, từ hôm 25 tết Kỷ Sửu người dân đã sống trong ánh sáng điện. Nhà K’ Miếu có vài bóng đèn, cái tivi, cái quạt, dùng tiết kiệm cũng hết 15.000-16.000đồng/tháng, mà 3 tháng mới thu tiền một lần. Từ ngày có điện con trẻ học bài “cái chữ sáng hơn”, nhiều nhà sắm ti vi, máy xay lúa, máy nghiền bắp… người dân trong thôn tập hợp đan gùi, bóc vỏ điều ban đêm để tăng thêm thu nhập. Gặp thầy K’ Ben dân tộc K’ Ho đang dạy 13 em học sinh người Chu ru ở phân trường phổ thông cơ sở xã Tà Hing, thầy không dấu nổi niềm hạnh phúc khi không lâu nữa lớp của thầy có những gọn đèn thắp lên để các em học sinh thấy rõ các con chữ. Trong lúc phấn chấn Mo Long Thanh bật mí, xã Tà Hing còn đang có dự án làm đài truyền thanh không dây để truyền tin và hướng dẫn làm ăn cho bà con trong xã.
Sau một năm đi vào thi công, đến nay 94% số lượng trụ của dự án đã được dựng; kéo dây được gần 1.000km, đạt 80% khối lượng. Ông Nguyễn Văn Minh, phó giám đốc Điện lực Lâm Đồng cho biết, dự án cấp điện cho thôn buôn đầu tư tòan bộ xây dựng lưới điện trung áp từ trung tâm các xã đến các nhánh rẽ, công tơ, mạng điện trong nhà . Ngòai việc lắp đặt đường dây, hệ thống điện theo tiêu chuẩn, các cán bộ của Điện lực Lâm Đồng còn hướng dẫn cho người dân, nâng cao hiểu biết về điện, sử dụng điện an tòan, tiết kiệm và biết cách xử lý sự cố. Sau khi hoàn tất sẽ cung cấp điện ổn định, chất lượng cho đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Lưới điện đảm bảo kỹ thuật và an toàn điện, Điện lực Lâm Đồng quản lý và bán điện đến từng hộ dân, góp phần làm giá giá điện ở nông thôn và xóa bỏ các mô hình quản lý điện lạc hậu hiện nay ở nông thôn. Qua đó người dân vùng sâu sẽ được hưởng các chính sách trợ giá điện của Chính phủ để nâng cao đời sống.
Trên con đường liên huyện từ đường 20 rẽ vào Cát Tiên qua xã Đạ Lây chúng tôi gặp các hàng quán lung linh ánh điện như cửa hàng điện thoại di động, tiệm uốn tóc, và cả tấm biển Salon Beauty… Tuy nhiên, theo một cán bộ Ban quản lý dự án điện miền Nam, cái khó của dự án hiện nay là nguồn vốn của Nhà nước cho dự án rất chậm. Hiện ngân sách mới bố trí được trên 22% so với kế họach, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Công ty Điện lực 2 đã cố xoay sở nhưng vì phải trải trên nhiều công trình nên nguồn lực cũng bị hạn chế. Ông Nguyễn Thành Duy, giám đốc Công ty Điện lực 2 cho biết dù khó khăn công ty cũng sẽ đảm bảo hòan thành dự án đúng tiến độ, sớm một ngày có điện đối người dân vùng sâu là rất ý nghĩa.